Dự Hội nghị Cấp cao ASEAN sau 4 năm lãnh đạo Mỹ vắng mặt, Tổng thống Biden cho thấy Washington tiếp tục xem trọng vai trò trung tâm của khối.
Hunter Marston, nghiên cứu viên về quan hệ quốc tế, Trường Các vấn đề Thái Bình Dương Coral Bell thuộc Đại học Quốc gia Australia, nói với VnExpress rằng việc Tổng thống Mỹ Joe Biden “trở lại” với kỳ họp thượng đỉnh ASEAN có thể xem là cột mốc đáng chú ý từ Washington trong nỗ lực tái tiếp cận ngoại giao với khu vực.
Lần gần nhất một tổng thống Mỹ tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN cùng các đối tác là vào năm 2017. Tổng thống Mỹ khi đó là Donald Trump vừa mới nhậm chức và đến thủ đô Manila của Philippines dự sự kiện ngay sau Hội nghị thượng đỉnh APEC tổ chức ở Đà Nẵng.
Ông Trump khi đó không tham gia tất cả hội nghị liên quan mà cắt ngắn chuyến thăm vào ngày cuối cùng và không dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS). Trong những năm còn lại của nhiệm kỳ, ông Trump không tiếp tục dự các hội nghị cấp cao ASEAN.
Chuyên gia Marston đánh giá việc Tổng thống Biden quay trở lại để thảo luận các vấn đề hợp tác với lãnh đạo ASEAN cho thấy Mỹ công nhận tầm quan trọng chiến lược của hiệp hội trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Ông chủ Nhà Trắng thể hiện rõ thông điệp này trong bài phát biểu qua đường truyền video ở Hội nghị Cấp cao ASEAN – Mỹ lần thứ 9 vào ngày 26/10. Tổng thống Biden nhấn mạnh quan hệ đối tác Mỹ – ASEAN giữ vai trò thiết yếu đối với mục tiêu duy trì khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở, là nền tảng cho an ninh và thịnh vượng các bên cùng chia sẻ trong nhiều thập kỷ qua.
“Mỹ ủng hộ mạnh mẽ tầm nhìn ASEAN và trật tự Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương dựa trên luật lệ”, lãnh đạo Nhà Trắng chia sẻ.
Tổng thống Biden tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề khu vực. Ông đồng thời so sánh mối quan hệ giữa Mỹ và ASEAN như “trục then chốt” giúp duy trì sự bền vững, thịnh vượng và an ninh cho toàn khu vực.
Derek J. Grossman, nhà phân tích quốc phòng cho hãng tư vấn chính sách RAND, đánh giá cao việc Tổng thống Biden tham gia hội nghị cấp cao ASEAN – Mỹ và EAS tuần qua, dù là bằng hình thức trực tuyến.
Chính quyền Biden được kỳ vọng tiếp tục dựa vào cơ chế đa phương ASEAN để thúc đẩy những lợi ích của họ ở khu vực trong tương lai.
Các chuyên gia nhận định thông điệp ngoại giao của Mỹ đối với khu vực đã được truyền tải xuyên suốt từ những chuyến làm việc của quan chức các cấp, chuyến thăm của Phó tổng thống Kamara Harris tại Đông Nam Á và mới đây nhất là hành động “tái xuất” của Tổng thống Biden tại thượng đỉnh ASEAN.
“Chính quyền Tổng thống Biden liên tục khẳng định họ sẵn sàng lắng nghe và tôn trọng vai trò trung tâm của ASEAN”, Marston nhận định.
Cách tiếp cận với đồng minh và đối tác của chính quyền Biden hiện nay rất khác so với chính sách dưới thời Trump. Chính quyền Trump 4 năm qua không chú tâm đúng mức đến những quan ngại từ khu vực, đặt nặng mục tiêu điều chỉnh đối tác và đồng minh cho phù hợp chiến lược kiềm tỏa Trung Quốc.
Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ – ASEAN tháng 11/2020 từng bày tỏ “thất vọng sâu sắc” khi tổng thống Trump liên tiếp hai năm bỏ qua kỳ họp thượng đỉnh với khu vực.
Trong khi đó, Tổng thống Biden ngày 26/10 đề cập khả năng trực tiếp gặp gỡ và kết nối với lãnh đạo khu vực ASEAN trong tương lai. Các chuyến thăm chính thức tới khu vực sẽ là bước đáng kể cho nỗ lực tái kết nối với ASEAN và xóa đi không khí hoài nghi về vị trí Đông Nam Á trong các ưu tiên chính sách Mỹ, theo giới chuyên gia.
“Động thái này của Tổng thống Biden gửi thông điệp mạnh mẽ rằng Mỹ đã quay về với ngoại giao bình thường và cấp cao ở Đông Nam Á cũng như trên toàn khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, Grossman nhận định.
Theo thông cáo báo chí ngày 27/10 của Nhà Trắng, Tổng thống Biden sẵn sàng tăng cường đầu tư Mỹ vào khu vực nhằm mở rộng quan hệ đối tác chiến lược với ASEAN, hướng đến các vấn đề như y tế, khí hậu, kinh tế và giáo dục.
Trong số này, Mỹ dành 40 triệu USD cho sáng kiến ứng phó đại dịch Covid-19, đồng thời nâng cao năng lực chung của hiệp hội trong ngăn chặn, phát hiện và ứng phó các dịch bệnh tương lai. Ngoài ra, Mỹ sẽ chi khoảng 20,5 triệu USD giúp ứng phó biến đổi khí hậu, 20 triệu USD hỗ trợ hợp tác thương mại và nghiên cứu phát triển, 17,5 triệu USD cho các dự án giáo dục và 4 triệu USD thúc đẩy bình đẳng giới, giảm cách biệt giàu nghèo.
Theo Marston, những đề mục hỗ trợ trên chứng tỏ Washington nhìn nhận nỗ lực ổn định khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đòi hỏi một ASEAN vững mạnh và thành công. “Mỹ không còn chú trọng lôi kéo từng quốc gia đơn lẻ vào vòng xoáy đối đầu với Trung Quốc nữa. Tín hiệu tái cân bằng ưu tiên chính sách từ Mỹ sẽ được Đông Nam Á hoan nghênh mạnh mẽ hơn”, ông nói.
“Phát biểu của Biden tại diễn đàn tập trung chủ yếu vào các vấn đề không liên quan đến Trung Quốc. Thông điệp vừa được Đông Nam Á đón nhận tích cực, vừa tái khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục ngăn chặn cách hành xử hung hăng ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, Grossman nhận định.
Tuy nhiên, ông lưu ý các nước vẫn còn nghi ngại phần nào với năng lực và ý chí của Mỹ trong duy trì hiện diện ở khu vực trước đà trỗi dậy mạnh mẽ cả về kinh tế lẫn quân sự của Trung Quốc.
ASEAN năm 2020 trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Các nước ASEAN và Trung Quốc đều là thành viên Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), một trong những thỏa thuận thương mại quy mô lớn nhất thế giới.
Trung Quốc hồi tháng 9 còn tuyên bố xin gia nhập hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), tiền thân là Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ dẫn dắt đàm phán nhưng bị tổng thống Trump rút khỏi năm 2017.
“Trong một số vấn đề như thương mại hay khí hậu, Mỹ đóng vai trò quan trọng trong dẫn dắt đối thoại, nhưng đôi khi họ lại tự rời khỏi bàn đàm phán”, Prashanth Parameswaran, chuyên gia chương trình nghiên cứu châu Á của Trung tâm Wilson, từng nói với truyền thông Mỹ về chính sách dưới thời chính quyền Trump.
Những động thái đó khiến Mỹ giờ đây vừa chịu bất lợi về địa lý vừa chậm chân hơn những “người chơi” khác trên bàn cờ kinh tế khu vực, không chỉ Trung Quốc mà còn có Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia.
Theo Marston, qua 4 năm nhiệm kỳ Trump, Trung Quốc đã thiết lập được sức ảnh hưởng áp đảo về kinh tế tại châu Á, nên chính quyền Biden sẽ gặp nhiều khó khăn nếu muốn thách thức vị thế này, trừ phi họ tái tham gia CPTPP hoặc đưa ra một chiến lược kinh tế hấp dẫn hơn cho toàn khu vực.
“Vẫn chưa quá muộn để Mỹ giành lại những gì đã mất, nhưng rõ ràng chính quyền Biden đang đối diện một chặng đường đầy cam go”, ông đánh giá.
Trung Nhân