Khi Covid-19 bắt đầu gây thiệt hại cho nền kinh tế Hàn Quốc hồi tháng 2/2020, không ai nghĩ hàng hóa xa xỉ ở nước này sẽ trải qua một đợt bùng nổ.
Do các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt của chính phủ, người dân buộc phải ở nhà. Cũng như nhà hàng, quán cà phê và cửa hàng bách hóa, nhiều cửa hiệu hàng xa xỉ phải ngừng hoạt động sau 9h tối hàng ngày.
Tỷ lệ tăng trưởng tiềm năng của Hàn Quốc trong khoảng thời gian 2019-2020 theo dự đoán của Ngân hàng Trung ương nước này tụt 0,4 điểm phần trăm xuống còn 2,2% – báo hiệu sức tiêu dùng của các hộ gia đình sẽ giảm. Nhiều doanh nghiệp tư nhân và công ty lớn bị ảnh hưởng nặng nề.
Tuy nhiên, điều bất ngờ là nhu cầu về hàng hiệu xa xỉ lại tăng chóng mặt.
Cảnh sát kiểm tra các túi hiệu nhái bị tịch thu ở Suwon, tỉnh Gyeonggi. Ảnh: Yonhap |
Lẽ ra một số người đã đi du lịch nước ngoài và chi tiền cho ăn uống tại các nhà hàng cao cấp nếu đại dịch không bùng phát. Vậy nên, khi Covid-19 kéo dài suốt gần 2 năm, không ít người chuyển sang sở thích mua hàng xa xỉ.
Có rất nhiều lý do khiến người Hàn Quốc yêu thích hàng hiệu, và lý do số 1 là bởi chúng thuộc “hàng hiếm”. Trong trường hợp sản phẩm của Chanel, người ta hay nói với nhau: “Một người dẫu có tiền cũng không thể sở hữu nó”. Hãng thời trang cao cấp của Pháp đã tăng giá các mặt hàng xa xỉ của mình 3 lần trong năm nay, vào tháng 2, tháng 7 và tháng 9, và đang chuẩn bị cho một đợt tăng nữa vào tháng 11.
Do giá thường xuyên tăng cao, một số người mua các sản phẩm Chanel để sau này đem bán chúng với giá cao hơn. Những “người bán lại” này sẵn sàng đợi hàng giờ trước khi các cửa hàng sang trọng mở cửa và mua nhiều túi xách và phụ kiện nhất có thể, rồi sau đó đưa lên mạng bán với giá cao hơn.
Theo báo cáo của Ủy ban Chiến lược và Tài chính Quốc hội Hàn quốc mà nghị sĩ Suh Byung-soo của đảng Quyền lực Nhân dân đưa ra, chỉ trong tháng 8 vừa qua, một lượng túi xách xa xỉ trị giá hơn 350 tỷ won (293,32 triệu USD) đã được nhập khẩu vào nước này.
Vào tháng 8/2019, con số này là 177,5 tỷ won và một năm sau đó, tức tháng 8/2020, tăng lên 240,3 tỷ won.
So sánh tổng lượng hàng hiệu nhập khẩu trước khi Covid-19 xuất hiện ở Hàn Quốc, mức tăng đạt gần 99%.
Các cửa hiệu ở địa phương đang tận dụng xu hướng này. Doanh thu từ các sản phẩm xa xỉ là nguồn thu lớn thứ ba của các cửa hiệu sau đồ gia dụng và đồ thể thao. Bất kể các nhãn hàng có tăng giá hay không, người mua vẫn tiếp tục xếp hàng dài trước các cửa hàng cao cấp từ lúc chưa mở cửa.
Nhân khẩu học của những người mua hàng xa xỉ cũng đã thay đổi ở Hàn Quốc, với các thế hệ thiên niên kỷ tham gia ngày càng đông vào phân khúc tiêu dùng vốn chủ yếu gồm những người trung niên. Người trẻ ở độ tuổi 20 ở Hàn Quốc lý giải, giá một ngôi nhà ở Seoul và các thành phố khác đã tăng quá tầm với của họ, nên việc tiết kiệm tiền để mua một căn nhà là vô nghĩa. Do đó, không ít người chuyển sang mua túi Chanel hay giày lười Gucci.
Lãi suất siêu thấp cũng làm giảm sức hấp dẫn tài chính của việc gửi tiền vào tài khoản tiết kiệm. Điều này góp phần thúc đẩy nhiều người trẻ tập trung vào hiện tại hơn là lên kế hoạch cho một tương lai không chắc chắn.
“Đợt bùng phát thứ tư của đại dịch, bắt đầu từ tháng 7, không ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động kinh doanh của các cửa hàng đồ hiệu. Nhu cầu về đồ gia dụng đã chững lại, nhưng nhu cầu hàng hóa xa xỉ và phụ kiện thời trang vẫn rất cao…”, chuyên gia phân tích Park Sang-jun thuộc Kiwoom Securities phản ánh.
Tuy nhiên, thị trường hàng hiệu nhái ở Hàn Quốc cũng tăng trưởng với tốc độ tương tự. Do hàng thật có giá quá cao nên nhiều người không đủ tiền mua và họ bèn thỏa mãn sở thích bằng cách mua hàng nhái.
Theo Cơ quan Hải quan Hàn Quốc, đã có 1.866 vụ bắt giữ túi hiệu giả nhập lậu vào Hàn Quốc trong vòng 4 năm qua, với tổng giá trị lên tới 467,9 tỷ won tính theo giá đồ thật.
Thanh Hảo
Cách thế giới chủ động sống chung với Covid-19
Dịch Covid-19 có thể tồn tại thêm vài năm nữa, nhưng có thể không còn ảnh hưởng đến cuộc sống của con người.