Rửa tay sạch sẽ giúp giảm thiểu bệnh truyền nhiễm trong đó có bệnh tiêu hóa ở trẻ nhỏ, quy trình 6 bước kéo dài tối thiểu 30 giây.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết như trên khi đọc thông tin nhiều trẻ vùng cao có nhà vệ sinh mới. Ông giải thích các bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa liên quan rất nhiều đến vệ sinh. Rửa tay là thói quen nhỏ, song có thể giúp loại bỏ nhiều mầm bệnh thường gặp có thể tồn tại trên bàn tay, như E.coli, Rotavirus, Norovius, Adenovirus…
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nêu rửa tay với xà phòng giảm tới 35% nguy cơ lây nhiễm bệnh tiêu chảy khiến hàng triệu người tử vong mỗi năm. Việc rửa tay cũng giúp giảm rủi ro nhiễm khuẩn tiêu chảy tới 47%, ngoài ra giảm 19-45% tình trạng nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp…
Trước đó, học sinh tại một số điểm trường thuộc Yên Bái, Lai Châu chưa có nhà vệ sinh sạch và chưa có thói quen, phương tiện rửa tay sau khi vệ sinh, dẫn đến nguy cơ mắc bệnh cao. Nay, trẻ có nhà vệ sinh mới, đầy đủ đường nước vào trực tiếp khi sử dụng, cần tạo thói quen rửa tay sau khi vệ sinh để phòng bệnh hiệu quả.
Đồng quan điểm, giáo viên Đỗ Thị Thúy Vân, Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Tả Lèng, Lai Châu, cho biết thầy trò nhà trường phấn khởi hơn khi có nhà vệ sinh mới. Nhà vệ sinh cũ tạm bợ, có mùi hôi, nguồn nước khó khăn. Vì vậy, trẻ ngại đi vệ sinh, đồng thời không có thói quen rửa tay. Nay, thầy cô hướng dẫn trẻ đi vệ sinh và rửa tay đúng cách hàng ngày.
Em Phan Thị Ngọc Thúy đang học lớp 2, điểm trường Cốc Pa thuộc Trường Tiểu học Bản Giang, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, cho biết không còn phải chờ đợi mỗi khi vệ sinh, hào hứng hơn khi đi học. Em cũng ghi nhớ quy trình rửa tay sạch đã được hướng dẫn, áp dụng hàng ngày.
Theo PGS Dũng, quy trình rửa tay gồm 6 bước như sau:
Bước một, làm ướt tay sau đó lấy xà phòng hoặc nước rửa tay chứa cồn vào lòng bàn tay.
Bước hai, chà rửa hai lòng bàn tay với nhau, tiếp theo đan ngón tay với nhau để làm sạch kẽ ngón tay.
Bước ba, xoa lòng bàn tay phải lên mu bàn tay trái, tiếp tục đan ngón tay với nhau nhằm làm sạch và ngược lại.
Bước bốn, móc hai bàn tay vào nhau và sạch khe ngón tay bằng cách xoay cổ tay nửa vòng.
Bước năm, nắm chặt ngón tay cái bàn tay phải và chà rửa ngón tay theo chuyển động tròn, rồi đổi tay.
Bước sáu, chụm đầu ngón tay của bàn tay này, chà sạch đầu các ngón tay vào lòng bàn tay kia, và ngược lại. Rửa sạch tay dưới vòi nước, sau đó dùng khăn hoặc giấy sạch thấm khô tay.
Khi trẻ đã có thói quen rửa tay sau khi vệ sinh, nhà trường, phụ huynh có thể hướng dẫn trẻ tiếp tục rửa tay ở nhiều thời điểm khác như: trước khi ăn, sau khi tiếp xúc với vật nuôi hoặc khi tiếp xúc, chăm sóc người có bệnh tiêu hóa, khi có vết thương… Việc này cũng giúp ngăn ngừa tiếp xúc và mắc bệnh truyền nhiễm khác, ngoài bệnh tiêu hóa.
Để khuyến khích giáo dục thói quen rửa tay, bác sĩ khuyên gia đình và nhà trường hướng dẫn và giải thích cho trẻ về lợi ích của việc rửa tay đúng cách. Gia đình, nhà trường có thể thay đổi màu hoặc hương thơm của xà phòng nhằm tạo hứng thú rửa tay cho trẻ.
Ngoài ra, trong quá trình chăm sóc sức khỏe trẻ, gia đình có thể sử dụng men vi sinh, như Enterogermina. Men vi sinh chứa 4 chủng lợi khuẩn thông minh Bacillus Clausii, giúp phòng ngừa rối loạn hệ vi sinh đường ruột và tăng cường tiêu hóa.
Văn Hà
Với mong muốn trẻ em vùng cao có điều kiện đảm bảo sức khỏe để học tập, quỹ Hy vọng với sự tài trợ của nhãn hàng men ống vi sinh Enterogermina (thuộc Opella Việt Nam – ngành hàng chăm sóc sức khỏe người tiêu dùng của Sanofi tại Việt Nam) tái khởi động dự án Vệ sinh học đường mùa 3 tại huyện Mù Cang Chải, Yên Bái và huyện Tam Đường, Lai Châu. Dự án xây dựng các nhà vệ sinh đạt chuẩn tại 20 trường, điểm trường thuộc 2 huyện trên, đồng thời phổ biến thói quen vệ sinh tốt cho các em học sinh.Trước đó, 40 cụm công trình vệ sinh được xây dựng tại huyện Vân Hồ, Sơn La và huyện Đồng Văn, Hà Giang.
Để chung tay cùng dự án, độc giả tìm hiểu tại đây.