TP HCMThấy cổ con trai xuất hiện nhiều hạch chị Dung tưởng bị viêm phế quản nhưng không ngờ đó là dấu hiệu rõ rệt đầu tiên của bệnh ung thư máu.
“Nghe bác sĩ nói đó là bệnh Lympho, bạch cầu tăng quá cao tôi cũng không biết con bị gì, chỉ hiểu đó là bệnh nặng”, chị Mỹ Dung, 40 tuổi, ở quận 11 kể thời điểm con trai Lê Gia Phúc phát hiện mắc bệnh hiểm, tháng 11/2023. Về sau chị mới biết đó là một dạng ung thư máu.
Chồng mất vì đột quỵ 12 năm trước nên giờ này cậu con trai 14 tuổi là tài sản duy nhất của chị Dung, giảng viên một trường đại học ở TP HCM.
Cuộc chiến chống ung thư này chỉ có hai mẹ con chị Dung song hành bởi không muốn làm phiền tới người thân, cha mẹ chồng đã già, còn nhà ngoại ở xa. Gia Phúc điều trị trong viện vài ngày thì ông nội bệnh nặng mất, hai mẹ con cũng không thể về chịu tang. Bình thường, chị có thể giữ gương mặt tích cực, vui vẻ để động viên con. Nhưng ban đêm mỗi khi Phúc ngủ, nghĩ tới hoàn cảnh của mình chị lại trốn ra một góc khóc.
Hóa trị ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của Gia Phúc. Liên tục phải lấy máu xét nghiệm rồi tiêm thuốc, hai cánh tay của cậu bé chi chít những vết châm chọc, nát ven bác sĩ đành lấy dưới cẳng chân. Những ngày này do đau đớn, đi lại khó khăn nên cậu phải di chuyển bằng xe lăn, việc vệ sinh cũng nhờ tới sự giúp đỡ của mẹ.
Sau đợt hóa trị đầu, Phúc chuyển sang Bệnh viện truyền máu huyết học TP HCM điều trị. Dù ở viện nào, mỗi lần vào thuốc, cậu bé đều tê liệt vì đau đớn, thậm chí không còn sức để mở mắt. Mỗi lần Phúc phản ứng thuốc, miệng lở loét, cả ngày nằm trên giường đau đớn, người mẹ chỉ biết áp đôi bàn tay chi chít vết châm chọc của con trai vào má mình động viện con “Hãy vì mẹ mà cố gắng”.
Điều khiến người phụ nữ này lo lắng nhất là vấn đề ăn uống của Gia Phúc, bởi nhiều lúc thức ăn với cậu như cực hình. Theo lời khuyên của bác sĩ, chị Dung phải dùng thìa đút từng lượng nhỏ sữa cho con. Dù ăn xong Phúc liên tục nôn trớ nhưng người mẹ vẫn kiên trì lặp lại hành động. Bằng cách này, cậu bé mới đủ dinh dưỡng để vượt qua ba đợt “đánh thuốc”.
Nằm viện gần 5 tháng nhưng cậu bé 14 tuổi chưa được mẹ nói rõ về bệnh tình của mình. Chị Dung luôn né tránh mỗi khi con trai hỏi, chỉ động viên cố ăn uống tốt, sớm được về nhà. Những lời nói vụng về của mẹ không rõ Phúc tin không nhưng người mẹ thường thấy con trai im lặng.
Kể cả những lúc quá đau đớn, Phúc cũng chỉ cắn chặt môi đến bật máu rồi quay mặt vào tường rên khẽ vì không muốn mẹ thêm lo lắng. Cậu luôn cố gắng ăn uống, nghỉ ngơi, đếm từng toa thuốc mong ngày trở về nhà. Những lần thấy mẹ khóc, Phúc đều an ủi: “Mẹ đừng buồn, con có thể chịu đựng được”. Câu nói này khiến chị Dung củng cố niềm tin “Chỉ cần con cố gắng, mẹ con ta sẽ chiến đấu tới cùng”.
Hồi nhỏ, Phúc luôn tin bố đi làm ăn xa, bởi mẹ bảo vậy. Lớn lên, hiểu chuyện hơn cậu bé ít nhắc tới bố vì sợ mẹ buồn. Chị Dung kể, từ khi nhập viện, thấy bạn bè có cả bố lẫn mẹ chăm sóc, đưa đón, cậu mới thấu hiểu sự cô đơn của một đứa trẻ mồ côi. Những lúc quá đau đớn, trong vô thức, Phúc lại gọi tên bố với hy vọng ở một nơi nào đó nếu nghe được, bố sẽ đến giúp mình.
Bệnh ung thư không chỉ lấy mất của gia đình này niềm vui của sự đoàn tụ mà còn cả kinh phí chữa trị. Một mình ở viện chăm con, chị Dung xin nghỉ làm, tiền viện phí phải vay mượn thêm người thân, bạn bè.
Ở viện lâu ngày, người mẹ này cũng dần làm quen với những bữa cơm vội vàng, những tối phải thức thâu đêm để chăm sóc rồi san sẻ nỗi đau với con. Tên thuốc chống nôn, chống nhiễm khuẩn, mát gan của Phúc, chị đã thuộc lòng. Uống thuốc giờ nào, truyền đến khi nào hết thuốc để gọi bác sĩ, chị cũng không dám lệch một phút. “Con bị ung thư, người mẹ nào cũng giống như một chiến binh”, chị Dung nói.
Hàng ngày chứng kiến những bệnh nhi bị trả về, người phụ nữ 40 tuổi quặn lòng khi nghĩ tới con mình. Nhưng một người bạn khuyên, nếu có điều khó chịu xảy ra, đừng dành nhiều thời gian lo lắng vì không giải quyết được vấn đề mà nên chọn làm những thứ khiến bản thân hạnh phúc nhất. Bởi vậy trong viện cứ có hoàn cảnh khó khăn, chị lại gắng góp chút tiền để giúp đỡ các con vượt khó. Chị Dung khẳng định, nơi gần cửa tử nhất là nơi cần phải sống lạc quan nhất có thể.
Để chữa bệnh, Phúc đang bảo lưu giữa kỳ hai của lớp 8. Nhiều lúc cậu bé lo lắng về bài vở, sợ không theo kịp các bạn, người mẹ lại động viên: “Con chim chẳng may gãy cánh không thể bay thì vẫn có thể đi bộ trên mặt đất, không sao cả. Miễn là được sống và khỏe mạnh, đó đã là hạnh phúc”.
Người phụ nữ này hy vọng, năm 2024 sẽ là một bước ngoặt tươi sáng sau tất cả biến cố ập xuống gia đình. Ước mơ của chị giờ là có sức khỏe để chăm sóc cho con và hy vọng vào phép màu nào đó giúp Phúc khỏe mạnh trở lại để tiếp tục đến trường.
Với mục tiêu thắp lên niềm tin cho bệnh nhi ung thư, Quỹ Hy vọng kết hợp với Ông Mặt trời triển khai chương trình Mặt trời Hy vọng. Thêm một sự chung tay của cộng đồng là thêm một tia sáng gửi tới thế hệ tương lai của đất nước. Độc giả xem thông tin chương trình tại đây.
Hải Hiền