Tôi có 2 con, học ở hai trường cấp 1 và cấp 2 khá gần nhau tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Vì đi làm xa nên tôi thường chở các cháu đến trường khá sớm và ít khi phải chịu cảnh tắc nghẽn. Nhưng có những hôm bận việc, tôi đưa con tới trường muộn 5-10 phút thì gặp ngay cảnh đông kín, 1-2 phụ huynh đi ô tô đỗ xịch trước cổng trường, dừng 2-3 phút là cả đoàn xe phía sau tắc cứng. Xe máy cũng chen chúc nhau đậu sao cho gần lối vào trường.
Vất vả nhất là những học sinh đi xe đạp. Ba lô nặng trịch đeo trên vai hoặc để ở giỏ phía sau yên, người các em lệch hẳn sang một bên khi phải đứng chống chân đợi hay cố lách qua những chiếc xe máy, ô tô để vào trường.
Vượt qua được cổng trường chục mét tôi vẫn chưa thoát khỏi cảnh tắc nghẽn, khi nhiều cha mẹ đỗ phịch bên đường hay dựng xe ở lòng đường, tranh thủ cho con mua gói xôi, cái bánh kẹp trước khi vào lớp. Người chen người, xe sát xe. Tiếng í ới giục con mua mau, ăn mau, tiếng lầm bầm bực bội khi xe bị tạt đầu, lấn trước… Cảnh tượng bắt đầu ngày mới, chuẩn bị buổi học thật không đẹp chút nào.
Cách đó không xa cũng có một trường mẫu giáo. Nhà trường đã bố trí bãi bên trong dành cho xe máy, bên ngoài là ô tô nhưng nhiều phụ huynh có điều kiện vẫn phi thẳng xe hơi vào cổng, làm xe máy chỉ còn biết cố lách từng chiếc một qua. Trong khi đó, chỉ cách 5-10m là một bãi đất, đậu được cả chục chiếc ô tô thì trống trơn.
Trên đường từ nhà tới cơ quan, tôi gặp lại cảnh tượng này ở khu vực quận Đống Đa, khi đi qua một trường cấp 1 khi chuẩn bị trống vào lớp.
Trường này nằm ngay bên mặt đường lớn, vỉa hè khá rộng nhưng mỗi ngày đều có ít nhất 2 lượt kẹt vì phụ huynh đậu xe lấn hết đường trước cổng trường. Giờ cao điểm, địa phương phải huy động 2-3 cán bộ tổ dân phố để điều hướng giao thông, nhắc nhở phụ huynh không đỗ xe ngay quá gần trường.
Có lần, đến công ty, tôi đem chuyện này ra kể và bàn luận với mấy người cũng có con nhỏ như mình, nào ngờ không ít đồng nghiệp lập tức đổ tội cho quy hoạch của thành phố khiến nhiều trường gần nhau, đường nhỏ, thiếu chỗ đỗ xe… Một số phụ huynh biện luận rằng, đưa con đi học không thả con trước cổng trường thì để ở đâu, rồi đưa ra đủ thứ lý do nghe có vẻ hợp lý. Đó là trẻ đeo balo nặng nên không muốn đỗ xe xa để con phải đi bộ lâu, mệt mỏi; Bố mẹ cũng phải mau chóng đi làm cho kịp giờ, thời gian đâu mà đỗ xa rồi dắt con vào trường; Sáng ra con buồn ngủ, ngủ gật, gọi mãi mới tỉnh để xuống xe nên đôi khi phải đỗ ở cổng trường hơi lâu…
Nếu ngẫm sâu một chút, chúng ta có nhận ra mình đang dạy gì cho con khi lúc nào cũng chăm chăm tìm chỗ đậu xe tiện nhất cho mình không cần biết quy định thế nào hay có ảnh hưởng tới ai hoặc khi sẵn sàng chạy ngược chiều vì đường vòng xa hơn mấy trăm mét hay không thèm đội mũ bảo hiểm bởi trường cách có 1-2 km?
Tôi cho rằng tâm lý làm gì tiện cho mình, việc người khác mặc kệ… chính là lý do chính gây nên tình trạng đỗ xe bừa bãi ở cổng trường, gây ách tách giao thông và làm gương xấu cho con trẻ.
Sự tiện lợi cá nhân đã lấn át ý thức cộng đồng. Chúng ta có thể biết xe cộ dừng đỗ tùy tiện khiến giao thông ùn tắc, gây khó khăn cho học sinh, phụ huynh khác hay người dân quanh trường nhưng vẫn làm vì áp lực thời gian, nhịp sống gấp gáp, vì thói quen hay suy nghĩ “ai chả thế”.
Trước khi trách chính quyền, nhà trường, đổ lỗi cho quy hoạch… có lẽ mỗi phụ huynh nên tự nâng cao ý thức của mình một chút, bắt đầu từ những hành động nhỏ, như tìm chỗ đỗ xe đúng quy định, đỗ xa hơn một chút, đi bộ đưa đón con khi có thể… Việc này chẳng những vừa giảm ách tắc giao thông, vừa làm gương cho con cái về ý thức trách nhiệm trong cộng đồng.
Đức Quang (Phụ huynh Hà Nội)
Nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm riêng của tác giả. Bạn đọc có ý kiến hoặc câu chuyện tương tự có thể gửi về email: Bangiaoduc@vietnamnet.vn. Bài viết được đăng tải trên VietNamNet sẽ nhận nhuận bút theo quy định của tòa soạn. Xin trân trọng cảm ơn!