John F. Kennedy mến mộ James Bond và xây dựng hình ảnh cá nhân giống Điệp viên 007 để truyền thông điệp đến người Mỹ vào thời Chiến tranh Lạnh.
James Bond là nhân vật điệp viên hư cấu nổi tiếng nhất nước Anh và trên toàn thế giới. Với vẻ ngoài lịch lãm, kỹ năng xuất chúng và những chuyến phiêu lưu, phá các âm mưu hiểm ác, James Bond, điệp viên hào hoa mang mật danh 007 đã gây được tiếng vang lớn trên toàn cầu kể từ năm 1953 đến nay.
John F. Kennedy, tổng thống thứ 35 của nước Mỹ, là người hâm mộ cuồng nhiệt Bond và giới truyền thông rất thích chỉ ra những điểm tương đồng giữa Điệp viên 007 với ông chủ Nhà Trắng, đến mức hình ảnh của họ trở nên gắn liền với nhau trong tiềm thức văn hóa Mỹ.
Điều này hoàn toàn không phải ngẫu nhiên, theo bình luận viên Theo Zenou từ Washington Post. Tổng thống Kennedy đã cố tình sử dụng hình tượng James Bond để khắc họa hình ảnh cá nhân như một lãnh đạo anh hùng, có thể đương đầu mọi thử thách trong những năm tháng nguy hiểm nhất của Chiến tranh Lạnh.
Năm 1954, Kennedy, lúc bấy giờ còn là thượng nghị sĩ, phải nhập viện để trải qua một cuộc phẫu thuật lưng. Để giúp Kennedy giết thời gian trong lúc nằm viện, một người bạn đã tặng ông Casino Royale, cuốn đầu tiên trong loạt tiểu thuyết về 007 của tác giả người Anh Ian Fleming. Kennedy đã đọc ngấu nghiến nó và tình cảm đặc biệt của ông dành cho Bond bắt đầu từ đây. Năm 1960, trong chiến dịch tranh cử tổng thống, Kennedy còn mời Fleming tới nhà mình ở Georgetown.
James Bond cũng truyền cảm hứng cho các lãnh đạo tình báo Mỹ. Allen Dulles, giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) dưới thời tổng thống Dwight D. Eisenhower và Kennedy, là tín đồ của 007. Ông từng yêu cầu Văn phòng Dịch vụ Kỹ thuật CIA thiết kế những thiết bị, tiện ích kiểu 007 cho các điệp viên của mình, như cigar phát nổ hay giày giấu mũi dao.
Năm 1961, không lâu sau khi nhậm chức, Kennedy được hỏi về những cuốn sách yêu thích của mình và cho biết một trong số đó là From Russia With Love, tiểu thuyết thứ năm của Fleming về Bond. Trong cuốn sách, Bond chống lại các hoạt động phản gián của Liên Xô. Lời giới thiệu của Kennedy đã khiến loạt tác phẩm về 007 được săn lùng tại Mỹ. Doanh số lớn đến mức nhà sử học Mark White nói đùa rằng “Fleming nên trả cho Kennedy một phần tiền bản quyền”.
Theo Arthur Schlesinger, cố vấn của Kennedy, tình cảm mến mộ mà cố tổng thống Mỹ dành cho James Bond không đơn thuần chỉ là “màn quảng bá”. Kennedy phải đối diện với thập niên 1960 đầy rẫy thách thức, từ cuộc đấu tranh dân quyền trong nước cho đến Chiến tranh Lạnh ở nước ngoài. Và Kennedy nhận ra rằng: “Những cách làm cũ sẽ không thành công”.
Vì vậy, sau khi nhậm chức, ông thay đổi phong cách lãnh đạo trong quá khứ, thể hiện một hình ảnh gần gũi hơn. Kennedy đặc biệt không thích cách lãnh đạo cứng nhắc và ở James Bond có tất cả những phẩm chất mà ông muốn thể hiện, một anh hùng mạnh mẽ, dũng cảm, linh hoạt và gai góc.
Kennedy được đánh giá là bậc thầy xoay chuyển dư luận. Ông hiểu rõ việc bày tỏ tình cảm mến mộ với James Bond sẽ dẫn tới một loạt bài viết so sánh ông và Bond, điều có lợi cho các mục tiêu của ông. Khi mọi người nghĩ về Bond, họ cũng sẽ nghĩ tới Kennedy, nhờ thế phẩm chất anh hùng của Bond cũng gắn liền với Kennedy.
Các chính trị gia thường tự gắn mình với những lãnh đạo vĩ đại trong quá khứ hay nhân vật hư cấu. Khi tổng thống Mỹ Donald Trump hồi năm 2019 đăng bức ảnh ghép mặt ông trên cơ thể tay đấm Rocky Balboa, nhân vật chính trong loạt phim Rocky nổi tiếng của Hollywood, thông điệp ông muốn truyền đi rất rõ ràng: Trump là một chiến binh.
Kennedy không làm giống như Trump nhưng người Mỹ đã nắm được thông điệp ông muốn truyền tải: tổng thống sẽ bảo vệ họ.
Tháng 10/1962, nhận thức đó trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Khủng hoảng tên lửa Cuba làm bùng lên nguy cơ nổ ra một cuộc chiến tranh hạt nhân. Các tướng lĩnh Liên Xô và Mỹ đều sẵn sàng cho kịch bản chiến tranh. Nhưng Kennedy đã giữ bình tĩnh trước áp lực và dẫn dắt các nỗ lực nhằm tìm ra giải pháp ngoại giao.
“Bản thân Bond giống một chiến binh hơn một nhà ngoại giao, nhưng dấu ấn Điệp viên 007 tạo ra với người hâm mộ lớn nhất của mình tại Phòng Bầu dục có lẽ đã giúp cứu thế giới”, bình luận viên Zenou từ Washington Post nhận xét.
Vũ Hoàng (Theo Washington Post)