Quân đội thiếu nhuệ khí và kinh tế kiệt quệ, còn lực lượng tinh nhuệ nhất không xuất hiện, đã khiến Damascus thất thủ nhanh chóng, theo chuyên gia.
Tổ chức vũ trang Hayat Tahrir al-Sham (HTS) ngày 8/12 thông báo liên minh các lực lượng chống chính phủ đã chiếm Damascus và Tổng thống Bashar al-Assad đã “bỏ chạy”. Thủ tướng Syria Mohammed al-Jalali thông báo chính phủ đã sẵn sàng cho quá trình chuyển giao quyền lực và ông sẽ hợp tác với lãnh đạo tiếp theo của Syria do nhân dân lựa chọn.
HTS cùng đồng minh tiến đánh Aleppo vào ngày 29/11 và liên minh phiến quân liên tục chiếm các thành phố lớn nhất cả nước trong hơn một tuần sau đó. Bộ Quốc phòng Syria hôm 6/12 còn tuyên bố đang tái bố trí lực lượng để phản công ở Hama cách Damascus hơn 200 km. Chỉ qua một ngày, các lực lượng chống chính phủ đã bao vây thủ đô, còn quân đội bỏ vị trí phòng thủ và vứt lại xe tăng trên đường phố.
“Không ai ngờ rằng quân đội Syria lại mong manh đến vậy”, nhà phân tích quân sự Elias Hanna của Al Jazeera nhận định. “Điều này cho thấy sự thiếu quyết tâm chiến đấu của quân đội nước này, từ Aleppo đến tận thủ đô Damascus”.
Hanna nói quân đội Syria liên tục tuyên bố “tái bố trí” các đơn vị khỏi các thành phố sau khi rút lui, nhưng trên thực tế họ không thiết lập bất kỳ phòng tuyến nào cản đường tiến công của phiến quân.
Nhà phân tích Arab cũng đặt nghi vấn về số phận Sư đoàn 4 của quân đội Syria. Đây được xem là đơn vị tinh nhuệ nhất nước này, được trang bị vũ khí hiện đại với hàng chục nghìn binh sĩ, đặt dưới sự chỉ huy của ông Maher al-Assad, em trai Tổng thống Bashar al-Assad.
“Ẩn số lớn nhất lúc này là: Những người lính này đi đâu mất rồi? Trang thiết bị của họ đã được chuyển đến đâu”, Hanna nói.
Charles Lister, nhà nghiên cứu cấp cao về Syria và chống khủng bố tại Viện Trung Đông, nhận định rằng diễn biến hiện tại không hoàn toàn bất ngờ. Ông nhấn mạnh rằng Tổng thống Bashar al-Assad chưa bao giờ thực sự “chiến thắng” trong cuộc nội chiến ở Syria kéo dài 14 năm qua, và quyền lực của ông đã suy yếu trong một thời gian dài.
“Quân đội Syria chưa bao giờ thực sự mạnh, họ được củng cố và hỗ trợ bởi Nga từ năm 2015, bên cung cấp hỏa lực và chiến thuật. Hầu hết các sĩ quan đều được chọn vì mối quan hệ thân cận với gia tộc Assad”, Hamish de Bretton Gordon, cựu đại tá quân đội Anh và cố vấn về vũ khí hóa học cho các tổ chức phi chính phủ hoạt động tại Syria và Iraq, nhận xét với Telegraph.
Từ trước khi liên quân chống chính phủ phát động chiến dịch, vị thế của Tổng thống Assad vốn đã mong manh. Nga lẫn Iran, hai đồng minh quan trọng nhất của Assad, trong thời gian qua có những ưu tiên chiến lược cấp bách hơn chiến trường Syria. Với Moskva là cuộc chiến tại Ukraine, còn các lực lượng thân Iran mà chủ lực là Hezbollah, bị cuốn vào xung đột với Israel.
“Sự sụp đổ của quân đội phản ánh sự suy thoái chung trong các thể chế nhà nước Syria”, Jihad Yazigi, tổng biên tập tờ Syria Report, nhận định. “Người dân tại các khu vực do chính quyền kiểm soát cảm thấy sâu sắc rằng không chỉ mọi thứ không cải thiện, mà còn không có triển vọng nào cho việc tình hình sẽ khá hơn”.
Theo Lister, kinh tế Syria rơi vào tình trạng kiệt quệ suốt nhiều năm qua. Khi thỏa thuận kiểm soát xung đột tại Syria được ký kết giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga vào đầu năm 2020, tỷ giá đồng bảng Syria so với USD vào khoảng 1.150 bảng đổi một USD. Đến thời điểm lực lượng đối lập bắt đầu tấn công cách đây một tuần, tỷ giá đã tăng lên 14.750 bảng đổi một USD. Ngày 4/12, sau một tuần xung đột leo thang trở lại, tỷ giá tiếp tục tăng lên 17.500 bảng đổi một USD.
Thay vì ổn định đất nước và mang lại chút yên bình cho người dân Syria sau hơn một thập kỷ chiến tranh, cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Syria đã trở nên trầm trọng hơn kể từ khi thỏa thuận được ký kết vào năm 2020. Liên Hợp Quốc báo cáo rằng ít nhất 90% người dân Syria hiện sống dưới mức nghèo khổ. Trợ cấp nhà nước cho nhiên liệu và lương thực đã bị cắt giảm đáng kể trong những năm gần đây.
Natasha Hall, chuyên gia cấp cao tại Chương trình Trung Đông của CSIS, nhận định cho rằng quân đội Syria “tan rã không phải là điều quá khó hiểu”. Sau 14 năm nội chiến, họ không còn đủ tinh thần chiến đấu để đối mặt với những cuộc tấn công với quy mô lớn như vừa qua.
“Nhiều người quên rằng quân chính phủ Syria và các lực lượng ủng hộ ông Assad đã mất rất nhiều người trong suốt cuộc chiến. Chúng ta cũng quên rằng cộng đồng Alawite ủng hộ gia tộc Assad đã sống trong cảnh nghèo khổ suốt nhiều thập kỷ. Họ nhận ra không còn nhận được nhiều lợi ích từ chính phủ hiện tại”, Natasha Hall nói.
Greg Waters, chuyên gia Viện Trung Đông của Mỹ, đánh giá đối thủ của quân chính phủ Syria lần này khác hoàn toàn những lực lượng phiến quân nhỏ lẻ mà họ từng đối mặt trong giai đoạn đầu nội chiến. Họ được trang bị tốt hơn, kỷ luật cao hơn và được tổ chức tốt hơn, dẫn đầu bởi HTS.
Sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chiến thuật hợp lý của phiến quân dường như đã khiến quân đội Syria rơi vào trạng thái choáng váng. HTS sở hữu các sĩ quan, đơn vị đặc nhiệm thiện chiến, lực lượng điều khiển drone tinh vi và cả các đơn vị chuyên tác chiến trong đêm. Có thông tin trên truyền thông rằng HTS được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn nhưng Ankara đã bác bỏ điều này.
Ở chiều ngược lại, khi không còn các lực lượng đồng minh chiến đấu thay mình, Tổng thống Assad chỉ còn trong tay “một đội quân suy sụp tinh thần, lãnh đạo yếu kém, trang bị kém và không ai muốn mạo hiểm tính mạng”, theo David Des Roches, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Cận Đông và Nam Á.
“Từ khi Iran và Nga can thiệp quân sự vào năm 2014, đã có nhiều báo cáo cho thấy quân chính quy Syria không được lãnh đạo tốt. Họ không tập trung cải thiện năng lực chiến đấu, không giải quyết được tình trạng tham nhũng tràn lan. Thực tế, phần lớn nhiệm vụ tác chiến những năm qua là do các lực lượng thân Iran dẫn đầu thực hiện, với yểm trợ không quân từ Nga”, ông nói.
Thanh Danh (Theo Al Jazeera, CNN, Telegraph, FP)