Liên đoàn lao động Bình Dương đề nghị Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam sớm có chính sách hỗ trợ con của hàng trăm công nhân tử vong do Covid-19.
Chiều 14/9, đại diện Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết cả nước đã ghi nhận 44.554 công nhân mắc Covid-19, chiếm trên 7,3% tổng nhiễm cả nước; 129 người tử vong. Hơn 2 triệu lao động phải nghỉ việc, giãn việc, mất việc do doanh nghiệp tạm dừng hoạt động hoặc đi cách ly, trị bệnh.
Bà Nguyễn Thị Kim Loan, Chủ tịch Liên đoàn lao động Bình Dương, thông tin tỉnh ghi nhận trên 50 công nhân tử vong trong hơn 14.000 F0, hơn 20.000 F1 là đoàn viên lao động. Các công nhân qua đời phần lớn là trụ cột kinh tế gia đình, đi ở trọ, con còn nhỏ.
“Điều chúng tôi thực sự lo lắng cuộc sống của các cháu sau này”, bà Loan trăn trở, đề nghị Tổng liên đoàn sớm nghiên cứu thêm chính sách cho các trường hợp này, cũng như lao động nữ mang thai, nuôi con nhỏ.
Công nhân Pouyuen tại Bình Tân, TP HCM tan ca về nhà, tháng 6/2021. Ảnh: Hữu Khoa
Bình Dương có hơn 800.000 công nhân chịu ảnh hưởng dịch bệnh trong số 1,3 triệu lao động. Liên đoàn đã giải ngân hơn 130 tỷ đồng hỗ trợ tiền ăn cho 130.000 người trong doanh nghiệp “ba tại chỗ”.
Lãnh đạo liên đoàn lao động tỉnh kiến nghị hỗ trợ tiền ăn cho người lao động thuộc 272 doanh nghiệp đang thực hiện “hai điểm đến, một cung đường”. Công nhân cũng cần được thêm một khoản chi phí trang trải cuộc sống, ít nhất là tháng đầu sau khi trở lại làm việc.
Chung quan điểm, ông Phạm Chí Tâm, Phó chủ tịch Liên đoàn lao động TP HCM cho biết, thành phố có hơn 1.500 doanh nghiệp “ba tại chỗ” với 120.000 lao động. Hiện công đoàn mới có chính sách hỗ trợ 1 triệu đồng chi vào tiền ăn cho công nhân thuộc nhóm này. 196 doanh nghiệp thực hiện “một cung đường, hai điểm đến” với 52.000 lao động chưa được hỗ trợ. Nhiều đơn vị cho hay đã “đuối sức” vì tăng thêm chi phí khi vừa sản xuất vừa chống dịch.
Hơn 31.000 lao động đang hoạt động dịch vụ, thương mại, như nhân viên siêu thị, bảo vệ, nhân viên kỹ thuật phục vụ khu cách ly chuyển đổi từ trường học, cũng cần được hỗ trợ vì nguy cơ lây nhiễm cao.
Liên đoàn thành phố kiến nghị Tổng liên đoàn cho triển khai thêm 200.000 túi an sinh hỗ trợ người lao động. Giá trị mỗi túi nâng lên 250.000 đồng, thay vì 150.000 đồng như trước. Tăng giá trị túi an sinh vì giá nhu yếu phẩm tăng do giãn cách kéo dài.
Nhân viên siêu thị tại TP HCM kiểm tra hàng hóa, tháng 8/2021. Ảnh: Như Quỳnh
Theo ông Nguyễn Văn Quý, Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Long An, các tỉnh thành phía Nam đều đã kéo dài giãn cách đến 2-3 tháng. Gói an sinh trị giá 150.000 đồng chỉ giúp lao động cầm cự thời gian ngắn. Vì vậy, việc tăng giá trị túi an sinh là cần thiết.
Long An sẽ áp dụng Chỉ thị 16 cho tới cuối tháng 9, dự báo công nhân trong các xóm trọ sẽ còn khó khăn bộn bề. Công đoàn nên sớm có chính sách cho lao động trong khu trọ, giúp họ sớm trở lại sản xuất khi kiểm soát được dịch.
Phó chủ tịch Liên đoàn lao động Hà Nội Phạm Bá Vĩnh nói các chính sách trong gói 26.000 tỷ giải ngân cho người lao động có hợp đồng còn chậm do quy trình khá phức tạp. Một số nơi sợ sai, thiếu trách nhiệm nên chưa mạnh dạn hỗ trợ. Qua đường dây nóng, liên đoàn nhận được phản ánh của nhiều công nhân nói khó làm hồ sơ thụ hưởng qua dịch vụ trực tuyến.
Ông Vĩnh cho rằng chính sách cần mở rộng lao động đang ngừng việc, nghỉ giãn việc ở nhà, chỉ hưởng một phần lương, bởi đây mới thực sự là nhóm khó khăn. “Tổng liên đoàn cũng nên phân cấp nhiều hơn cho công đoàn các cấp chủ động sử dụng tài chính tích lũy, chi hỗ trợ cho lao động”, ông nói.
Công nhân một nhà máy ở Long An thực hiện “ba tại chỗ”, tháng 7/2021. Ảnh: Hoàng Nam
Tiếp nhận các ý kiến, ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng liên đoàn, cho rằng về đề xuất của Bình Dương, trước mắt công đoàn các cấp trực tiếp thăm hỏi, có khoản hỗ trợ khẩn cấp cho con em của công nhân tử vong do dịch. Các ban sẽ nghiên cứu và có chính sách phù hợp.
Về hỗ trợ thêm tiền ăn cho lao động thực hiện “một cung đường, hai điểm đến”, Tổng liên đoàn đã bàn bạc cụ thể và sẽ sớm ban hành chính sách. Việc “nâng cấp” giá trị túi an sinh lên 250.000 đồng, cần có đánh giá, xem xét tác động của gói hiện tại trước khi thực hiện gói mới. Ông nhắc bộ phận chuyên môn rà soát lại tài chính công đoàn, chi tiêu của các cấp để có nguồn kinh phí chăm lo Tết nguyên đán cho người lao động.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn nói thêm, công đoàn các cấp cũng cần lên kế hoạch ứng phó với tình huống khi sản xuất trở lại. Nhiều doanh nghiệp sẽ thiếu lao động khi công nhân đã về quê; việc tái cơ cấu cũng khiến một bộ phận lao động mất việc. Kinh phí tích lũy công đoàn cơ sở sẽ cạn kiệt trong khi nhu cầu hỗ trợ lao động thì vô vàn. Nhiều hệ lụy khi đó sẽ bộc lộc rõ hơn bao giờ hết, thậm chí ảnh hưởng lên con của người lao động.
Thời gian tới, Tổng liên đoàn tiếp tục có chính sách hỗ trợ người lao động, song ông cũng đề nghị liên đoàn các tỉnh chủ động đề xuất với chính quyền địa phương có thêm chính sách, bởi trông vào nguồn lực công đoàn cấp trên là không đủ. Hiện tài chính công đoàn còn khoảng 15.000 tỷ đồng và nguồn thu thời gian tới có thể khó khăn hơn.
Hồng Chiêu