“Cái tình của người Sài Gòn khiến thành phố khi “lâm bệnh” càng làm lòng người thêm thương hơn nơi mình đang sống”, ThS Nguyễn Hiếu Tín chia sẻ.
Ai đến cũng xem Sài thành là quê hương thứ hai
TP.HCM đã trải qua những ngày chống dịch cam go, thành phố từ trung tâm kinh tế cả nước, thành “điểm nóng” của đại dịch. Sống ở thành phố này trên 20 năm, ông có cảm xúc như thế nào?
– ThS Nguyễn Hiếu Tín: Dẫu biết rằng, đô thị như là một cơ thể sống vô cùng phức tạp, cũng có những trạng thái sức khỏe, cảm xúc khác nhau. Nhưng quả thật, Sài Gòn – TP.HCM trong suốt 4 tháng “lâm bệnh”, phải oằn mình chống dịch, chịu đựng nhiều thương tổn, khiến cho bất kỳ ai đang ở đây cũng có những cảm xúc riêng, lo lắng nhiều và cũng chờ đợi, hi vọng nhiều.
ThS Nguyễn Hiếu Tín, Trưởng bộ môn Việt Nam học (chuyên ngành Du lịch) – Trường Đại học Tôn Đức Thắng. |
Có những ngày “mưa” mới thương nhớ những ngày “nắng”. Người xưa có nói muốn thấy núi cao phải lùi ra thật xa. Muốn biết mình có thuộc về nơi ấy không thì phải đi lâu, đi xa, chỉ có cách đó mới hiểu ta được gắn bó, thương nhớ nơi ấy đến dường nào. Tương tự vậy, những ngày thành phố tĩnh lặng thực hiện giãn cách, cũng là lúc người dân cảm thấy thương nhớ những ngày vốn dĩ bình thường nhưng lại rất ý nghĩa.
Niềm thương yêu đương nhiên sẽ gắn liền với nỗi nhớ. Nhớ những người làm ra quán cơm 0 đồng, chị bán hàng tạp hóa nhỏ đặt bình trà đá miễn phí cho thỏa cơn khát của khách đi đường; chị bán vé số von vén những đồng bạc lẻ cuối cùng nhàu nát cho người nơi xa không biết mặt; một bác xe ôm nằm vật vã trên xe cả ngày không có khách, nhưng lại rất vui vẻ tận tình chỉ dẫn cho ai đó hỏi thăm đường; một ai đó muốn tăng ga chạy nhanh lên để chỉ nói cho người khác biết chưa gạt chân chống xe,… Những hành động đó không hề nằm trong “chương trình nhân đạo” được lập trình sẵn nào, đơn giản nó chỉ là vậy.
Những chuyện thường thấy ở thành phố này lại là chuyện lạ ở những nơi phố hội khác, và nó cũng chính là chất men văn hóa, gây cảm xúc nhớ nhung nhiều nhất bởi cái tình của người Sài Gòn. Cái tình đó, khiến thành phố khi “lâm bệnh” lại càng làm lòng người thêm thương hơn nơi mình đang sống.
Rất mừng là thành phố đã dần mở lại, bắt đầu những ngày bình thường mới, nhưng tháng ngày đã qua không thể quên, đáng suy ngẫm…
Như ông nói, tuy bức tranh của thành phố trong những ngày chống dịch có nét u buồn, nhưng vẫn lấp lánh tình người. Vậy theo ông, tính cách nào của người dân nơi đây đã giúp nâng đỡ tinh thần để họ vượt qua khó khăn vừa rồi?
– Như đã chia sẻ ở trên, khi con người cảm mến nơi đô thị mình sinh sống, trao gửi những tình cảm, xem đó “là nơi ta thuộc về”, thì chắc chắn rằng, đó chính là phần hồn của đô thị. Đây là điều rất đặc biệt, không phải đô thị nào cũng có tình cảm của cư dân gắn bó, xem như quê hương thứ hai của mình như Sài Gòn -TP.HCM.
Thực sự, con người có thể tạo ra được những thành phố cực kỳ tráng lệ, các kiến trúc sư, các kỹ sư xây dựng hoàn toàn có thể tạo ra được những tổ chức vật chất như nhà ở, chung cư, dãy phố biệt thự, nhưng chúng có thật sự trở thành “nơi chốn” của mỗi cá nhân hay cộng đồng là một chuyện rất khác. Do vậy, muốn được phần hồn của đô thị, thì nơi chốn ấy phải gắn với văn hóa, tâm linh, ký ức, kỉ niệm và hơn hết là mối quan hệ của cộng đồng người.
Chính lý do này với tình yêu thương tha thiết với đô thị, xem thành phố mình ở như một phần máu thịt của gia đình, cộng đồng sẽ tiếp thêm nguồn sức mạnh, năng lượng thiện lành, yêu thương cũng như sức chịu đựng, gánh vác chung, để cùng nhau cố gắng vượt qua những ngày khó khăn, thử thách này.
ThS Nguyễn Hiếu Tín giao lưu với sinh viên, người nước ngoài. |
Sài Gòn bao dung
Lâu nay, người Sài Gòn vẫn được ca tụng là nghĩa tình, bao dung. Trong đại dịch, ông thấy người Sài Gòn đã chứng minh điều đó như thế nào?
– Quả thật hiếm có một đô thị nào trên thế giới lại “nặng tình” như Sài Gòn. Đã không ít nhà nghiên cứu thống nhất với nhau rằng, chất men văn hóa, chinh phục lòng người chính là tính cách người Sài Gòn với tấm lòng bao dung, hiếu khách, trọng nghĩa khí và hay giúp đỡ người yếu thế.
Tôi rất tâm đắc với nhận định của PGS.TS Nguyễn Minh Hòa rằng, khác với những nơi khác, ở nơi này, con người được gắn kết với nhau không phải bằng các quy định, luật lệ mà bằng sự cảm thông, chia sẻ, thân thiện, thực lòng và hào hiệp.
Chính điều này đưa đến một hệ quả là tạo ra một chất kết dính “thẩm thấu” và “lan tỏa” vào nhau làm nên các cộng đồng cùng sinh sống trên đó mà không phải là chất kết dính riêng biệt cho từng mảnh ghép đứng “bên cạnh nhau”.
Tinh thần vì cộng đồng, đoàn kết, trọng tình được tạo dựng và truyền từ đời sang thế hệ khác trở thành một truyền thống và đặc trưng của người dân Sài thành.
Thành phố vẫn được xem là “đất lành” với nhiều sự tử tế. Và khi đứng trước sự khó khăn chung của cộng đồng, tinh thần ấy lại càng phát huy vượt bậc, một cách tự nhiên, thực lòng, không khoa trương, màu mè. Họ cảm thấy như mình có một trách nhiệm, bổn phận với cộng đồng bằng những hành động thiết thực, tử tế.
Thật khó có thể thống kê, nói hết được những nghĩa cử, tấm lòng của các tổ chức, người dân nơi đây đã tình nguyện giúp đỡ những người yếu thế, nhiễm bệnh. Mỗi nhóm thiện nguyện lại tạo ra “một góc thiêng” của mình rất độc đáo, sáng tạo và bằng nhiều hình thức khác nhau, ở nhiều thành phần khác nhau.
Tất cả đều có một mẫu số chung là tình yêu cộng đồng, tinh thần tương thân tương ái, đồng lòng “cam kết” giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Đó là những hình ảnh thân thương của những người thiện nguyện, những tấm lòng nhân ái, đôn hậu luôn nghĩ đến người yếu thế, những mái “bếp 0 đồng” luôn rực lửa hỗ trợ người thương; những phóng viên, báo đài trực tuyến tác nghiệp để thông tin sớm nhất; và đặc biệt những y bác sĩ từ người già đến trẻ, từ nhiều nơi “xông pha” đến đầu trận dịch để hỗ trợ người bệnh và phòng chống dịch bệnh…
Những hình ảnh này đã làm ấm lòng người đô thị, khiến Sài Gòn dù có xa mặt nhưng không bao giờ cách lòng: “Giãn cách nhưng lòng người không cách/ Chia sẻ nỗi đau – hào sảng tiếng cười!”.
Xin cảm ơn anh!
ThS Nguyễn Hiếu Tín được biết đến là người có đóng góp cho thư pháp Việt. Ông đã tự nghiên cứu ra phương pháp dạy thư pháp bài bản và đề xuất mở “Phố ông đồ” ở TP.HCM mỗi dịp Tết Nguyên đán. ThS Tín đã được Thành đoàn TP.HCM bình chọn là Nhà giáo trẻ tiêu biểu ba năm liên tiếp. Bên cạnh đó, ông cũng là một nhà sưu tầm tem với rất nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế; người nghiên cứu trà đạo và có lối sống chất phác, giản dị… |
Lưu Đình Long
Chào Sài Gòn mùa thu bình thường mới
Cũng có thể gọi là “bất bình thường cũ”, vì cuộc sống phải hồi sinh, nhưng sự hồi sinh nào cũng nhiều thay đổi, vì hôm nay chẳng bao giờ như hôm qua.