Thứ Sáu, ngày 08/10/2021 17:42 PM (GMT+7)
9 tháng đầu năm, nhà đầu tư trong nước mở mới gần 1 triệu tài khoản chứng khoán. Lượng nhà đầu tư F0 trên thị trường quá đông nhưng lại ít người có kinh nghiệm và thường mua bán theo đám đông…
Trong 9 tháng đầu năm, nhà đầu tư trong nước mở mới 957.215 tài khoản chứng khoán, lớn hơn tổng số tài khoản mở mới trong 3 năm 2018; 2019 và 2020 cộng lại (837.345 tài khoản).
Số liệu từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết, trong tháng 9, nhà đầu tư trong nước mở mới 114.810 tài khoản chứng khoán, giảm gần 6.000 tài khoản so với tháng trước đó. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân mở mới 114.713 tài khoản và 97 tài khoản đến từ nhà đầu tư tổ chức.
Có gần 1 triệu tài khoản mở mới trong 9 tháng đầu năm
Dù số tài khoản mở mới giảm trong tháng 9, nhưng đây vẫn là mức rất cao trong bối cảnh nhiều tỉnh, thành thực hiện giãn cách xã hội. Đây là tháng thứ 7 liên tiếp có hơn 100.000 tài khoản chứng khoán được mở mới.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, nhà đầu tư trong nước mở mới 957.215 tài khoản chứng khoán, lớn hơn tổng số tài khoản mở mới trong 3 năm 2018; 2019 và 2020 cộng lại (837.345 tài khoản).
Tổng số tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước tới cuối tháng 9 đạt hơn hơn 3,69 triệu đơn vị, tương dương 3,8% dân số cả nước.
Giới chuyên gia cho rằng, thị trường chứng khoán dù trải qua nhiều biến động thời gian qua, song vẫn là kênh đầu tư phổ biến nhất, được hưởng lợi từ nhiều yếu tố vĩ mô, như mặt bằng lãi suất thấp, sự ủng hộ phát triển thị trường của Chính phủ.
Ngoài ra, việc các công ty chứng khoán hiện đã áp dụng eKYC (định danh khách hàng điện tử) cũng giúp nhà đầu tư dễ dàng mở tài khoản trực tuyến mà không phải đến tận trụ sở/chi nhánh các công ty chứng khoán như trước kia.
Tuy nhiên, dù có tới hàng triệu tài khoản mở mới, nhưng trong số đó nhiều người không biết gì về chứng khoán, thậm chí không biết xem bảng điện tử, mua bán ra sao hay có người chỉ thích nghe theo bạn bè hoặc những chỉ dẫn, “phím” hàng từ các hội nhóm, mua bán theo tâm lý đám đông… dẫn tới thua lỗ nặng nề.
Anh Hoàng Trường (27 tuổi), hiện đang làm kỹ sư tại Quảng Ninh, cho hay anh tham gia đầu tư chứng khoán từ năm nhất đại học, đến nay đã có kinh nghiệm gần chục năm.
“Đầu tư chứng khoán rất dễ, vốn bao nhiêu cũng đầu tư được, không chịu ràng buộc nhiều về pháp lý, ít rủi ro mất trắng tài sản hơn các kênh đầu tư khác. Lợi nhuận từ chứng khoán cũng rất lớn. Nếu gặp may hoặc đầu tư chính xác, 1 ngày có thể lãi được hơn 15% so với tiền vốn, gấp 3 lần lãi gửi ngân hàng 1 năm rồi còn gì, hấp dẫn không?
Nhưng đầu tư chứng khoán rất khó thành công, thành công chỉ được tính khi bạn rút tiền khỏi thị trường và nhiều hơn lúc nạp vào, còn ở lại thị trường thì chuyện thắng thua đều không thể nói trước.
Sau ngần ấy năm đầu tư, lợi nhuận duy nhất mình có chắc vẫn chỉ là kiến thức và kinh nghiệm. Các khoản lời về tiền bạc của mình vẫn chưa đáng kể và khi còn tham gia thị trường thì chuyện lời lỗ nay mai vẫn chưa rõ ràng.
Bạn phải thực sự bản lĩnh, nhiều kinh nghiệm và kiến thức thì mới mong kiếm lời chứ không thể trông mong mãi vào may mắn. Càng tham lam bạn càng nhanh vác balo rời thị trường thôi.
Mình rất ủng hộ mọi người tham gia thị trường sớm. Nhưng cũng đừng quá mong chờ các khoản lợi nhuận lớn khi đầu tư, nhân đôi nhân ba tài khoản, điều này hoàn toàn không thể xảy ra” – anh Trường chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Minh Tuấn – Tổng Giám Đốc AFA Capital, sự bùng nổ nhà đầu tư mới, hay còn được gọi là nhà đầu tư F0 còn mạnh mẽ hơn thời kỳ hoàng kim giai đoạn 2006-2007. Khi lãi suất ngân hàng liên tục giảm, thị trường chứng khoán trở nên hấp dẫn những nhà đầu tư mới, trong đó có những người trẻ tuổi.
“Tôi đánh giá đây là một chất xúc tác cực kỳ tốt cho sự phát triển của thị trường chứng khoán nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung. Số lượng nhà đầu tư mới cũng là động lực đẩy thanh khoản của thị trường lên cao, chúng ta dần đã quen với những phiên giao dịch có giá trị khớp lệnh “tỉ đô”- điều rất hiếm gặp của thị trường chứng khoán trong vài năm đổ lại đây”, ông Tuấn nhận định.
Song song với sự bùng nổ của các nhà đầu tư F0, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng xuất hiện nhiều hơn hiện tượng đầu tư theo kiểu FOMO (Fear of missing out – nhà đầu tư đổ xô mua một tài sản vì sợ bỏ lỡ cơ hội kiếm lời). Theo ông Tuấn, việc nhà đầu tư F0 lao vào thị trường và không xác định một chiến lược đầu tư rõ ràng, đầu tư theo cảm xúc thì lợi nhuận của họ sẽ không được bền vững trong tương lai.
Có tới 90% NĐT mới sẽ mất 90% tài sản của mình trong 90 ngày đầu tiên khi tham gia giao dịch ngắn hạn trên thị trường chứng khoán” – ông Tuấn cho hay.
Ông Nguyễn Vũ Linh, Trưởng Phòng Tư vấn Đầu tư Công ty Chứng khoán VP (VPS), cũng cho rằng lượng nhà đầu tư F0 trên thị trường quá đông nhưng lại ít người có kinh nghiệm nên thường mua bán theo đám đông dễ dẫn tới thua lỗ cũng là dễ hiểu.
Nói về TTCK trong những tháng cuối năm, bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư SSI nhận định: “Diễn biến cổ phiếu cuối năm sẽ có sự phân hóa, nhà đầu tư có thể lựa chọn các cổ phiếu có câu chuyện riêng như là tăng vốn đê đầu tư dài hạn, dự kiến năm 2022 mức tăn là trên 22%”.
Đầu tư bây giờ không dễ dàng như giai đoạn từ nửa cuối năm 2020 bởi đó là khi mọi thứ đều đi lên từ đáy. Bây giờ mặt bằng cổ phiếu đều đã về mức trước dịch, thậm chí là hơn thì việc đầu tư sẽ cần “đãi cát tìm vàng” hơn, kể cả là trong 1 nhóm ngành có triển vọng. Nhưng dù thế nào, với bối cảnh lãi suất còn thấp và chưa có dấu hiệu tăng, chứng khoán vẫn đang là kênh đầu tư hấp dẫn, là nơi tạo thêm nguồn thu nhập cho nhiều người dân, đặc biệt giữa những khó khăn của dịch bệnh.
Các chuyên gia trong ngành cũng cho rằng, nhờ vào tính biến động cao nên đây là thị trường đầy hấp dẫn song cũng lắm rủi ro cho cả nhà đầu tư lâu năm lẫn người mới gia nhập. Đặc biệt, sau thời gian dài ảnh hưởng của dịch dự báo tiềm ẩn nhiều rủi ro, biến động nên nhà đầu tư cần cẩn trọng hơn.
Nguồn: http://danviet.vn/gan-1-trieu-tai-khoan-chung-khoan-moi-trong-9-thang-dau-nam-bao-nhieu-nguoi-co…
“Những mong sớm hết dịch để quán được mở cửa hoạt động trở lại thì bất ngờ tôi nhận thông báo yêu cầu trả…