Trong suốt 21 tháng Trung Quốc đóng cửa vì Covid-19, ông Tập chưa một lần rời khỏi đất nước, chỉ tiến hành hoạt động ngoại giao trực tuyến.
Khi nhiều nguyên thủ quốc gia đã nối lại hoạt động tham dự trực tiếp các sự kiện quốc tế, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vẫn chọn tương tác với đối tác nước ngoài thông qua điện đàm và họp trực tuyến.
Bắc Kinh chưa cho biết liệu ông Tập có tới dự hội nghị thượng đỉnh G20 tại Rome, Italy vào tuần này và COP26, hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc, ở Glasgow sau đó vài ngày hay không, nhưng giới quan sát cho rằng rất ít khả năng ông sẽ tham gia dưới bất kỳ hình thức nào khác ngoài trực tuyến.
Ông Tập năm 2019 đã tiếp đón 23 lãnh đạo nước ngoài ở Bắc Kinh và công du tới 11 nước, từ Brazil, Italy cho tới Nga và Triều Tiên, theo công ty phân tích China Vitae, chuyên theo dõi hoạt động của lãnh đạo Trung Quốc. Đại dịch đã làm gián đoạn guồng quay ngoại giao mạnh mẽ đó.
Chuyến công du nước ngoài gần đây nhất của ông Tập là tới Myanmar vào tháng 1/2020. Tháng 3 năm ngoái, ông tiếp đón Tổng thống Pakistan tại Bắc Kinh. Kể từ đó, ông được cho là chưa tiếp xúc trực tiếp với bất kỳ lãnh đạo nước ngoài nào.
Giới quan sát cho rằng khi Chủ tịch Trung Quốc nối lại các chuyến công du nước ngoài, ông có thể phải đối mặt tình hình thay đổi phức tạp. Trong nước, mức độ ủng hộ đối với ông Tập đã tăng lên trong đại dịch và các ưu tiên của ông giờ cũng tập trung đối nội. Nhưng trên toàn cầu, hình ảnh của Trung Quốc và giới lãnh đạo nước này đã bị suy giảm đáng kể giữa đại dịch, theo khảo sát gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Pew và Gallup.
Dường như rất ít quốc gia muốn dành cho ông Tập sự đón tiếp nồng nhiệt, như được đi trong xe ngựa kéo của Nữ hoàng Elizabeth hay phát biểu trước quốc hội Australia như trước đây, theo các cựu nhà ngoại giao phương Tây, những người từng giúp tổ chức đón tiếp các lãnh đạo Trung Quốc.
Việc không ra khỏi Trung Quốc giúp ông Tập tránh các câu hỏi khó từ lãnh đạo nước ngoài về cách ứng phó trong giai đoạn đầu đại dịch Covid-19, vấn đề Tân Cương, Hong Kong hay Đài Loan. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm, ông Tập cũng ít có cơ hội để ca ngợi về sức mạnh đầu tư và nhập khẩu của nước này, những điều thường được ông nhắc tới trong các chuyến thăm trước.
“Thế giới đã khác, nhưng Trung Quốc cũng đang thay đổi”, Kingsley Edney, giáo sư nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học Leeds, nói. “Sự tương phản sẽ trở nên rõ ràng khi ông ấy xuất hiện trở lại”.
Các hội nghị thượng đỉnh ở Rome và Glassgow đều nằm trong chương trình nghị sự của Tổng thống Mỹ Joe Biden, chuyến thăm châu Âu thứ hai của ông kể từ khi nhậm chức hồi tháng một. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã nối lại các chuyến công du, nhưng không chắc sẽ tham gia trực tiếp hai sự kiện trên.
Hầu hết lãnh đạo G20 đều đã có những chuyến công du trong năm nay. Một số lãnh đạo khác như Tổng thống Indonesia Joko Widodo và Tổng thống Argentina, những người cũng chưa rời đất nước vào năm nay, đều dự kiến tham dự hai hội nghị thượng đỉnh ở châu Âu sắp tới. Hầu hết lãnh đạo G20 cũng đã tiếp đón các quan chức nước ngoài trong 10 tháng qua.
Việc lãnh đạo 68 tuổi của Trung Quốc không rời đất nước trong 21 tháng chủ yếu phản ánh mức độ thận trọng của chính quyền ông với Covid-19, theo các nhà quan sát Trung Quốc. Với biên giới quốc gia gần như bị phong tỏa, cả Thủ tướng Lý Khắc Cường và 5 thành viên khác của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc đều không công du nước ngoài.
Các quan chức cấp cao duy nhất của Trung Quốc ra nước ngoài kể từ khi đại dịch bắt đầu là quan chức chính sách đối ngoại hàng đầu Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng Vương Nghị. Trong chính trị Trung Quốc, các sự kiện trong nước thường được coi trọng hơn các chuyến công du nước ngoài và các nhà phân tích nhận định ưu tiên lúc này của ông Tập là củng cố sự ủng hộ của dư luận trong nước với vai trò của mình.
“Trước khi Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 diễn ra, số lượng chuyến đi nước ngoài sẽ rất hạn chế”, Guy Saint-Jacques, cựu đại sứ Canada tại Trung Quốc, nói.
Trung Quốc được cho sẽ không mở cửa biên giới trước Thế vận hội Mùa đông, tổ chức gần Bắc Kinh vào tháng 2/2022. Quốc gia này tuyên bố không chào đón du khách nước ngoài tại sự kiện thể thao, dấu hiệu cho thấy ít có khả năng ông Tập sẽ sớm đón tiếp các lãnh đạo nước ngoài.
Chuyên gia nhận định Trung Quốc cũng chịu ảnh hưởng từ việc ông Tập không xuất hiện trực tiếp trước cộng đồng quốc tế. “Tôi nghĩ việc này làm suy giảm quyền lực mềm và thông điệp của Trung Quốc với thế giới, cũng như ảnh hưởng của Bắc Kinh tại các diễn đàn quốc tế”, Jean-Pierre Cabestan, giáo sư tại Đại học Baptist Hong Kong, cho hay.
Trước đại dịch, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thường công du nhiều nước mỗi năm và thời gian chuyến thăm thường lâu hơn người đồng cấp Mỹ, theo Neil Thomas, nhà phân tích về Trung Quốc tại Erasia Group ở New York, Mỹ. Gần đây, ông Tập đã có những cuộc trao đổi trực tuyến với 55 người đứng đầu chính phủ, trong khi Tổng thống Biden là 34.
Bắc Kinh coi trọng các cuộc gọi video hơn là điện đàm đơn thuần. Các cuộc gọi video của ông Tập với các nguyên thủ thường được truyền thông nhà nước đưa tin đậm như các chuyến công du trước đây của ông, theo Tin Albano, người sáng lập China Vitae.
Khi ông Tập công du trở lại, Nga có thể là điểm đến đầu tiên, theo các nhà phân tích. Moskva đã là điểm đến hàng đầu đối với nhiều thế hệ lãnh đạo Trung Quốc, gồm cả ông Tập, người có chuyến công du đầu tiên trong nhiệm kỳ tới Nga và gần như tới thăm hàng năm cho tới khi Covid-19 xuất hiện. Năm 2019, ông Tập từng gọi Tổng thống Putin là “bạn tốt nhất”.
Giới phân tích cho rằng Chủ tịch Trung Quốc cũng có thể đến châu Âu và Nhật Bản để tạo ra khoảng cách giữa Mỹ và các đồng minh của họ. Các quốc gia nghèo hơn, luôn ủng hộ Bắc Kinh trong các tổ chức như LHQ, cũng sẽ là các điểm đến tiềm năng.
Cho đến nay, ông Tập đang bỏ qua việc tham dự trực tiếp nhiều cuộc họp mà Trung Quốc từng xem trọng. Tháng trước, ông chỉ tham dự hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo Trung Á ở Tajikistan bằng hình thức trực tuyến và không có khả năng sẽ tới Senegal vào tháng tới để tham gia Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc – châu Phi, tổ chức ba năm một lần.
Giáo sư Edney cho biết có lẽ điều quan trọng nhất mất đi khi ông Tập không công du là giá trị của việc người dân nước ngoài nhìn thấy lãnh đạo Trung Quốc tại đất nước của họ. Chuyến thăm Anh năm 2015 là một ví dụ.
“Việc ông ấy đi uống bia với Thủ tướng Anh David Cameron trong một quán rượu khi đó đã phần nào khiến hình ảnh Trung Quốc trở nên gần gũi hơn với nhiều người nước ngoài”, ông nói.
Thanh Tâm (Theo WSJ)