Cựu tổng thống Mỹ kêu gọi Tòa án Tối cao can thiệp phán quyết trong vụ án chi tiền bịt miệng ở New York trước hội nghị đảng Cộng hòa.
“Ngày ‘tuyên án’ tôi, dù tôi không làm gì sai, thật tình cờ sẽ diễn ra 4 ngày trước Hội nghị Toàn quốc đảng Cộng hòa”, cựu tổng thống Donald Trump ngày 3/6 viết trên mạng Truth Social, bày tỏ hoài nghi tính công bằng của vụ án.
Ông cáo buộc Alvin Bragg, công tố viên quận Manhattan dẫn đầu cuộc điều tra, “được chống lưng bởi tỷ phú cánh tả cực đoan” George Soros và đắc cử nhờ vận động bằng thông điệp “Tôi sẽ bắt được Trump”. Ông cũng chỉ trích thẩm phán Juan Merchan là “thẩm phán tạm quyền địa phương do đảng Dân chủ bổ nhiệm”.
Cựu tổng thống Mỹ cho rằng công tố viên lẫn thẩm phán trong vụ án đều có mâu thuẫn lợi ích nghiêm trọng, do đó họ không thể “đưa ra quyết định có thể định đoạt tương lai đất nước”.
“Tòa án Tối cao Mỹ phải đưa ra quyết định!”, Trump nhấn mạnh.
Bồi thẩm đoàn ở New York tuần qua kết luận cựu tổng thống Trump có tội với 34 cáo buộc làm giả hồ sơ kinh doanh để chi tiền nhằm ém thông tin bất lợi khi tranh cử năm 2016. Thẩm phán New York Juan Merchan sẽ kết án ông Trump vào ngày 11/7. Giới quan sát cho rằng ông nhiều khả năng không phải ngồi tù, do ông không có tiền án, vi phạm không mang tính bạo lực.
Trước đó, Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson, nghị sĩ đảng Cộng hòa, cũng kêu gọi Tòa án Tối cao “can thiệp” và đảo ngược kết luận có tội của bồi thẩm đoàn ở New York.
“Phát quyết sẽ được đảo ngược. Không cần phải hoài nghi. Tuy nhiên, điều này cần thêm thời gian để tiến hành”, ông bình luận trong cuộc phỏng vấn với Fox ngày 2/6.
Johnson bổ sung rằng ông đã trao đổi với một số thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ và biết họ cũng chia sẻ quan điểm ông Trump là nạn nhân trong vụ án “không công bằng và có động cơ chính trị”. Ông cũng cáo buộc hệ thống tư pháp Mỹ hiện nay “mang nặng định kiến” đối với các chính trị gia theo trường phái bảo thủ của đảng Cộng hòa.
Đội luật sư đại diện ông Donald Trump tuyên bố sẽ kháng cáo ngay sau khi thẩm phán Merchan kết án. Tuy nhiên, vụ án cần phải qua các tòa phúc thẩm ở New York trước khi có cơ hội “gõ cửa” Tòa án Tối cao Mỹ, trong khi ngày bầu cử tổng thống chỉ còn khoảng 5 tháng sẽ diễn ra.
Tòa án Tối cao cũng chỉ có thể thụ lý kháng cáo nếu vụ án có yếu tố hiến pháp hay luật liên bang, song giới quan sát cho rằng nội dung 34 cáo buộc không liên quan luật liên bang.
6 trong số 9 thẩm phán Tòa án Tối cao là những người theo khuynh hướng bảo thủ, ba người nghiêng về tự do. Trong số 6 thẩm phán bảo thủ, ba người được đề cử và phê chuẩn dưới thời ông Trump.
Thanh Danh (Theo Guardian, NYMag, Axios)