TP HCMVừa dứt cảnh nuôi 6 con cùng chồng ốm liệt giường, bà Phụng lại phải bước vào “trận chiến” mới chăm 4 cháu ngoại, bởi đứa gia đình ly tán, đứa vừa mất mẹ.
Những ngày cuối năm 2023, bà Nguyễn Thị Phụng, 65 tuổi, ở phường Long Phước, TP Thủ Đức chạy ngược xuôi hơn 20 km từ nhà đến Bệnh viện Nhi đồng 2, TP HCM, để chăm cháu trai Nguyễn Hữu Liêm, 13 tuổi, bị ung thư máu. Nhưng trước khi đi bà còn phải qua thăm hai cháu gái 5 và 6 tuổi đang nhờ con gái thứ năm trông giúp.
“Nhà tôi neo người, con cái đều đi làm xa, đứa lại mất vì bệnh tật, chẳng thể nhờ vả. Mình nhận trách nhiệm chăm sóc các cháu thay bố mẹ chúng nên phải làm hết sức, không để đứa nào bị thiệt thòi”, bà Phụng nói.
Vợ chồng bà Phụng sinh được 6 người con, 2 trai, 4 gái. Cả đời cày cấy, làm mướn, thu nhập không cao nhưng ông bà khéo co kéo cũng đủ nuôi các con ăn học.
Lo cho các con yên bề gia thất, tưởng được an hưởng tuổi già thì hơn chục năm trước chồng bà Phụng bị sơ gan, vảy nến, phải nằm liệt một chỗ. Ngoài cày cấy bà cũng nhận làm bánh ít, thêm tiền chạy chữa cho chồng, bởi con cái còn khó khăn.
Năm 2014, ông qua đời, căn nhà hai người nay còn một. “Nhưng ông ấy đi cũng tốt, chứ sống mãi trong cảnh đau đớn, bệnh tật hành hạ cũng khổ”, người phụ nữ 65 tuổi kể.
Một năm sau, người con gái thứ tư ly dị chồng, đưa hai con trai là Nguyễn Hữu Luân, sinh năm 2007 và Nguyễn Hữu Liêm, sinh năm 2010 về nhờ bà ngoại chăm sóc để đi làm. Toàn bộ học phí, thức ăn hàng ngày đều trông chờ vào tiền bán hàng nước hơn 3 triệu đồng mỗi tháng của bà Phụng. Bố của hai đứa trẻ là công nhân, hàng tháng gửi 1,5 triệu đồng, phụ thêm tiền nuôi con.
Năm 2018, cô con gái tiếp tục bế đứa cháu mới 6 tháng tuổi, là con với người chồng sau, nhờ mẹ chăm sóc để sang Trung Quốc, hứa khi nào ổn định sẽ đón con, nhưng 6 năm nay chị vẫn chưa về.
Nhà nhỏ, cháu đông, lại nằm sâu trong hẻm không tiện bán hàng, bà Phụng nhường chỗ ở cho vợ chồng con trai út. Bốn bà cháu thuê căn nhà gần đường lớn, giá gần 2 triệu đồng để tiện sinh hoạt, buôn bán.
Ngoài bán bánh ít, quán nước, người phụ nữ mở thêm xe nước mía do chính quyền phường Long Phước hỗ trợ cho các hộ nghèo. Bà nói ngày bán 10-20 cốc, không nhiều nhưng đủ tiền mua rau củ cho bốn miệng ăn.
Năm 2022, con gái thứ hai của bà Phụng qua đời do ung thư khi đang nuôi con 4 tuổi. Trước đó con gái đầu của bà cũng mất bởi căn bệnh này.
“Mấy đứa con lớn của nó (con gái thứ hai của bà Phụng) được chồng đầu nhận nuôi, mỗi đứa 4 tuổi là con với chồng sau, nhưng nay người ta đã bỏ đi nên tôi bế cháu về”, bà Phụng kể.
Để chăm sóc cho 4 đứa cháu, mỗi ngày bà phải dậy từ 3-4h làm bánh ít, dọn quán nước và nấu ăn sáng cho lũ trẻ đến trường. Trưa, chiều lại căn giờ nấu cơm. Tối muộn khi lũ trẻ đã ngủ, bà lại tất bật dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị nguyên liệu làm bánh cho hôm sau.
“Trước vợ chồng tôi nuôi được tận 6 đứa con, giờ có 4 đứa chẳng thấm tháp gì, chỉ là tuổi già nên mắt mờ, chân chậm hơn. Còn để kể khổ thì nhiều người còn khổ hơn, mình còn sức lao động nên không lo”, bà Phụng nói.
Thương bà vất vả, giữa năm 2023, cháu trai Hữu Luân, 16 tuổi, xin nghỉ học để cùng bạn sang Campuchia làm thuê. Can ngăn không thành, bà Phụng chỉ nhắc cháu giữ gìn sức khỏe, cố gắng làm vài năm rồi về nước.
Luân đi được vài tháng thì em trai Hữu Liêm đang học lớp 8 kêu nhức chân, không thể đi lại. Bà ngoại đưa em đến Bệnh viện Lê Văn Việt, TP Thủ Đức, kiểm tra và phát hiện bị nhiễm trùng máu, cần chuyển lên tuyến trên để theo dõi. Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, bác sĩ kết luận Liêm bị bạch cầu cấp, một dạng ung thư máu.
Biết con gái và cháu trai đi làm xa, bố của Hữu Liêm cũng lập gia đình mới, bà Phụng đành đóng quán nước, gửi hai cháu 5 và 6 tuổi sang nhà con gái thứ, để cùng Liêm nhập viện.
Vừa vào toa thuốc đầu tiên, cậu bé 13 tuổi sụt cân, người xanh xao, thường nằm bẹp. Nhưng mỗi lúc tỉnh Liêm lại khuyên bà nên nghỉ ngơi, tránh bị ốm, sau hỏi “bao giờ được xuất viện để còn đi học”. Cậu bé hiểu chỉ có học là cách tốt nhất để xin được việc, có tiền nuôi bà và các em.
Mong Liêm đủ sức điều trị, người phụ nữ 65 tuổi dành tiền mua sữa, hoa quả, bánh kẹo cho cháu còn bản thân xin cơm từ thiện hoặc nhịn. Mỗi tối, bà Phụng đều trải chiếu ngủ dưới giường bệnh hoặc vạ vật nằm trên ghế ngoài hành lang. Cách vài tiếng bà lại chạy vào giường kiểm tra tình hình của Liêm.
“Tôi sợ cháu bị biến chứng sau khi vào thuốc nên không dám ngủ. Chỉ cần thằng bé cựa người đã tỉnh, nếu thấy dấu hiệu bất thường sẽ gọi báo bác sĩ”, bà Phụng kể.
Vài tuần nay bác sĩ nói Liêm tiếp nhận thuốc tốt. Cậu bé ăn uống ngon miệng hơn, cân nặng dần được cải thiện khiến bà Phụng mừng thầm.
Gần bước sang tuổi 70, người phụ nữ đầu hai thứ tóc nói đã nếm đủ vất vả, cực nhọc nên không sợ khổ. Bà bảo thiếu tiền thì vay mượn, sau làm mướn trả nợ, chứ quyết không để Hữu Liêm đầu hàng số phận, hai cháu gái đang học mẫu giáo và tiểu học phải nghỉ giữa chừng.
“Dù tai họa có liên tiếp ập xuống nhưng còn sống là còn hy vọng. Bằng mọi giá tôi sẽ cùng cháu trai chiến đấu tới cùng với bệnh tật”, bà Phụng nói.
Với mục tiêu thắp lên niềm tin cho bệnh nhi ung thư, Quỹ Hy vọng kết hợp với chương trình Ông Mặt trời triển khai chương trình Mặt trời Hy vọng. Thêm một sự chung tay của cộng đồng là thêm một tia sáng gửi tới thế hệ tương lai của đất nước.
Độc giả có thể xem thông tin về chương trình tại đây
Quỳnh Nguyễn