14 món ăn với tên gọi lạ lùng
Thực đơn đám cưới với những món ăn mang tên gọi lạ lùng tại Yên Bái được dân mạng chia sẻ rộng rãi những ngày gần đây.
Theo đó, tờ thực đơn được thiết kế tỉ mỉ với 14 món ăn, đồ uống như: Dượng mùi kiêm sả ớt, thủy quái tắm trong sương, ngưu đen dạo trong vườn, sơn nữ ném còn, kim ngưu vờn bến thủy, trái ngọt uyên ương, mặt trời êm dịu,…
Được chia sẻ trên diễn đàn mạng xã hội đông thành viên, tờ thực đơn thu hút hàng nghìn lượt thích và bình luận quan tâm. Đa phần dân mạng đều tò mò, dự đoán tên thật của những món ăn này.
“Suối nguồn tình yêu là nước suối, ngưu đen dạo trong vườn là trâu xào, kề môi Tây Bắc có lẽ là rượu… chỉ đoán được mấy món này, còn lại nghĩ thế nào cũng không ra”; “Rối cái não vẫn chưa biết hết tên thật của các món ăn”; “Gia đình vừa hài vừa đỉnh khi nghĩ ra được thực đơn độc lạ cỡ này”;… là một số bình luận thú vị của dân mạng.
Theo tìm hiểu, đây là thực đơn trong đám cưới của cặp đôi Phạm Tuấn Thành và Đoàn Thanh Nga, cùng sinh năm 2003, quê Yên Bái. Đám cưới của cặp đôi tổ chức vào ngày 17/11 vừa qua.
Chú rể Tuấn Thành cho hay, mẹ anh là người nghĩ ra thực đơn độc lạ này. Trước đó, anh cùng mẹ họp bàn và chốt món ăn, đồ uống cho tiệc cưới. Mẹ Thành đã dành 2 buổi tối để nghĩ ra tên gọi lạ lùng cho những món ăn.
“Mẹ mình tự đi in thực đơn đám cưới. Tối 16/11, mẹ đem thực đơn về mình mới ‘ngã ngửa’ trước những cái tên lạ lẫm. Mình hỏi lý do thì mẹ bảo, mẹ muốn đem đến cho khách mời niềm vui nho nhỏ và kỷ niệm đáng nhớ khi đến dự tiệc cưới”, anh kể.
Cách đây hơn 10 năm, trong đám cưới của người con trai cả, mẹ Thành cũng nghĩ ra thực đơn với những cái tên đặc biệt. Thành nói: “Nếu năm đó mạng xã hội phát triển như bây giờ thì có lẽ, thực đơn đám cưới của anh trai mình cũng gây chú ý”.
Vì tờ thực đơn đặc biệt, chú rể Yên Bái gặp nhiều tình huống “dở khóc dở cười”. Thành kể, trong đám cưới của mình, câu hỏi anh được nghe nhiều nhất là “món này là món gì?”. Và anh chàng phải tua đi tua lại nhiều lần tên gọi thật của 14 món ăn.
“Vợ chồng mình đi chúc rượu các mâm, chưa kịp gửi lời cảm ơn đã phải trả lời câu hỏi về tờ thực đơn đặc biệt. Anh em, họ hàng cũng chưa kịp gửi lời chúc phúc đã hỏi tên thật của các món ăn.
Có người mải đoán tên món ăn mà quên cả ăn cỗ. Cũng có người đem tờ thực đơn về nhà để vợ, chồng, con cái cùng chơi trò đoán tên. Ngay cả khi đám cưới xong xuôi, vẫn có người gọi cho mình hỏi về tờ thực đơn lạ”, Thành chia sẻ.
Chú rể Yên Bái giải nghĩa tên thật của 14 món ăn theo thứ tự như sau: khoai chiên, gà hấp lá chanh, tôm chiên, dê xào sả ớt, cá lăng om, trâu nướng tảng cuốn lá cải, giò bò hấp, canh măng mọc, cơm tẻ, xôi nếp, rượu, hoa quả, hạt hướng dương, nước lọc.
Mối tình thuở học trò
Chú rể Tuấn Thành và cô dâu Thanh Nga có 8 năm quen nhau trước khi về chung một nhà. Cùng sinh ra và lớn lên ở huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, cặp đôi học chung trường từ cấp 2. Năm lớp 9, họ cảm mến nhau và mối quan hệ thân thiết hơn một chút.
“Đến năm lớp 11, tụi mình mới đổi xưng hô sang ‘anh – em’. Chuyện tình tuổi học trò của hai đứa cũng đơn giản, bình dị như bao người”, Thành nói.
Hai bên gia đình chơi thân với nhau nên chuyện tình cảm của Tuấn Thành và Phương Nga được ủng hộ. Nhờ đó, họ có thêm sự tin tưởng để gắn bó với nhau lâu dài.
Thành thừa nhận, 8 năm bên nhau họ cũng có những lúc mâu thuẫn, cãi vã nhưng nhờ có sự hàn gắn của hai bên gia đình, cặp đôi sẵn sàng “chuyện lớn hóa nhỏ” để đi đến hạnh phúc.
Điều khiến Tuấn Thành yêu nhất ở Nga là sự đơn giản. Thanh Nga là cô gái giản dị, không quan tâm đến tiểu tiết, không yêu cầu đối phương phải làm quá nhiều thứ cho mình. Điều cô cần chỉ là sự chân thành và trách nhiệm.
“Ví dụ như các ngày lễ đặc biệt, cô ấy không cần mình phải tặng quà to, quà nhỏ. Nga giản dị và đặc biệt rất quan tâm, yêu thương gia đình”, Thành chia sẻ.
Khi tình cảm chín muồi, cặp đôi quyết định về chung một nhà để xây dựng tổ ấm riêng. Với sự gắn bó bền bỉ suốt nhiều năm, họ có niềm tin vào cuộc hôn nhân hạnh phúc.
Ảnh: NVCC