Chính thức trở thành ứng viên tổng thống đảng Dân chủ, bà Harris đang nắm lợi thế tranh cử, nhưng sẽ đối mặt nhiều thách thức về kinh tế và chính sách.
“Chúng tôi rất vinh dự khi được mọi người đề cử. Đây là chiến dịch tranh cử do mọi người thúc đẩy và chúng ta sẽ cùng nhau lập ra lộ trình mới để tiến về phía trước”, Phó tổng thống Kamala Harris nói qua đường truyền video được phát tại đại hội toàn quốc đảng Dân chủ ở Chicago ngày 20/8, chính thức trở thành ứng viên tổng thống của đảng.
Đây là dấu mốc quan trọng đưa bà Harris bước lên cỗ xe chạy đua với đối thủ Donald Trump trong chặng nước rút, khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ diễn ra sau hơn hai tháng nữa. Nó cũng khiến bà Harris sẽ phải đối mặt nhiều thách thức hơn, khi từ vị trí “phó tướng” của Tổng thống Joe Biden trở thành người dẫn dắt đảng Dân chủ trong nỗ lực duy trì kiểm soát Nhà Trắng.
Nancy Quarles, chủ tịch đảng Dân chủ hạt Oakland ở ngoại ô Detroit, từng chứng kiến rất nhiều cuộc đấu chính trị ở bang chiến trường Michigan. Tuy nhiên, bà cho biết đang thấy “điều gì đó hoàn toàn mới” kể từ khi bà Harris tiếp nhận “ngọn đuốc” từ Tổng thống Biden để thực hiện mục tiêu đánh bại Trump.
“Điện thoại của chúng tôi liên tục đổ chuông. Người dân muốn đặt khẩu hiệu của chiến dịch trong vườn nhà họ. Rất nhiều người đề nghị giúp đỡ chiến dịch của chúng tôi. Dường như mọi người đã muốn làm điều này từ lâu, nhưng chưa có động lực”, bà nói.
Khi đảng Dân chủ nhanh chóng tập hợp ủng hộ bà Harris, điều đó đánh dấu bước nhảy vọt về niềm tin của cử tri trong đảng về cơ hội ngăn ông Trump tái đắc cử.
Cho đến nay, quyết định đặt cược vào bà Harris vẫn cho thấy hiệu quả. Bà đã thu hẹp khoảng cách với ông Trump và thậm chí vượt ứng viên Cộng hòa trong một số cuộc thăm dò dư luận tại các bang chiến trường. Ông Trump sau nhiều tháng dẫn đầu đã nhanh chóng rơi vào thế phải cạnh tranh sít sao với ứng viên mới của đảng Dân chủ.
Đây là lý do nhiều nhà phân tích cho rằng bà Harris đang tận hưởng “tuần trăng mật” của chặng đường tranh cử. Tuy nhiên, khi cuộc đua bước vào giai đoạn hai với những hoạt động đối đầu quyết liệt hơn giữa hai bên, bà sẽ đối mặt nhiều rào cản lớn hơn.
Trở thành ứng viên chính thức của đảng Dân chủ đồng nghĩa bà Harris sẽ phải chịu sức ép công kích lớn hơn từ ông Trump và phe Cộng hòa, cũng như chịu sự soi xét chặt chẽ hơn của cử tri với chính sách của mình, cùng những tương tác không lường trước với công chúng.
Giới quan sát cho rằng bà sẽ phải đối mặt những vấn đề về kinh tế và địa chính trị với tư cách là Phó tổng thống đương nhiệm, từ phản ứng của Nhà Trắng đối với xung đột ở Trung Đông đến tăng trưởng việc làm và lạm phát tại Mỹ.
Donna Brazile, chiến lược gia kỳ cựu kiêm cựu chủ tịch đảng Dân chủ, cho rằng ông Trump có lợi thế hơn Phó tổng thống Harris trong chặng đua nước rút sắp tới. “Bà ấy cần đưa ra lập luận rõ ràng và thuyết phục rằng mình quan tâm đến những lo lắng của người dân”, Brazile nói.
Cùng với Pennsylvania và Wisconsin, Michigan được coi là một trong ba bang chiến trường quan trọng có khả năng định đoạt cục diện cuộc bầu cử tháng 11. Các nhà lập pháp Dân chủ ở bang vẫn lạc quan rằng bà Harris có thể chiến thắng, nhưng cuộc chiến sẽ không dễ dàng.
“Kamala Harris có rất nhiều năng lượng và động lực. Mục tiêu là tạo ra tỷ lệ đi bầu cao kỷ lục và chúng tôi sẽ phải nỗ lực rất nhiều để thuyết phục các cử tri chưa quyết định”, Haley Stevens, nhà lập pháp đảng Dân chủ đại diện cho hạt Oakland, nói.
Dan Kildee, nghị sĩ đại diện cho hạt Flint, cho biết thách thức của bà Harris là phải khiến các đề xuất chính sách trở nên “cụ thể” và gần gũi hơn với cuộc sống sát sườn của người Mỹ, trong khi duy trì đà ủng hộ mà cử tri đang dành cho bà.
“Đây là cuộc đua nước rút 400 m, không phải là chạy marathon”, ông nói.
Trong chưa đầy một tháng, bà Harris đã định vị là ứng viên cho sự thay đổi trong cuộc bầu cử mà nhiều cử tri muốn tìm kiếm người thay thế cho cả ông Biden và ông Trump. Ở tuổi 59, bà trẻ hơn ông Trump 19 tuổi và có thể trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Mỹ nếu đắc cử.
Các bài phát biểu trong chiến dịch của bà thường kéo dài không quá 30 phút, ngắn gọn hơn và tấn công Trump trực diện hơn nhiều so với ông Biden.
“Chúng ta đang nói về hai tầm nhìn rất khác nhau cho tương lai đất nước. Trong khi chúng ta tập trung hướng tới tương lai, phía bên kia chỉ chăm chăm nhìn vào quá khứ”, bà nói tại Detroit ngày 7/8.
Cuộc thăm dò dư luận của Đại học Monmouth công bố tuần trước chỉ ra 85% cử tri đảng Dân chủ tỏ ra nhiệt tình với cuộc bầu cử, tăng gần gấp đôi so với mức 46% hồi tháng 6. Trong khi đó, mức độ nhiệt thành của những người Cộng hòa vẫn duy trì ổn định ở mức 71% trong hai tháng qua.
Tuy nhiên, có những tranh cãi về khả năng bà Harris có thể giành được ủng hộ của một phần cử tri trung dung, khi bà chưa thể kéo giảm được tỷ lệ ủng hộ của ông Trump trong những người Cộng hòa và bảo thủ.
James Politi, nhà phân tích của Financial Times, cho rằng mối đe dọa lớn nhất đối với chiến dịch của bà Harris sẽ đến từ các thành viên đảng Cộng hòa, trong đó có ông Trump, khi họ tăng cường các đòn công kích hiệu quả hơn nhắm vào bà.
Đảng Cộng hòa đã chỉ trích vai trò của bà Harris tại Nhà Trắng, đặc biệt là về chính sách ngoại giao, để đổ lỗi cho sự gia tăng nhanh chóng của người di cư bất hợp pháp qua biên giới phía nam với Mexico. Họ cũng đã cố gắng quy kết trách nhiệm cho bà về lạm phát và tình trạng nền kinh tế trong nhiệm kỳ của ông Biden.
Họ mô tả bà Harris là “người cánh tả cực đoan”, mềm mỏng với tội phạm và quá tự do về các vấn đề xã hội, dựa trên những lập trường cấp tiến mà bà đưa ra trong cuộc chạy đua tranh đề cử năm 2020. Bà Harris bác bỏ những cáo buộc trên.
Pete Hoekstra, chủ tịch đảng Cộng hòa ở bang Michigan và là cựu đại sứ Mỹ ở Hà Lan, thừa nhận đã có “một số chuyển biến” trong dư luận Mỹ hướng tới bà Harris,, song nói rằng “điểm mấu chốt là những thực tế không thể xóa bỏ”.
“Người dân đang phải vật lộn với hóa đơn mua đồ thiết yếu, phí bảo hiểm, tiền đổ xăng”, ông nói.
Ngoài ra, các chiến lược gia từ cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều tin rằng bà Harris sẽ phải tiếp xúc nhiều hơn với báo giới và công chúng trong những tuần tới. Bà Harris cho đến nay chỉ mới phát biểu tại các sự kiện chính thức hoặc buổi vận động tranh cử, hạn chế trao đổi với báo chí trong các chuyến đi. Bà cũng chưa thực hiện bất kỳ cuộc phỏng vấn nào từ khi gia nhập đường đua.
Tuy nhiên, điều đó sẽ sớm thay đổi. Bà Harris sẽ có bài phát biểu quan trọng nhất trong sự nghiệp chính trị tại Đại hội toàn quốc đảng Dân chủ tuần này và tham gia nhiều sự kiện tranh cử hơn trong những tuần tới. Bà cũng sẽ có hai lần tranh luận trên truyền hình với ông Trump vào đầu tháng 9 và cuối tháng 10.
“Chúng ta đang ở trong tình cảnh mà bất kỳ điều gì cũng có thể xảy ra. Nếu trong khoảnh khắc nào đó, bà ấy nói sai, nó có thể làm thay đổi mọi thứ”, Ron Bonjean, chiến lược gia đảng Cộng hòa ở Washington, nói.
Phó tổng thống đã bắt đầu đưa ra một số đề xuất chính sách, trong đó có cấm tăng giá phi lý với các mặt hàng thiết yếu và thúc đẩy nhà ở giá hợp lý, nhưng chưa được đón nhận nhiệt tình.
Nick Cunningham, người làm trong lĩnh vực bất động sản ở thành phố Bloomfield Hills, bang Michigan, không ấn tượng với ứng viên Harris. Ông tin rằng bà bị buộc phải trở thành ứng viên và ông “bối rối” với các quan điểm chính sách của bà, gồm cả vấn đề nhập cư. Cunningham muốn Trump giành chiến thắng vì tin rằng lãi suất sẽ giảm.
“Đối với tôi, thật hợp lý khi chọn người đàn ông đã làm khá tốt công việc trong nhiệm kỳ đầu tiên”, ông nói.
Một số khác không đồng tình với quan điểm này. Victoria Leicht, trợ lý bác sĩ 38 tuổi và tự nhận mình là cử tri độc lập, nói rằng cô nghiêng về ứng viên đảng Dân chủ.
“Tôi có lẽ sẽ bầu cho Kamala Harris”, cô nói, nhưng cảnh báo bà Harris sẽ cần trình bày thêm về kế hoạch của bà để giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư ở biên giới phía nam và xung đột ở Gaza, cũng như các vấn đề về tài chính.
Thùy Lâm (Theo FT, Reuters, AFP)