Tại nhiều ngã tư, biển báo hoặc tín hiệu đèn cho phép rẽ phải khi đèn đỏ xuất hiện như một giải pháp hiệu quả giúp giảm ùn tắc và tối ưu hóa dòng chảy giao thông.
Thế nhưng, trên thực tế, người điều khiển phương tiện, đặc biệt là ô tô lại thường xuyên rơi vào cảnh “được phép nhưng không thể đi”.
Ngoài lý do về ý thức tham gia giao thông của một số bộ phận người dân, khi ngang nhiên dừng đỗ trái phép ở làn đường dành cho xe rẽ phải, một lý do khác còn do hạ tầng giao thông chưa thực sự phù hợp khi đường quá hẹp và thiếu đi làn đường riêng cho xe rẽ phải.

Dưới đây là bài viết của độc giả Huy Dũng (Yên Hoà, Hà Nội) vừa gửi về VietNamNet, thể hiện góc nhìn về vấn đề này:
Đi trên nhiều tuyến đường của Hà Nội như trục Lê Văn Lương, Hoàng Đạo Thuý, Lương Thế Vinh, Hoàng Ngân hay các phố nhỏ dẫn ra Đại Cồ Việt, Giải Phóng, Quang Trung… tôi thường xuyên gặp tình huống “mắc kẹt” ở ngay lối rẽ mà không thể làm gì được.
Lý do rất đơn giản nhưng cũng rất khó chịu: dù có đèn cho phép rẽ phải, nhiều nút giao chỉ thiết kế một làn đường – khiến phương tiện muốn rẽ nhưng bị “cản mũi” bởi những xe đang chờ đi thẳng hoặc rẽ trái.
Đây không phải là hiện tượng cá biệt, mà là một bất cập mang tính hệ thống ở không ít tuyến phố.
Khi một chiếc ô tô phía trước dừng lại chờ đèn xanh để đi thẳng, là ngay lập tức những xe phía sau muốn rẽ phải buộc phải… đứng chờ theo.
Điều này khiến việc cho phép rẽ phải không còn nhiều ý nghĩa. Tài xế sẽ ở trong tình huống bất lực vì “được đi” nhưng “không thể đi”.
Trong khung giờ cao điểm, chỉ một chiếc xe chắn đầu cũng đủ khiến cả chục phương tiện muốn rẽ phải bị dồn ứ. Thậm chí, nhiều tài xế thiếu kiên nhẫn sẽ bấm còi, lấn làn, lách lên vỉa hè… gây ra cảnh hỗn loạn, mất an toàn, hơn nữa còn có thể bị CSGT phạt nặng.
Tình trạng này phản ánh sự thiếu đồng bộ trong quy hoạch và tổ chức giao thông đô thị. Việc lắp đặt đèn tín hiệu cho phép rẽ phải là một chủ trương đúng – giúp khai thác tối đa năng lực nút giao, giảm thời gian chờ đợi và giảm áp lực cho dòng xe đi thẳng.
Nhưng nếu đi kèm với nó không phải là hạ tầng phù hợp với ít nhất là một làn riêng cho xe rẽ phải thì hiệu quả gần như bằng không.
Nghiêm trọng hơn, nó còn có thể tạo ra xung đột giao thông khi người phía sau cố gắng lách lên để rẽ, dẫn đến va chạm hoặc lấn làn nguy hiểm.
Cũng cần nhấn mạnh rằng, không phải người dân nào cũng đủ kiên nhẫn hoặc ý thức để chờ đợi. Nhiều người đi xe máy sẽ tìm mọi cách len lỏi lên vỉa hè hoặc chen vào khoảng hẹp bên phải ô tô để “thoát thân”.
Điều này dẫn đến cảnh hỗn loạn, ảnh hưởng đến cả người đi bộ lẫn trật tự an toàn giao thông nói chung.
Giải pháp cho vấn đề này không quá khó về mặt kỹ thuật, nhưng đòi hỏi sự nghiêm túc trong tư duy quy hoạch. Ở nhiều nút giao, việc xén bớt vỉa hè và mở rộng làn đường hoặc thậm chí phân tách làn rẽ phải là hoàn toàn khả thi.
Còn ở những vị trí hạn chế về mặt mặt bằng, có thể cân nhắc điều chỉnh lại hệ thống đèn tín hiệu, thay vì “trao quyền” rẽ phải một cách nửa vời.
Giao thông Hà Nội vốn đã đủ phức tạp và áp lực. Những giải pháp nửa chừng như đèn rẽ phải mà không có làn dành riêng chẳng khác gì “vẽ đường cho… xe dừng”.
Muốn cải thiện tình trạng này, không thể chỉ trông vào người tham gia giao thông có ý thức, mà cần các cơ quan chức năng cần có tầm nhìn và giải pháp dứt khoát hơn.
Độc giả Huy Dũng (Yên Hoà, Hà Nội)
Bạn có góc nhìn nào về câu chuyện trên? Hãy gửi ý kiến dưới phần bình luận của bài viết. Mọi câu hỏi tư vấn về sử dụng, mua bán xe xin gửi tới Báo VietNamNet theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!
