Những bước tiến trong thúc đẩy tài chính toàn diện
Việt Nam đã đạt được những bước tiến lớn trong việc thúc đẩy tài chính toàn diện, với vị trí thứ 3 trong khu vực ASEAN (sau Singapore, Thái Lan), và xếp thứ 14 trên thế giới, trong bảng xếp hạng Chỉ số Tài chính toàn diện toàn cầu năm 2024 của Principal Financial Group.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, hiện khoảng 87% người trưởng thành đã có tài khoản thanh toán, tăng từ 31% của giai đoạn 2015-2017.
Theo bà Nguyễn Thuỳ Dương, Chủ tịch HĐQT, CTCP Tư vấn EY Việt Nam (EY Việt Nam), hành trình tài chính toàn diện của Việt Nam đã chứng kiến những bước tiến đáng kể, được thúc đẩy bởi các sáng kiến và dẫn dắt quan trọng của các cơ quan quản lý, các tổ chức tín dụng truyền thống và năng lực đổi mới sáng tạo từ FinTech.
Tuy nhiên, để tiến tới được một hệ sinh thái tài chính toàn diện ở mức độ sâu và rộng hơn nữa, nỗ lực phối hợp giữa các bên cần được tiếp tục phát huy nhằm giải quyết những thách thức còn tồn tại và vận dụng phù hợp các công nghệ mới nổi và tăng cường công tác giáo dục tài chính.
Báo cáo “Thúc đẩy Tài chính toàn diện ở Việt Nam và vai trò của FinTech trong phối hợp với Tổ chức tín dụng” (Báo cáo) do EY Việt Nam vừa công bố, trích dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế – xã hội quý IV và năm 2023 cho thấy, hơn 62% dân số hiện đang sống ở nông thôn và vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng từ các dịch vụ tài chính – ngân hàng chính thống.
Theo khảo sát của EY Việt Nam, 42% người được hỏi trả lời đã từng sử dụng các dịch vụ không chính thống như vay người quen, vay “nóng”, chơi hụi (họ),…. trong vòng một năm trở lại đây.
Những người này phải đối mặt với chi phí cao và rủi ro tài chính lớn. Các doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ kinh doanh cũng gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng truyền thống do không đủ tài sản thế chấp hoặc hồ sơ tín dụng không đầy đủ.
“Bình dân hoá” dịch vụ ngân hàng qua FinTech
Ông Vũ Thành Trung, Phó Chủ tịch HĐQT, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) nhận định rằng những rào cản cụ thể các hộ kinh doanh, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ, và vừa phải đối mặt khi tiếp cận các sản phẩm dịch vụ tài chính – ngân hàng bao gồm: Không có tài sản thế chấp hoặc thiếu tài sản cố định đủ giá trị để thế chấp; Hồ sơ tín dụng không đầy đủ hoặc không rõ ràng; Quy trình thủ tục phức tạp và đòi hỏi nhiều giấy tờ; Thời gian giải ngân chậm. Điều này làm cho việc vay vốn trở nên khó khăn, ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng nhu cầu về vốn lưu động của họ.
Trong bối cảnh này, FinTech có thể hỗ trợ cung cấp thêm nguồn dữ liệu hữu ích cho ngân hàng. Từ đó, giúp ngân hàng xây dựng mô hình chấm điểm tín dụng, đưa ra hạn mức tín dụng phù hợp và tự động.
“Tại MB, các hoạt động mà FinTech đang phối hợp với ngân hàng để thực hiện là: chia sẻ dữ liệu về hành vi mua sắm và thanh toán của khách hàng từ nền tảng thương mại điện tử; cung cấp thông tin về lịch sử giao dịch và mức độ tương tác, giúp ngân hàng đánh giá thu nhập và dòng tiền của khách hàng một cách chính xác hơn”, Phó Chủ tịch HĐQT MB cho hay.
Chia sẻ về tầm quan trọng của việc hợp tác giữa ngân hàng và các công ty FinTech, bà Nguyễn Thùy Dương cho biết: “Bên cạnh những thành tựu đáng ghi nhận, tài chính toàn diện vẫn còn là chặng đường dài. Việc tăng cường hợp tác giữa các tổ chức tín dụng truyền thống và các công ty FinTech, phát triển sâu rộng mô hình ngân hàng mở, và nâng cao trình độ hiểu biết về tài chính, là các hoạt động cấp thiết hiện nay. Khung pháp lý cần được củng cố và mở rộng, đặc biệt với việc phê duyệt và triển khai của cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox), để hỗ trợ đổi mới sáng tạo và quản lý rủi ro liên quan đến các công nghệ tài chính mới.”
FinTech với các ưu điểm nổi bật về hạ tầng công nghệ, sản phẩm đa dạng, khả năng tận dụng dữ liệu, hệ thống thanh toán tinh gọn, các công cụ quản lý kinh doanh hiệu quả,…. đang “bình dân hóa” dịch vụ tài chính – ngân hàng, giúp nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ cho người dân Việt Nam, đặc biệt là các nhóm yếu thế.
Ông Nguyễn Bá Diệp, đồng sáng lập ví điện tử MoMo nhận định, FinTech đã trở thành một động lực quan trọng trong việc thúc đẩy tài chính toàn diện, đặc biệt tại Việt Nam.
“FinTech đã giúp thu hẹp khoảng cách và mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính – ngân hàng tới người dân, bằng việc mở rộng phạm vi cung cấp các dịch vụ này. Đồng thời, giảm bớt chi phí sử dụng kết hợp cùng các giải pháp sáng tạo, đổi mới hướng tới trải nghiệm khách hàng và gia tăng hiểu biết tài chính”, ông Diệp nói.
Một môi trường nơi các tổ chức tài chính truyền thống hợp tác với Fintech có thể là hướng đi triển vọng của thị trường tài chính trong tương lai. Mục tiêu hướng tới là xây dựng một nền tài chính toàn diện. Trong đó, những đối tượng như người thu nhập thấp, các doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ kinh doanh, đều có thể tham gia một cách tích cực, đầy đủ vào hệ thống tài chính của quốc gia.