Địa hình biệt lập, đường sá hạn chế, mưa kéo dài trước bão là các lý do khiến bang Bắc Carolina hứng chịu hậu quả nghiêm trọng do bão Helene.
Tại Swannanoa, khu dân cư nằm bên kia dãy núi Great Smoky thơ mộng ở bang Bắc Carolina, Joe Dancy và Janna Shaw thức giấc trước bình minh để dắt chó đi dạo hôm 27/9 và chợt nhìn thấy dòng nước lũ dần tiến về phía nhà mình.
Một tiếng sau, họ phải trèo qua cửa sổ thoát khỏi căn nhà ngập nước, với sự giúp đỡ của một binh sĩ vệ binh quốc gia Mỹ.
Vài ngày trước khi bão Helene tràn đến, các dự báo cho thấy lũ lụt “thảm khốc” có thể xảy ra, đe dọa tính mạng cộng đồng tại dãy núi Great Smoky bao quanh thành phố du lịch Asheville, hạt Buncombe, bang Bắc Carolina.
Ngày 23/9, Cơ quan Thời tiết Quốc gia đã phát cảnh báo đặc biệt, yêu cầu người dân Asheville và các cộng đồng xung quanh chuẩn bị cho trận lũ “thảm khốc, đe dọa tính mạng”. Cùng ngày, thống đốc Bắc Carolina Roy Cooper đã ban bố tình trạng khẩn cấp, khuyến cáo người dân chuẩn bị di tản, đặc biệt là ở những khu vực ven sông suối.
Các dự báo trở nên đáng lo ngại hơn khi bão đổ bộ vào Florida, nhưng địa hình hiểm trở, biệt lập với rất ít đường rời khỏi thung lũng Asheville khiến chính quyền các địa phương không thể tổ chức sơ tán diện rộng.
Một ngày trước khi bão quét qua Bắc Carolina, giới chức hạt Buncombe phát đi 5 cảnh báo, cho biết một số khu vực đã bắt đầu ngập, kêu gọi người dân sơ tán.
“Nước dâng cao đe dọa tính mạng và tài sản. Hãy di chuyển đến vùng đất cao, đừng chậm trễ!”, cảnh báo phát đến điện thoại của người dân có đoạn. Nhưng không có cảnh báo nào bằng tiếng Tây Ban Nha, trong khi 7% dân số Buncombe, tương đương 19.100 người, là người gốc Tây Ban Nha hoặc Latin.
Giới chức cuối cùng không ban bố lệnh sơ tán bắt buộc, thừa nhận không có cách nào ước tính số người đã thấy và tuân thủ khuyến cáo.
Mưa lớn cũng đã trút xuống từ trước khi bão đến, khiến tình hình càng thêm tồi tệ. Lũ về quá nhanh khiến nhiều người không kịp trở tay và có rất ít cơ hội thoát thân. Biển báo các tuyến đường tránh bão đều bị nước lũ cuốn trôi hoàn toàn.
Kathie Dello, nhà khí hậu học của Bắc Carolina, cho biết Internet rất hạn chế ở nhiều khu vực trong vùng, tín hiệu viễn thông cũng không đảm bảo. Trong số những người nhận được cảnh báo, nhiều người có thể đã không đủ nguồn lực để di tản, họ không biết nơi nào để đi hoặc không thể xin nghỉ làm để chuẩn bị sơ tán.
Kể cả ở những vùng dễ bị ảnh hưởng bởi bão lũ như Florida, quy trình sơ tán trước thiên tai được xem là “cực kỳ phức tạp”, Samnatha Montano, chuyên gia quản lý thảm họa và tình trạng khẩn cấp tại Học viện Hàng hải Massachusetts, cho biết.
“Trong trường hợp này, tình hình sẽ nguy hiểm hơn nếu tiến hành sơ tán diện rộng, bởi nhiều người có thể bị mắc kẹt trên các con đường núi khi lũ về”, bà phân tích.
Evan Fisher, nhà khí tượng học ở ngoại ô Asheville, trước đó đăng cảnh báo về “kịch bản tồi tệ nhất” khi bão kéo đến, nhưng ông cũng thừa nhận bản thân và các chuyên gia không thể làm gì hơn.
Bão Helene bắt đầu đổ bộ vào Florida từ tối 26/9, nhưng từ sáng 25/9, lũ ống từ các sông suối trên núi ở Bắc Carolina bắt đầu đổ từ trên cao xuống.
Bão suy yếu khi tràn đến Bắc Carolina, nhưng mưa rơi xuống nhiều hơn, gây ra hiện tượng “mưa chồng mưa”, khiến lũ lụt càng thêm thảm khốc, Christiaan Patterson, nhà khí tượng học từ Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ, giải thích.
Một số khu vực ghi nhận lượng mưa hơn 610 mm kể từ 23/9, đánh dấu trận lụt tồi tệ nhất Bắc Carolina trong một thế kỷ. Bắc Carolina cũng là một trong những bang hứng chịu hậu quả nặng nề nhất, đến nay ghi nhận 56 người chết, trong đó 40 người ở hạt Buncombe, hàng trăm người mất tích.
Thương vong dự kiến tăng cao khi các đội cứu hộ nỗ lực tiếp cận những vùng bị cô lập. Khoảng 300 tuyến đường đã bị nước lũ cắt đứt trên toàn bang. Cơ quan Quản lý Thảm họa và Lục quân Mỹ đã dùng trực thăng và máy bay chuyển 1.000 tấn thực phẩm và nước đến các vùng bị ảnh hưởng.
Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến thăm Asheville vào ngày 2/10, nhưng ông sẽ không thể chứng kiến thảm cảnh tại các thị trấn nhỏ lân cận như Lake Lure, Chimney Rock, bởi chúng gần như đã biến mất khỏi bản đồ.
Phần lớn diện tích Chimney Rock chìm trong nước lũ, nhà cửa bị cuốn trôi, rác rưởi chặn mọi nẻo đường. “Nơi từng là một thị trấn giờ trở thành dòng sông. Tôi không thể tưởng tượng được điều gì kinh khủng hơn thế này nữa”, một nhân viên làm việc tại nhà máy bia Chimney Rock nói.
“Mức độ tàn phá là không thể tin nổi. Kể cả có chuẩn bị kỹ, Bắc Carolina chưa từng hứng chịu thiên tai nghiêm trọng đến mức này”, Thống đốc Bắc Carolina Roy Cooper mô tả trong cuộc họp báo sau chuyến thị sát thiệt hại bằng máy bay, thêm rằng giới chức đang nỗ lực hết sức để cứu người.
Đức Trung (Theo Washington Post, AP, Reuters, USA Today)