Sau khi chuyển tiền vào tài khoản lừa đảo, “shipper dỏm” tiếp tục dẫn dụ người mua hàng thực hiện các thao tác như hướng dẫn để lấy lại tiền, nếu không hàng tháng sẽ tự động bị trừ 3,5 triệu đồng.
Mua sắm trực tuyến trở nên thịnh hành khi đem lại nhiều thuận lợi trong việc mua bán. Tuy nhiên, lợi dụng những kẽ hở trong quá trình thanh toán, cũng như sự bất cẩn của người tiêu dùng, các đối tượng xấu lấy thông tin khách hàng, giả mạo làm shipper để lừa đảo chuyển khoản dù đơn hàng chưa được giao.
Người phụ nữ ở Hà Nội bị “shipper dỏm” lừa đảo, còn dẫn dụ thực hiện các thao tác để lấy lại tiền
Chị T.N (ở Hà Nội) là trường hợp vừa mắc bẫy lừa đảo của “shipper dỏm”. Ngày 8/7, chị T.N nhận được cuộc gọi thông báo có đơn hàng từ số điện thoại 0867342904, khoảng 10 đến 15 phút nữa shipper sẽ đến nơi. Chị T.N có hỏi lại có phải đơn hàng quần áo không thì đối tượng nói “không rõ”, chỉ thấy trên gói hàng có tên và số điện thoại.
Chị T.N không nghi ngờ quá nhiều vì hôm trước cũng vừa đặt một đơn quần áo qua mạng. Tuy nhiên chị vẫn thấy lạ là tại sao đơn vừa đặt lại giao nhanh đến vậy. Chị hỏi lại: “Có phải đơn quần áo 900.000 đồng không”, đầu dây bên kia trả lời “Đúng rồi ạ”.
“Tôi cứ nghĩ là đơn quần áo vừa đặt đã giao nên nói shipper cứ đến rồi gửi cho bác giúp việc, sau đó sẽ chuyển khoản. Shipper gửi số tài khoản cho tôi. Sau 15 phút gọi báo là chị ơi em đã giao cho bác giúp việc rồi ạ.
Thậm chí tôi có nghe tiếng bà nào trong máy điện thoại là đã nhận được hàng, giọng rất giống với 2 bác giúp việc nhà mình nên tôi lại càng tin là hàng đã giao rồi. Sau đó tôi chuyển 900.000 đồng cho shipper mà không mảy may nghi ngờ”, chị T.N cho biết.
Chị T.N chuyển khoản vào số tài khoản của “shipper dỏm” sau đó mới phát hiện bị lừa
Sau khi chuyển khoản vào số tài khoản 943967236, ngân hàng VIB, tên Phung Van Do, chị T.N gọi cho bác giúp việc dặn gửi gói hàng vừa nhận được cho bà ngoại, nhưng bác giúp việc thông tin không có gói hàng nào được giao. Lúc đó chị chỉ nghĩ shipper giao nhầm cho nhà khác.
Chị gọi điện thoại thì đối tượng nói sẽ quay lại địa chỉ giao hàng. Tuy nhiên về số tiền 900.000 đồng, shipper nói chị T.N đã chuyển nhầm vào số tài khoản đăng ký hội viên, đề nghị làm theo hướng dẫn để lấy lại tiền.
“Chị chuyển cho em vào nhầm số tài khoản rồi ạ. Số này em đăng ký thành viên của hội shipper Hà Nội. Em vội quá nên gửi nhầm thông tin cho chị chứ không phải thông tin tài khoản của em. Chị gửi tiền vào đây là chị đăng ký hội viên đấy, em sẽ gửi hướng dẫn qua zalo, chị thực hiện theo đó để lấy lại tiền. Nếu không lấy lại tiền thì mỗi tháng chị bị trừ 3,5 triệu đấy ạ”, shipper tiếp tục dẫn dụ chị T.N.
Nghe tới đây, chị T.N biết là trò lừa đảo. Chị đòi lại tiền thì “shipper dỏm” nói: “Chị không thực hiện các bước để lấy lại tiền thì em cũng chịu”.
Chị T.N nhắn tin cho cửa hàng quần áo để hỏi thực hư thì biết hàng chưa được giao. Cuối cùng, chị còn nhận được lời thách thức của “shipper dỏm: “Thế là còn mất ít đấy, hãy mừng đi”.
Người này còn thách thức: “Cảm thấy may đi, thế là ít đấy”
Nhiều người cũng đã từng lâm vào hoàn cảnh tương tự chị T.N khi cả tin người giao hàng, không kiểm tra lại với người nhận hoặc chủ shop. Sau khi chuyển khoản mới phát hiện bị lừa. Số tiền mất có thể từ vài trăm, đến vài triệu đồng.
Chiêu thức lừa đảo không mới nhưng nhiều người vẫn sập bẫy
Trên thực tế, nhiều người khi đặt hàng online cũng thường nhờ shipper giao cho bảo vệ tòa nhà, lễ tân, người giúp việc… rồi chuyển khoản mà chưa kiểm tra kĩ đơn hàng. Đến khi phát hiện bị lừa đảo mới biết “mất tiền oan”.
Chị H. sống tại một khu dân cư cao cấp ở Hà Nội cũng là một nạn nhân của chiêu thức lừa đảo tương tự. Nhận được cuộc gọi giao đơn 410.000 đồng, chị H. nhờ giao cho lễ tân và chuyển khoản. Tuy nhiên sau đó shipper báo nhầm đơn, yêu cầu chuyển thêm 330.000 đồng.
Lúc này chị H. liền thắc mắc gói hàng shipper giao là của cửa hàng nào. Song shipper giải thích rằng đó là đơn quần áo, không để ý tên cửa hàng gửi. Chị không mảy may suy nghĩ, liền chuyển nốt số tiền còn lại vào số tài khoản trên.
Gần 12h trưa cùng ngày, đối tượng tiếp tục nhắn tin chị H. có đơn hàng mới, và phải chuyển 899.000 đồng vào số tài khoản ban đầu. Chị liền yêu cầu chụp giúp tem để xác thực xem bản thân đã đặt món hàng gì. Nhưng đối tượng lừa đảo viện cớ máy điện thoại hết pin không chụp được. Đến đây chị mới phát hiện có vấn đề. Khi xuống sảnh toà nhà gặp lễ tân, chị H. mới biết không hề có 2 đơn hàng được giao. Tổng cộng bị lừa hơn 1.600.000 đồng.
Cũng từng gặp trường hợp tương tự, chị M.L (ở Đống Đa, Hà Nội) cho biết bị một đối tượng tự xưng người giao hàng báo có đơn, thanh toán tiền 150.000 đồng. Vì không có ở nhà nên nhờ shipper giao cho người nhà. Tuy nhiên khi xác nhận lại thì biết không hề có đơn hàng được giao, gọi lại vào số điện thoại shipper gọi lúc trước cũng không đúng.
Biết mình bị lừa, dù số tiền không quá lớn nhưng chị M.L muốn lên tiếng cảnh báo để nhiều người mua hàng không lâm vào hoàn cảnh giống mình.
Đầu số là đối tượng lừa đảo giao hàng
Làm sao để tránh trở thành nạn nhân của đối tượng lừa đảo?
Trước những thủ đoạn lừa đảo ngày một tinh vi, nhất là lợi dụng việc giao – nhận hàng không trực tiếp, để tránh trở thành nạn nhân, mọi người cần chú ý:
– Không nhận bất cứ đơn hàng nào không đặt mua.
– Không chuyển khoản thanh toán các đơn hàng không có ảnh chụp rõ mã vận đơn, thông tin người nhận.
– Tuyệt đối không ấn vào các đường link nào từ đối tượng giả mạo shipper để tránh sập bẫy, có thể mất tiền trong tài khoản.
Thông thường đối tượng lừa đảo thường chọn thời điểm khách hàng không có mặt ở nhà (giờ hành chính) để gọi điện. Khi đó các đối tượng sẽ nói gửi hàng cho người nhà, hàng xóm… rồi yêu cầu chuyển khoản thanh toán. Sau khi nhận được tiền sẽ cắt đứt liên lạc.
Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng đã đưa ra cảnh báo về sự xuất hiện của những thủ đoạn lừa đảo mới thông qua việc mua sắm điện tử, giao hàng… Nếu không cẩn trọng, người dùng sẽ rất dễ bị lừa đảo. Các chuyên gia cũng nhận định, người dân cần đặc biệt cảnh giác, không nên nhận hộ hàng và thanh toán, luôn cần gọi điện cho chính chủ để kiểm tra lại thông tin, mã hàng hóa giao dịch thật chính xác, để tránh kẻ gian lợi dụng. |
Nguồn: [Link nguồn]
Thanh niên giả danh công an để lừa đảo, thậm chí yêu cầu bị hại mang tiền đến cổng trụ sở công an huyện giao.
Theo H.A ([Tên nguồn])