TP HCMTình nguyện hỗ trợ bác sĩ ở bệnh viện dã chiến, Minh Thư nhiễm Covid -19, sau khi khỏi bệnh cô sinh viên năm thứ 3 vẫn chưa chịu về nhà.
12 giờ một ngày giữa tháng 10, Trần Thị Minh Thư, 21 tuổi, kết thúc ca trực ở Khoa lâm sàng 4, Bệnh viện dã chiến số 6. Ăn vội bữa trưa, cô bật laptop bắt đầu giờ học online những môn đầu tiên của năm 4 ngành Dược, Đại học Y dược TP HCM.
Dù đã bắt đầu năm học mới nhưng Thư vẫn muốn ở lại bệnh viện để hỗ trợ thêm cho các bác sĩ và bệnh nhân. Sau hơn 2 tháng, từ việc phụ trách kho thuốc ở phòng dược và hành chính, Thư đã trở thành người quản lý khoa cấp cứu trong việc làm hồ sơ, nhập thông tin cho bệnh nhân. Đặc biệt là làm thủ tục chuyển viện lên tuyến trên cho những bệnh nhân diễn biến nặng.
“Bệnh nhân ở khoa cấp cứu có thể chuyển nặng bất cứ lúc nào nên công việc của em là liên hệ bệnh viện tuyến trên, làm thủ tục chuyển viện ngay khi bác sĩ gọi. Có hôm em làm việc liên tục từ sáng đến hơn 10h tối”, Thư nói.
Minh Thư là một trong gần 1.000 sinh viên, học viên của trường Đại học Y Dược tình nguyện tham gia hỗ trợ chống dịch trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 ở TP HCM. Hơn 4 tháng qua, sinh viên trường đã phối hợp với đội ngũ y tế, chính quyền địa phương lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vắc xin, hỗ trợ tư vấn cho F0 và đặc biệt là tham gia làm việc trực tiếp tại các bệnh viện dã chiến.
Từ tháng 6, sau lời kêu gọi của trường, Thư đăng ký tham gia lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng ở quận Bình Tân, quận 1, sau đó là hỗ trợ tiêm vaccine ở quận 5. Đến đầu tháng 8, Thư nhận thấy đội lấy mẫu và đội tiêm đã có thêm nhiều bạn sinh viên tham gia, nên xin vào bệnh viện dã chiến để tiếp tục giúp sức.
Thời gian này, Minh Thư vẫn còn vài môn học chưa kết thúc. “Là sinh viên trường y, em không nghĩ mình sẽ đứng ngoài cuộc. Đặc biệt là trong thời gian dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp, lực lượng y tế tuyến đầu cần hỗ trợ”, Minh Thư nói.
Làm việc trong môi trường bệnh viện dã chiến, Minh Thư luôn chuẩn bị tinh thần rằng mình có thể nhiễm bệnh bất cứ lúc nào. Nhưng cô gái không ngờ, đúng vào hôm bệnh viện chuẩn bị tổ chức trung thu cho bệnh nhân là hôm Thư có kết quả dương tính.
Đêm 20/9, những tưởng sẽ được mặc bộ quần áo bình thường, xuống sân nghe ca sĩ hát sau gần 2 tháng chỉ quanh quẩn trong phòng làm việc. Thư lẳng lặng xếp quần áo đi đến phòng bệnh, cùng mọi người chiến đấu với Covid-19.
Sợ gia đình lo lắng, Thư chỉ dám nhắn tin cho người anh trai cũng đang là bác sĩ đang công tác tại một bệnh viện dã chiến biết chuyện. Lúc gọi về cho mẹ, cô vẫn một mực bảo mình khỏe. Còn mẹ Thư thì đoán già đoán non, nghi con mình đã mắc bệnh bởi những con ho bất chợt, giọng khàn đặc.
Biết được nỗi lo của mẹ dành cho mình, nên Thư xem bệnh nhân như người thân. Trong những ngày bắt đầu hồi phục, cô đã trở lại với công việc hỗ trợ bác sĩ làm thủ tục chuyển viện.
Có lần, một người phụ nữ một mực đòi Thư phải cho mình được chuyển lên tuyến trên cùng người bố đang trở nặng. Hiểu sự lo lắng của cô con gái, Thư đã gọi điện xin phép cấp trên cho chị được đi cùng nhưng bị từ chối, vì cô ấy sắp được xuất viện.
Thấy người phụ nữ lo lắng, bật khóc vì lo cho ba, Thư vẫn cố gắng thử xin lần nữa nhưng không thể. Sau đó, cô sinh viên hướng dẫn người con sau khi xuất viện thì liên hệ đến với bệnh viện bố cô đang điều trị để xin vào chăm sóc. Nghe Thư bày cách và phân giải, người con gái mới yên lòng.
Ngày nhận tờ giấy ra viện khi đã khỏi bệnh, Thư mới dám gửi cho mẹ xem. Trong điện thoại, mẹ Thư khuyên con gái về nhà nhưng Thư vẫn quyết định ở lại.
Từ đây, Mình Thư bắt đầu hỗ trợ các bác sĩ thêm nhiều việc hơn. Lúc trước, cô gái không được xuống phòng cấp cứu nhưng bây giờ cô được giao nhiệm vụ quản lý phòng này. Thư còn phụ bác sĩ mang thuốc lên lầu cho bệnh nhân.
“Mấy tháng qua em thấy mình trưởng thành hơn, học được nhiều kinh nghiệm lâm sàng không có trong sách vở và nhận ra mình có thể giúp được bệnh nhân nhiều thứ, miễn là mình cố gắng hết sức”, Minh Thư tâm sự.
Bác sĩ Hồ Ngọc Lợi, Phó bí thư Đoàn trường ĐH Y Dược TP HCM chia sẻ: “Minh Thư là một sinh viên giỏi giang, nhanh nhẹn và tâm lý trong bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19. Việc nhiễm bệnh trong quá trình làm việc không làm chùn bước người nhân viên y tế tương lai”.
Bắt đầu từ tháng 10, Sài Gòn không còn ghi nhận nhiều ca nhiễm mới. Số lượng bệnh nhân xuất viện ngày một nhiều nên một số bệnh viện dã chiến đã bắt đầu đóng cửa. Tuy nhiên, bệnh viện dã chiến số 6 nơi Thư đang hỗ trợ vẫn còn hoạt động. Vì thế, dù đã bắt đầu năm học mới, nhưng Thư vẫn chưa muốn trở về.
Thư lo lắng, nếu những tình nguyện viên như mình về hết, thì các y bác sĩ ở lại sẽ phải làm thêm một phần việc. Cô mong trong thời gian sắp tới sẽ không còn nhiều người nhập viện nên dù có về tập trung lo việc học, Thư cũng thấy yên tâm.
“Điều đầu tiên em muốn làm sau khi rời bệnh viện và hoàn thành cách ly là về quê thăm ba mẹ và ông bà. Ông bà rất vui khi biết em đang hỗ trợ chống dịch nhưng chưa biết em nhiễm bệnh. Em muốn nói với ông bà rằng: Con đã hoàn thành nhiệm vụ và vẫn khỏe mạnh trở về”, Thư xúc động nói.
Diệp Phan
Các bệnh viện đang lâm vào cảnh thiếu trang thiết bị y tế và phòng hộ khi ghi nhận hàng nghìn ca nhiễm mới mỗi ngày. Để hỗ trợ lực lượng tuyến đầu, các cá nhân và doanh nghiệp có thể đồng hành cùng chương trình “Tiếp sức cho tâm dịch”. Xem chi tiết tại đây.