Theo đó, Bộ GTVT thống nhất với ý kiến của Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về việc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đủ năng lực làm chủ đầu tư và quản lý, khai thác vận hành tuyến cao tốc TPHCM – Long Thành.
Bộ GTVT cho rằng, so với đầu tư công và đầu tư theo phương thức PPP, VEC được giao thực hiện đầu tư dự án sẽ có nhiều ưu điểm.
Thứ nhất, phát huy được vai trò và nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước, phù hợp với mục tiêu hình thành VEC, đồng bộ trong vận hành, khai thác tuyến cao tốc, là tiền đề cho VEC đầu tư mở rộng các tuyến cao tốc do VEC quản lý.
Thứ hai, phù hợp với tình hình sở hữu tài sản tuyến đường này của VEC trong thời gian tớim (đang thực hiện thủ tục giao tài sản này cho VEC thông qua hình thức tăng vốn điều lệ).
Thứ ba, không phải sử dụng vốn đầu tư công, giảm áp lực đối với ngân sách nhà nước.
Thứ tư, thời gian thực hiện ngắn hơn.
Thứ 5, với phương án giao VEC thực hiện sẽ không phải xử lý xung đột lợi ích giữa VEC và chủ thể mới (trường hợp đầu tư theo phương thức PPP).
“Việc sử dụng vốn của doanh nghiệp nhà nước như VEC để đầu tư là một trong 3 hình thức đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông hiện nay, tương tự như việc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không”, báo cáo nêu.
Theo phương án được đề xuất, dự án mở rộng đoạn cao tốc TPHCM – Long Thành có tổng chiều dài gần 22km.
Trong đó, đoạn từ nút giao Vành đai 2 TPHCM (Km 4+000) đến nút giao Vành đai 3 TPHCM (Km 8+770) mở rộng lên quy mô 8 làn xe theo quy hoạch.
Đoạn từ nút giao Vành đai 3 TPHCM (Km 8+770) đến nút giao đường bộ cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (Km 25+920) đầu tư mở rộn quy mô 10 làn xe theo quy hoạch.
Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 14.955 tỷ đồng (bao gồm lãi vay trong thời gian xây dựng, không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng). Trong đó, vốn chủ sở hữu 5.555 tỷ đồng (37%), vốn vay thương mại 9.400 tỷ đồng (63%).
VEC sẽ huy động 100% vốn để thực hiện đầu tư dự án và tổ chức khai thác, thu phí hoàn vốn. Nguồn vốn ngân sách trung ương/ngân sách địa phương (TPHCM, Đồng Nai) sẽ được sử dụng thực hiện giải phóng mặt bằng và tách thành dự án độc lập theo hình thức đầu tư công.
Nếu được cấp có thẩm quyền phê duyệt, dự án sẽ được chuẩn bị đầu tư từ năm 2024 tới 2025, thực hiện từ năm 2025 đến năm 2027.