Là giám đốc tại một công ty bảo trì tòa nhà, Stephanie Pittman, 52 tuổi, đã bị buộc thôi việc tháng trước vì không tuân thủ quy định phải đến văn phòng làm việc hàng ngày.
Pittman có bốn con và cha mẹ già sống cạnh. Chồng cô là thẩm phán rất bận rộn. Trước khi đầu quân cho công ty này, năm ngoái cô cũng phải bỏ nghề luật sư do yêu cầu trở lại văn phòng.
Vị trí giám đốc của cô đang đăng tuyển một vị trí làm trực tiếp. Trong khi đó Pittman đang tận dụng chuyên môn pháp lý làm các công việc bán thời gian để duy trì thu nhập. Tuy nhiên cô thấy triển vọng tìm được công việc từ xa khác rất thấp. Gần 100 đơn xin việc đã gửi đi nhưng cô không nhận được nhiều phản hồi.
“Thật là bực bội và nản lòng”, người phụ nữ ở bang Kansas nói.
Các công ty Mỹ đang nghiêm túc yêu cầu nhân viên làm việc trực tiếp sau nhiều năm buông lỏng. Amazon yêu cầu nhân viên đến văn phòng 5 ngày mỗi tuần bắt đầu từ 2/1/2025. Một số tập đoàn lớn khác bao gồm UPS, JPMorgan Chase và Boeing, cũng đã yêu cầu ít nhất một số nhân viên trở lại văn phòng cả tuần.
Việc sa thải chỉ với lý do “không tuân thủ quy định làm việc trực tiếp” dường như khá hiếm, hoặc thường được xử lý kín đáo, nhưng nguy cơ là có thật.
Hồi tháng 10, tập đoàn truyền thông Publicis Media đã sa thải vài chục nhân viên không tuân thủ yêu cầu làm việc tại văn phòng. Starbucks đã cảnh báo nhân viên có thể bị sa thải nếu không có mặt tối thiểu ba ngày mỗi tuần, bắt đầu từ tháng tới. Một số doanh nghiệp đã cung cấp gói trợ cấp thôi việc cho nhân viên từ chối đến văn phòng thường xuyên.
Tờ WSJ phỏng vấn hơn chục người đã mất việc vì yêu cầu trở lại văn phòng hoặc tin sắp xảy ra, tất cả đều cho biết bị sa thải không phải tồi tệ nhất. Khó chấp nhận hơn là có thể không bao giờ được làm việc từ xa (online, remote) hoặc kết hợp (hybrid).
Nhiều ông chủ tin rằng khi ra quyết định sa thải họ không còn phải chịu đựng sự thất thường của những người làm việc từ xa. “Đằng sau cánh cửa đóng kín, các CEO đều cho rằng đã nhượng bộ đủ rồi, nếu bạn không đáp ứng được yêu cầu tối thiểu thì đường ai nấy đi”, Dan Kaplan, chuyên gia cấp cao tại công ty tư vấn đa quốc gia Korn Ferry cho biết.
Nhiều nhân viên không có lựa chọn nào khác ngoài việc tuân thủ, nhưng Kaplan cho rằng số khác vẫn sẽ từ chối và dự đoán một “đại sa thải” vào năm 2025. Một số người đang có khoản tiết kiệm từ sau đại dịch và có thể chịu được việc thất nghiệp một thời gian. Những người khác lạc quan rằng thị trường lao động sẽ nóng trở lại và cho phép họ đàm phán các thỏa thuận làm việc linh hoạt.
Ở bang Washington, Nathan Vance, 50 tuổi, cho biết ông đã nhận một gói trợ cấp thôi việc từ nhà sản xuất ứng dụng hẹn hò Grindr vào tháng 4, vì không đồng ý trở lại văn phòng. Năm 2022, anh được Grandr tuyển dụng làm từ xa và đã mua một ngôi nhà ở Washington. Với yêu cầu làm việc trực tiếp, anh sẽ phải chuyển tới văn phòng gần nhất của công ty ở San Francisco, cách ngôi nhà thân yêu khoảng 800 dặm, đồng nghĩa phải thuê nhà đắt đỏ.
Cân nhắc không đáng đánh đổi, Vance chấp nhận trợ cấp ba tháng thôi việc. Hiện anh đang sử dụng tiết kiệm và tài khoản hưu trí. “Tôi đang nộp đơn xin việc ở bất cứ đâu và bất cứ nơi nào có cơ hội vì đang ở giai đoạn thực sự không biết điều gì sẽ xảy ra”, anh nói.
Hiện chỉ có 8% công việc đăng trên LinkedIn là từ xa, giảm từ 18% vào đầu năm 2022. Những vai trò đó rất cạnh tranh, thu hút 40% đơn xin việc được nộp nền tảng. Trang web việc làm Indeed báo cáo tỷ lệ công việc từ xa trên nền tảng của họ cũng khoảng 8% và cho biết phạm vi lương thấp hơn.
Kendelyn Chilton, 32 tuổi đã gia nhập Amazon trong đợt tuyển dụng năm 2021, trong khi làm việc từ xa toàn thời gian ở gần gia đình tại bang Louisiana. Khi công ty tăng cường đưa nhân viên trở lại văn phòng, cô đã bị sa thải vào tháng 7/2023. Những người trong các vai trò tương tự nhưng đi làm văn phòng thường xuyên đã được giữ lại.
Thay vì tìm kiếm vô ích một cơ hội từ xa khác, Chilton quyết định chuyển đổi nghề nghiệp. Cô tham gia vào công ty xây dựng của cha mình, hiện trở thành một nhà thầu có kinh nghiệm. Cô cho biết hạnh phúc hơn mà không có nỗi sợ bị gọi lại văn phòng hoặc tìm kiếm việc làm.
“Rất nhiều người đang lo lắng sẽ không được làm từ xa nữa. Tôi đồng cảm và cảm thấy tiếc cho những người rơi vào hoàn cảnh đó”, cô nói.
Bảo Nhiên (Theo WSJ)