Trung tá Mes, phi công hàng đầu của không quân Ukraine, là biểu tượng của nỗ lực đưa F-16 về nước, nhưng thiệt mạng khi lái tiêm kích này đối phó tên lửa Nga.
Không quân Ukraine ngày 30/8 xác nhận trung tá phi công Oleksiy Mes, biệt danh Moonfish, đã thiệt mạng khi điều khiển tiêm kích F-16 đối phó một đợt tập kích lớn bằng tên lửa, máy bay không người lái (UAV) của Nga hôm 26/8.
Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết Mes, phi công hàng đầu của nước này, đã điều khiển chiếc F-16 bắn hạ ba tên lửa hành trình, một UAV Nga, rồi bị mất liên lạc khi tiếp cận mục tiêu kế tiếp. Tiêm kích F-16 lao xuống đất sau đó, trung tá Mes không kịp bung dù thoát hiểm.
Anh được truy phong quân hàm đại tá và an táng cùng ngày. Đây được coi là tổn thất nặng nề về nhân mạng của không quân Ukraine, bởi Mes được coi là “ngôi sao” đã góp công lớn trong việc vận động phương Tây cung cấp F-16 cho đất nước, cũng là một trong 6 phi công Ukraine đầu tiên có khả năng tác chiến với mẫu tiêm kích này.
Oleksiy Mes sinh ngày 20/10/1993 và đam mê lái máy bay từ khi còn nhỏ, điều đã định hình nên sự nghiệp quân sự sau này của anh. Khi lớn lên, anh gia nhập không quân Ukraine và nhanh chóng khẳng định bản thân là phi công tài năng, nhiệt huyết.
Đến tháng 6/2022, Mes được bổ nhiệm làm chỉ huy một phi đội tiêm kích MiG-29 của không quân Ukraine. Năng lực chuyên môn và kỹ năng lãnh đạo của anh đã giúp ích cho lực lượng này rất nhiều trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột với Nga.
Mes cùng một phi công khác có tên Andriy Pilshchikov, biệt danh Juice, là hai gương mặt đại diện cho nỗ lực của Ukraine nhằm kêu gọi phương Tây chuyển giao tiêm kích F-16.
Hai phi công này đã tới Mỹ, vận động hành lang các nghị sĩ để Washington chấp thuận viện trợ chiến đấu cơ F-16 cho Kiev. Nỗ lực của họ nhận được ủng hộ của tài tử Sean Penn, người đã giúp lan tỏa thông điệp của hai phi công trong các cuộc gặp ở thủ đô Washington.
Kết quả là Hạ viện Mỹ tháng 7/2022 thông qua Đạo luật Phi công Chiến đấu Ukraine, trong đó cấp ngân sách 100 triệu USD để đào tạo phi công Ukraine điều khiển các dòng máy bay của Mỹ, bao gồm tiêm kích F-16. Đây là tiền đề để chính phủ Mỹ sau đó hơn một năm “bật đèn xanh” cho phép Hà Lan, Đan Mạch chuyển giao chiến đấu cơ F-16 cho Ukraine.
Đó là hành trình hết sức khó khăn, nhưng Mes và Pilshchikov đã cùng nhau vượt qua. Họ đều trẻ trung, nhiệt huyết, nói tiếng Anh tốt và sẵn sàng đấu tranh đến cùng để các chiến đấu cơ do Mỹ sản xuất có thể xuất hiện trên bầu trời Ukraine.
Tuy nhiên, Pilshchikov đã không thể hoàn thành ước mơ điều khiển F-16 của mình. Anh cùng hai đồng đội khác thiệt mạng sau sự cố hai máy bay huấn luyện chiến đấu L-39 va chạm trên không hôm 25/8/2023, chỉ khoảng một tuần sau khi Mỹ chấp thuận viện trợ tiêm kích F-16 cho Ukraine.
“Juice không chỉ là phi công, mà còn là sĩ quan trẻ với kiến thức sâu rộng và tài năng tuyệt vời. Anh ấy đã mơ về những chiếc F-16 trên bầu trời Ukraine”, phát ngôn viên không quân Ukraine Yurii Ignat khi đó cho biết.
So với người bạn sôi nổi của mình, Mes trầm tính hơn và không thích được chú ý. Tuy nhiên, việc Pilshchikov qua đời đột ngột đã khiến anh phải thế chỗ người đồng đội quá cố và tham gia các hoạt động truyền thông. Trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi với CNN, Mes thừa nhận Pilshchikov lẽ ra là người trả lời các cuộc phỏng vấn nếu anh ấy còn sống.
Theo CNN, Mes là người kiệm lời, rất yêu thích công việc và kiểm soát cảm xúc rất tốt. Anh nói chuyện thẳng thắn và hiểu rõ tiêm kích F-16.
“Andryi là người giỏi đưa ra ý tưởng và là động lực chính đằng sau tất cả mọi thứ”, Mes nói.
Sau cái chết của Pilshchikov, Mes càng trở nên quyết tâm hơn trong việc hoàn thành ước mơ của cả hai. “Tôi thấy mình có trách nhiệm với anh ấy về việc đảm bảo những máy bay đó đến được Ukraine”, anh cho hay.
Mes bắt đầu tham gia khóa huấn luyện lái tiêm kích F-16 ở Mỹ từ mùa thu năm 2023. Quá trình huấn luyện thường kéo dài vài năm, song đã được rút ngắn xuống còn 6 tháng để đáp ứng nhu cầu cấp thiết của quân đội Ukraine trong cuộc xung đột.
“Chúng tôi sẽ có nhiều thời gian để nghiên cứu kỹ chiếc phi cơ này trong thời bình, song giờ không phải lúc”, Mes nói.
Với quyết tâm sớm làm chủ tiêm kích F-16, anh đã trở thành một trong những phi công Ukraine đầu tiên được chứng nhận đủ điều kiện lái mẫu chiến đấu cơ này để chiến đấu.
Sau khi Kiev được bàn giao tiêm kích F-16, Mes đã đóng vai trò lớn trong quá trình tích hợp chúng vào biên chế không quân Ukraine. Anh trở thành phi công Ukraine đầu tiên ngồi vào buồng điều khiển của một tiêm kích F-16, trước khi dẫn đầu các nhiệm vụ chiến đấu với chiếc phi cơ này và có những đóng góp quan trọng cho chiến lược phòng thủ của Kiev.
Tuy nhiên, mọi thứ đã kết thúc khi Mes thiệt mạng hôm 26/8, trên chiếc F-16 mà anh và Pilshchikov đã nỗ lực đấu tranh để có thể mang về Ukraine.
“Họ là hai trong số những người giỏi nhất, hai người con thật sự của đất nước Ukraine và là những người chinh phục bầu trời. Họ đã nỗ lực vận động để đưa tiêm kích F-16 đến Ukraine. Một người đã không thể nhìn thấy chiếc phi cơ hằng mơ ước, một người thì không thể tận hưởng nó đến giây phút cuối cùng”, Uarealitynow, tài khoản mạng xã hội X chuyên đưa tin về chiến sự Ukraine và có gần 50.000 người theo dõi, bình luận.
Do Mes là một trong những phi công đầu tiên được đào tạo để lái tiêm kích F-16, việc anh thiệt mạng là đòn giáng mạnh vào không quân Ukraine trên cả phương diện nhân lực và tinh thần.
Sự việc cũng làm dấy lên câu hỏi về các thách thức và rủi ro mà tiêm kích F-16 sẽ phải đối mặt khi hoạt động trong môi trường giao tranh khốc liệt như tại Ukraine. Dù mẫu chiến đấu cơ này đã chứng tỏ được giá trị thực chiến, có một số yếu tố làm giảm tính hiệu quả của nó, bao gồm việc Ukraine mới chỉ được chuyển giao số lượng ít tiêm kích F-16 và việc Nga sở hữu các hệ thống phòng không hết sức đáng gờm.
Giới chuyên gia quân sự trước đó cảnh báo rằng chiến đấu cơ F-16 sẽ không phải “vũ khí kỳ diệu” để giúp Ukraine thay đổi cục diện chiến trường, dù vẫn sẽ tăng cường đáng kể năng lực chiến đấu của quân đội nước này.
Ngoài ra, sự việc cũng cũng một lần nữa cho thấy những điểm yếu cố hữu của không quân Ukraine. Tuy đã được bổ sung mẫu tiêm kích hiện đại của Mỹ, lực lượng này vẫn thua kém đối phương rất nhiều về quy mô và độ hiện đại. Việc tiêm kích F-16 bị trì hoãn chuyển giao cũng đã giúp Moskva có thời gian để chuẩn bị các phương án đối phó với dòng máy bay được Kiev đặt nhiều kỳ vọng này.
Phạm Giang (Theo First Post, CNN)