Tổng thống Putin cho biết đầu đạn tên lửa Oreshnik chịu được nhiệt độ tương đương bề mặt Mặt Trời, đề cao ngành công nghệ vật liệu của Nga.
“Toàn thế giới đang nói về Oreshnik. Nó được làm từ vật liệu gì? Các đầu đạn này có khả năng chịu nhiệt độ tương đương bề mặt của Mặt Trời”, Tổng thống Vladimir Putin phát biểu tại phiên họp toàn thể của Diễn đàn Công nghệ Tương lai tổ chức ở thủ đô Moskva ngày 21/2.
Bề mặt Mặt Trời có nhiệt độ khoảng hơn 5.500 độ C. Ông chủ Điện Kremlin hồi tháng 11/2024 mô tả nhiệt độ đầu đạn Oreshnik đang lao xuống mục tiêu có thể lên tới 4.000 độ C. “Chúng có thể vươn tới những mục tiêu được bảo vệ nghiêm ngặt và nằm sâu dưới lòng đất. Mọi thứ ở trung tâm đòn đánh sẽ bị nghiền thành bụi”, ông nói khi đó.
Tổng thống Putin phát biểu tại Diễn đàn Công nghệ Tương lai ở Moskva ngày 21/2. Ảnh: Reuters
Cũng tại diễn đàn, Tổng thống Putin cho biết Liên Xô từng nghiên cứu vũ khí siêu vượt âm từ thập niên 1980, nhưng các nhà khoa học thời đó không thể hiện thực hóa ý tưởng vì chưa tìm ra vật liệu phù hợp.
“Các phương tiện thử nghiệm tan chảy như kem”, ông nói, thêm rằng những bước đột phá của vũ khí Nga hiện nay chính là kết quả từ các công trình nghiên cứu vật liệu mới, cho phép triển khai hàng loạt dự án từng được coi là bất khả thi.
Tổng thống Nga cũng đề cao tầm quan trọng của ngành hóa học và phát triển vật liệu, cho rằng đây là chìa khóa để mở ra các cơ hội công nghệ mới.
Liên quan đến khả năng công ty nước ngoài trở lại Nga, ông Putin nhấn mạnh sẽ tiếp tục cân nhắc để bảo toàn tiềm năng mà doanh nghiệp Nga đã đạt được. Ông khẳng định Nga không có ý định tạo rào cản trong hợp tác với các nhà khoa học phương Tây và mời họ hợp tác. “Cánh cửa của chúng tôi luôn rộng mở”, ông nói.
Tên lửa đạn đạo mang đầu đạn siêu vượt âm Oreshnik được Nga lần đầu sử dụng trong cuộc tập kích thành phố Dnipro, miền trung Ukraine, ngày 21/11/2024. Động thái nhằm đáp trả vụ Ukraine phóng tên lửa tầm xa ATACMS và Storm Shadow do phương Tây cung cấp nhằm vào sâu trong lãnh thổ Nga.
Giới chức Nga tuyên bố Oreshnik đạt tốc độ gấp hơn 10 lần âm thanh, tương đương gần 11.000 km/h. Ngoài tốc độ cao, quả đạn còn ứng dụng công nghệ phương tiện hồi quyển tấn công đa mục tiêu độc lập (MIRV), cho phép mỗi tên lửa mang tới 36 đầu đạn.
Khoảnh khắc đầu đạn Oreshnik lao xuống thành phố Dnipro sáng 21/11/2024. Video: X/Gerashchenko_en
Một số chuyên gia phương Tây nhận định các hệ thống phòng không THAAD, Aegis của Mỹ và Arrow 3 Israel có thể đối phó tên lửa Oreshnik. Dù vậy, công nghệ MIRV khiến nỗ lực bắn hạ toàn bộ đầu đạn tốn rất nhiều chi phí, chưa kể khả năng Nga phóng nhiều tên lửa Oreshnik cùng lúc để làm quá tải lưới phòng thủ đối phương.
Tổng thống Putin khẳng định không hệ thống phòng không nào của phương Tây chặn được tên lửa Oreshnik. Ông từng thách thức Mỹ, đồng minh và Ukraine tập hợp toàn bộ lưới phòng không vào một khu vực ở thủ đô Kiev và thử tìm cách chặn tên lửa Oreshnik đang lao tới.
Tư lệnh quân đội Ukraine Oleksandr Syrsky hôm 19/1 nhấn mạnh rất ít lá chắn tên lửa trên thế giới hiện nay có khả năng đánh chặn Oreshnik và thừa nhận Ukraine chưa sở hữu vũ khí nào như vậy.
Thanh Danh (Theo TASS, Anadolu Agency)