Vừa qua, một phụ nữ 70 tuổi, được chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM) vào tối 13/3 sau khi làm đẹp. Thông tin ban đầu cho biết, chiều 13/3, người này đến một bệnh viện thẩm mỹ trên địa bàn TP.HCM để điều trị chảy xệ da mặt và thừa da mi dưới. Khoảng 16h cùng ngày, bà được thực hiện phẫu thuật căng da mặt cổ và phẫu thuật thừa da mi dưới.
Đến 18h, sau khi ca mổ hoàn tất, người này bất ngờ xuất hiện triệu chứng kích thích, tri giác lơ mơ rồi ngưng thở, huyết áp không đo được. Bệnh viện thẩm mỹ đã tiến hành xử lý cho bệnh nhân theo hướng ngộ độc thuốc tê và sốc phản vệ, đặt nội khí quản, đặt sonde tiểu, thở máy, truyền thuốc trợ tim adrenaline…
Đến 18h15, bệnh nhân hôn mê sâu, tim rời rạc, được xử trí sốc điện và truyền thuốc, sau đó liên hệ chuyển đến Bệnh viện Quân y 175. Bệnh nhân được chuyển đến cấp cứu trong tình trạng rất nguy kịch. Mặc dù được các bác sĩ nỗ lực hồi sức, cứu chữa nhưng nữ bệnh nhân đã không qua khỏi.
Theo TS.BS Tống Hải – Chủ nhiệm khoa Vi phẫu và tái tạo, Trung tâm Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và tái tạo, Bệnh viện Bỏng quốc gia, nhận định phẫu thuật căng da mặt là đại phẫu. Do đó, cần được thực hiện tại bệnh viện bởi bác sĩ chuyên khoa thẩm mỹ và hàm mặt.
Các bác sĩ sẽ bóc tách lớp cân da vùng mặt, kéo căng da về phía tai, thái dương, bỏ phần da thừa, giúp cho da vùng mặt giảm nhăn nheo. Tuy nhiên, nguy cơ biến chứng có thể gặp phải là chảy máu, tụ máu vùng cằm cổ hoặc chèn áp gây khó thở; nhiễm trùng, chậm liền vết thương, nguy hiểm hơn là tổn thương dây thần kinh số 7 gây liệt mặt, lệch mặt, sẹo mổ phì đại hoặc sẹo lồi.
Bác sĩ Hải lưu ý người trẻ tuổi hoặc cao tuổi mắc bệnh lý nội khoa như tiểu đường, các bệnh về tim mạch, các bệnh tự miễn tuyệt đối không nên áp dụng phương pháp này vì nguy cơ gặp biến chứng là rất lớn. Với người có mong muốn thực hiện phương pháp này, bác sĩ cần thăm khám kỹ lưỡng, thực hiện đầy đủ các xét nghiệm, trao đổi về những biến chứng có thể gặp phải, cân nhắc giữa việc làm đẹp bằng phương pháp này có thật sự cần thiết hay không.