Thứ Hai, ngày 18/10/2021 00:05 AM (GMT+7)
Muốn được lòng sếp, bạn nên khéo léo trong giao tiếp và đừng nói những câu sau.
“Tôi cần tăng lương vì tôi cần sửa nhà”
Bạn nên đề xuất tăng lương với những thành tích trong công việc. Các vấn đề và nhu cầu cá nhân của bạn không nên liên quan đến quá trình làm việc vì sếp cũng không quan tâm mấy đến cuộc sống cá nhân của nhân viên. Hãy chứng minh rằng bạn xứng đáng được nhận lương với hiệu quả công việc thay vì cố gắng khiến sếp cảm thấy thương hại.
Cách tốt hơn để đề xuất tăng lương: “Em đã làm việc năng suất gấp ba lần trong 6 tháng qua, vì vậy em nghĩ mình xứng đáng được tăng lương”.
“Tất cả là lỗi của Minh”
Việc thừa nhận mình sai, không biện minh và đổ lỗi cho người khác được coi là dấu hiệu của một người trưởng thành. Nhân viên này gợi lên sự tin tưởng và tôn trọng, ngay cả khi họ mắc lỗi. Và nếu đó thực sự là lỗi của Minh, có hàng tá lựa chọn khác để đề cập đến vấn đề này một cách tinh tế, không mang tính công kích cá nhân đồng nghiệp.
Một cách tốt hơn để nói điều đó: “Sếp nói đúng, em đã bỏ sót chi tiết đó. Từ bây giờ, em sẽ cẩn thận hơn. Có lẽ chúng ta có thể sửa nó theo cách này …”.
“Tôi đi đây”
Nếu bạn quyết định đi ra khỏi phòng, hãy cứ rời đi một cách bình thường. Đừng đóng sầm cửa như một cách để thể hiện thái độ với sếp vì sau đó sếp không còn coi trọng bạn nữa. Không có ai là người không thể thay thế. Vì vậy, đừng ngạc nhiên nếu sau khi đóng cửa theo cách này, bạn sớm bị cho nghỉ việc.
Một cách tốt hơn để nói câu này: “Có vẻ như team em có ý kiến khác nhau về điều đó.”
“Chúng tôi luôn làm như thế này”
Không quan trọng bạn đang nói về quyết định của sếp cũ hay thói quen của chính mình. Cách nói này thể hiện bạn là người lười biếng và không muốn thay đổi. Thế giới hiện đại đang phát triển nhanh chóng và những người có tư duy linh hoạt đang trở nên có giá trị hơn những người bảo thủ.
Một cách tốt hơn để nói câu này: “Những gì sếp đang đề xuất có vẻ không khả thi lắm. Nó có thể gây ra những khó khăn nhất định”.
“Tôi sẽ thử”
Cụm từ này thường có nghĩa là bạn sẽ không hoàn thành nhiệm vụ mà bạn được giao. Và nếu có vấn đề gì xảy ra, cụm từ này giúp bạn trốn tránh trách nhiệm. Bất cứ khi nào nhân viên nói “Tôi sẽ cố gắng” nghĩa là sếp đang hiểu “Bạn sẽ không làm việc đó hết sức”. Cụm từ tệ hơn câu này là “Tôi không thể làm được”. Điều quan trọng là phải thể hiện kết quả thực sự trong công việc. Đó là lý do tại sao bạn nên thảo luận trước về những khó khăn có thể xảy ra và cuối cùng, hãy tập trung đưa ra quyết tâm làm việc.
Một cách tốt hơn để nói câu này: “OK, tôi sẽ làm điều đó”.
“Tôi quá bận”
Tất cả nhân viên đều làm việc để đạt được mục tiêu chính của công ty. Nếu sếp đưa ra một điều gì đó mới cần bạn làm như kế hoạch hành động phải được hoàn thiện, đừng nói “Tôi quá bận” mà hãy thảo luận với sếp đầu việc nào, nhiệm vụ nào cần được ưu tiên. Đôi khi bạn nên gác lại mọi thứ và tập trung vào một nhiệm vụ hoặc có thể xảy ra trường hợp các đầu việc đều quan trọng. Trong trường hợp này, bạn sẽ cần phải cố gắng hoàn thiện công việc cho đến khi sếp tìm thêm được người gánh vác công việc cùng bạn.
Một cách tốt hơn để nói điều đó: “Em cũng đang thực hiện dự án mà sếp đã giao ngày hôm qua. Đầu việc nào trong số này cần được ưu tiên hơn?”.
“Tôi được lợi gì khi làm điều này”
Bạn được trả tiền cho công việc của mình. Tuy nhiên, yêu cầu phần thưởng khi giúp đỡ những việc lặt vặt nhỏ khiến sếp đánh giá bạn không cao. Nhưng hãy cẩn thận – nếu bạn thấy mình luôn đồng ý giúp đỡ, thì khả năng cao là lòng tốt của bạn đang bị lợi dụng. Đôi khi, bạn có thể giúp đỡ đồng nghiệp đang trong tình huống khẩn cấp như hỗ trợ nhau ngày nghỉ hoặc sửa báo cáo khi họ đang bị ốm.
Một cách tốt hơn để đáp lại khi thỉnh thoảng được nhờ là: “Ok”.
“Đó không phải việc của tôi”
Trở thành thành viên của một team có nghĩa là ở cùng trên một con thuyền. Bất kỳ vấn đề nào không liên quan đến bạn ngày hôm nay đều có thể gây hậu quả lớn nhấn chìm công ty vào ngày mai. Nếu bạn biết cách giải quyết một vấn đề, hãy nói thẳng ra. Ngay cả khi nó không hiệu quả, ít nhất bạn sẽ thể hiện sự quan tâm của mình và lần sau, sếp có thể sẽ hỏi bạn khi tìm kiếm lời khuyên. Và điều đó nghĩa là sếp đang coi trọng bạn.
Một cách tốt hơn để nói điều đó: “Em không phải là một chuyên gia nhưng có lẽ chúng ta nên làm theo cách này…”.
“Tôi chỉ nghĩ rằng đó không phải là vấn đề lớn”
Khi bạn mắc một sai lầm nhưng lại nói rằng “Em chỉ nghĩ đó không phải là vấn đề lớn”. Sau khi nghe cụm từ này, bất kỳ ông chủ nào cũng thường thở dài thất vọng. Điều này nghĩa là bạn đang bào chữa cho lỗi sai. Khả năng thừa nhận sai lầm của bạn và chịu trách nhiệm về chúng được đánh giá cao hơn bất kỳ lời bào chữa nào.
Một cách tốt hơn để nói khi mắc sai lầm: “Có vẻ như em đã hiểu lầm ý sếp. Em sẽ sửa sai lầm này và sẽ cẩn thận hơn vào lần sau”.
Nguồn: http://danviet.vn/9-cau-noi-khien-sep-phat-long-ban-kho-long-ma-thang-tien-5020211810034821.htm
Muốn có được lòng tin của sếp, bạn phải thể hiện được giá trị bản thân cũng như biết cách giao tiếp thông minh.