Khi thấy anh từ bỏ công việc ở Hà Nội để về quê sống, bố mẹ không ai đồng ý, hàng xóm bảo chắc không chịu nổi một tuần. Thế nhưng, không những không hối hận mà có tháng, anh Linh còn có thu nhập cao hơn ở thành phố nhờ đi kiếm “lộc rừng”.
Hôm nay, như mọi ngày, anh Nguyễn Văn Linh (SN 1993) lại đi men theo con suối, lên cánh rừng già sau nhà để kiếm “lộc rừng”. Anh đi từ sáng tinh mơ đến chiều muộn mới về. Hôm nào may mắn thì anh kiếm được tổ ong khoái rừng, vài cây nấm lim xanh. Còn không thì anh cũng mang về vài cây cỏ máu, ít sâm cau tươi, nấm phục linh, ít trà hoa vàng hay cả gùi măng nứa…
Anh Linh đang thu hoạch tổ mật ong đá vừa kiếm được ở rừng.
Anh Linh cho biết, mùa nào thức đó, trời nắng thì đi rừng, kiếm “lộc” về phơi rồi bán, ngày mưa thì anh lại ở nhà, lấy nứa đan vó, đan gùi hay một số vật dụng còn thiếu trong nhà. Cuộc sống bình yên, tự cung tự cấp cứ thế trôi, đã 4 năm anh bỏ phố về quê.
Nói về quyết định về quê của mình, anh Linh cho hay, năm 2020, khi đang làm cho một công ty chuyên về thiết bị điện tử ở Hà Nội với mức lương 10 triệu đồng/tháng, anh quyết định về quê, sống cùng ông bà dưới căn nhà lá ở bìa rừng, thuộc thôn Luống Đồng, xã Hoá Quỳ, huyện Như Xuân (Thanh Hoá).
Có anh Linh về sống cùng, ông bà có thêm người đỡ đần, ngôi nhà trở nên ấm cúng, vui vẻ hơn bao giờ hết.
Ngôi nhà ông bà anh ở cách xa khu dân cư, không có điện lưới, không có nước sạch, cách nhà bố mẹ anh khoảng 15km và phải đi 2km mới có một nhà hàng xóm. Muốn đi mua gói muối cũng phải đi bộ khoảng 3km mới đến tiệm tạp hoá. Ông bà anh đã sống ở đây được khoảng 40 năm. Mặc dù con cháu đã nhiều lần muốn ông bà về sống chung nhưng bị từ chối vì đã quen với cuộc sống yên bình ở bìa rừng.
Ngôi nhà đơn sơ, mộc mạc và bình yên của ông bà ở bìa rừng được anh Linh sửa sang sau khi về.
Một ngày đầu năm 2020, khi dịch bệnh Covid-19 bắt đầu lan rộng. Anh Linh ngồi trong phòng trọ hết ngày này qua ngày khác trong đợt cách ly toàn xã hội, cảm thấy buồn chán và nhớ nhà, anh liền gọi điện về quê.
Biết ông đợt này trở trời lại ho nhiều, anh chợt nhận ra, ông bà tuổi ngày càng cao, cần có người bên cạnh sống cùng, chăm sóc và phụng dưỡng.
Có cháu trai về sống cùng và đỡ đần công việc nhà cửa, đồng ruộng, ông bà rất vui và phấn khởi.
Trong khi đó, với số tiền lương 10 triệu đồng/tháng ở thành phố, hàng tháng chi tiêu xong anh cũng không tiết kiệm được là bao. Vì vậy, anh quyết định khăn gói về quê, sống cùng ông bà.
“Ngày đó, bố mẹ tôi không đồng ý vì muốn con cái ở thành phố để phát triển bản thân nhưng tôi cứ về, rồi sau bố mẹ cũng không nói gì nữa”, anh Linh kể.
Ngày mùa, anh Linh cùng ông bà làm việc đồng áng.
Về quê, anh Linh cùng ông bà làm tất cả mọi việc đồng áng, từ cuốc ruộng, cấy lúa, trồng rau, băm cây chuối nuôi vịt, gà. Những lúc rảnh rỗi, anh lại cùng ông vào rừng lấy mật ong, hái nấm, đào măng, tìm kiếm các loại cây dược liệu tự nhiên trong rừng, mang về phơi và đăng lên các sàn thương mại điện tử để bán.
Mật ong và các loại lâm sản, đặc sản anh Linh kiếm được trong rừng sẽ được anh bán trên các sàn thương mại điện tử.
“Mật ong khoái rừng tôi bán với giá 500 nghìn đồng/lít; nấm lim xanh từ 1-3 triệu đồng/kg khô; măng nứa rừng khô 350 nghìn đồng/kg; hạt dổi rừng khô 150 nghìn đồng/lạng; trà hoa vàng 400 nghìn đồng/lạng; chuối rừng khô 200 nghìn đồng/kg; sâm cau tươi 300 nghìn đồng/kg; cây cỏ máu 200 nghìn đồng/kg…”, anh Linh nói.
Hôm nào đi rừng may mắn, anh tìm được tổ ong khoái là có thể kiếm được tiền triệu, không may thì bị ong đốt, vắt, muỗi cắn, đi về tay không.
Mùa măng nứa, anh lại mang gùi lên rừng hái măng, mang về luộc rồi phơi khô và bán.
Mỗi lần đi rừng, anh Linh lại dùng điện thoại quay lại video rồi về học cách dựng, đăng lên một số nền tảng mạng xã hội, giới thiệu cho mọi người những đặc sản, lâm sản mà mình kiếm được. Nhờ vậy, từ mật ong rừng đến các loại thảo dược, dược liệu được khách hàng khắp nơi đặt hàng, mua về sử dụng.
Anh Linh trong một lần đi rừng kiếm củ dáy hay còn gọi là củ bạc hà núi về phơi để bán.
Bán hàng được tiền, anh bắt đầu làm hệ thống điện năng lượng mặt trời chiếu sáng thay đèn dầu và ắc quy; mua ống ống dẫn nước từ con suối trong rừng về nhà thay cho chiếc giếng cạnh ao, mùa mưa thì đục ngầu, mùa hè thì cạn trơ đáy.
Ngoài ra, anh còn sửa sang lại ngôi nhà đã cũ cho ông bà, làm cổng vào nhà bằng mái rơm, chẻ tre làm hàng rào quanh nhà, cùng ông đan rọ bẫy cua, xúc ốc, đan nong phơi măng nứa…
Cuộc sống ở quê tuy vất vả nhưng lại cho anh Linh nhiều trải nghiệm mới và thú vị.
Về rừng sống, có tháng thu nhập của anh không được bằng mức lương ở Hà Nội trước kia, có tháng hơn, có ngày kiếm được cả triệu đồng, có ngày chỉ được vài chục nghìn, thậm chí những ngày mưa phải ở nhà, hầu như không kiếm được đồng nào nhưng anh chưa một ngày thấy hối hận về quyết định của mình.
“Ở Hà Nội, lương 10 triệu đồng một tháng nhưng chi tiêu lại đắt đỏ, công việc gò bó, không thoải mái. Về quê, đi rừng phụ thuộc vào thời tiết và may mắn, khi nhiều, khi ít nhưng được tự do, thoải mái, chi phí ít, được gần gia đình và làm những việc mình thích nên chưa khi nào tôi thấy hối hận về quyết định ngày đó của mình”, anh Linh nói.
Nguồn: [Link nguồn]
“Cả một năm trời công ty tôi không thể làm ra được sản phẩm ưng ý, làm mẻ nào hư mẻ đó. Có sản phẩm rồi lại không có khách, 3-4 tháng liền đi hết các công ty, dự án xây dựng để chào hàng nhưng đều nhận về cái lắc đầu”.