Số lượng khách dự đám cưới được cho thể hiện quyền lực, địa vị của gia đình, nên cả nhà trai và nhà gái đều không muốn lép vế so với đối phương.
Kim (29 tuổi) là giáo viên dạy trường luyện thi sẽ kết hôn trong tháng 10. Nhưng trước ngày trọng đại, một vấn đề lớn nảy sinh: Ngay cả khi tất cả bạn bè của Kim tham dự đám cưới, cô sợ sẽ không có đủ phù dâu, khách nữ để khiến những bức ảnh cưới sinh động hơn, theo Chosun Ilbo.
Suy nghĩ khiến Kim trăn trở nhiều đêm và cuối cùng cô đã đăng một quảng cáo trên website cô dâu để tìm kiếm khách nữ.
Chỉ sau 2 ngày, hàng chục phụ nữ đã đăng ký bên dưới bài đăng. Hầu hết trong số này cũng sắp tổ chức hôn lễ và có chung nỗi lo giống Kim.
Cuối cùng, Kim chọn được 5 người trong số này. Cô dâu 29 tuổi nói: “Tôi định trả tiền thuê người lạ đóng giả làm bạn bè, nhưng sau khi gặp những phụ nữ sắp kết hôn, tôi có ý tưởng hay hơn. Chúng tôi có thể trao đổi thông tin, trò chuyện về những gì mình đang trải qua và giúp đỡ lẫn nhau”.
“Tôi sẽ nói với chồng sắp cưới và gia đình anh ấy rằng 5 người này là bạn tôi quen khi đi làm thêm ở trường đại học”, cô nói thêm.
Một cặp vợ chồng dự đám cưới tập thể ở Gyeonggi (Hàn Quốc) vào năm 2020. Ảnh: Reuters. |
Thuê phù dâu, khách dự đám cưới
Kim chắc chắn không phải là người duy nhất có ý định thuê người đóng giả khách mời trong đám cưới của chính mình.
Thực tế, xu hướng này đã phổ biến từ trước đại dịch ở Hàn và giờ đây đang quay lại khi cuộc sống “bình thường mới” bắt đầu.
Trên các trang web dành cho cô dâu, không khó để bắt gặp những bài đăng thuê khách mời, phù dâu, phù rể. Những quảng cáo này thường thu hút hàng chục câu trả lời ngay lập tức.
Ngay cả đơn vị chuyên tổ chức tiệc đám cưới cũng mở thêm dịch vụ cung cấp khách mời cho cô dâu, chú rể.
Dịch vụ cho thuê khách, phù dâu phổ biến ở Hàn Quốc. Ảnh minh họa: Brenda Babcock. |
Ngoài việc thuê khách mời, giống như trường hợp của Kim, các nhóm 5-6 cô dâu xa lạ thường kết nối với nhau qua mạng xã hội để tìm kiếm sự giúp đỡ qua lại.
Thay vì trả tiền công, họ thay phiên tham dự đám cưới của nhau và đóng vai những người bạn cũ.
Những người này thường gặp gỡ vài lần trước hôn lễ như cùng nhau đi thử váy cưới, chụp ảnh cưới để việc vào vai bạn thân trở nên suôn sẻ hơn.
Xu hướng này đang phát triển bởi nhiều phụ nữ không thoải mái khi thuê người lạ làm phù dâu, khách mời. Một người phụ nữ 30 tuổi tình nguyện tham dự đám cưới của một người phụ nữ khác nói: “Tôi không hoàn toàn lừa đối hay phải giả vờ quen biết cô dâu vì thực tế chúng tôi đã gặp nhau trước đám cưới và không sợ bị bại lộ”.
Tuy nhiên, không phải ai cũng tin tưởng những người bạn mới. Để tránh việc “khách mời” đột ngột vắng mặt, nhiều cô dâu, chú rể đã yêu cầu người được thuê đặt cọc 100.000-300.000 won. Số tiền này sẽ được trả lại sau buổi lễ.
Không muốn lép vế
Một trong những lý do chính khiến các cô dâu, chú rể phải chi tiền thuê khách mời là vì họ muốn mình trở nên nổi tiếng, nhiều bạn bè, có quan hệ rộng trong mắt người khác.
Tại Hàn Quốc, dịch vụ cho thuê khách dự đám cưới xuất hiện từ đầu những năm 2000. Có hàng trăm đơn vị tổ chức đám cưới và diễn đàn Internet cung cấp cho cô dâu và chú rể những “diễn viên quần chúng” tham dự hôn lễ.
Một số thậm chí còn cho thuê cả “cha mẹ giả” hoặc “họ hàng xa” nếu khách hàng yêu cầu.
Lee Mi-young, đại diện công ty tổ chức đám cưới Hagaek Friends từng nói với The Korea Times rằng lý do chính mà mọi người tìm kiếm khách giả là vì họ có quá ít bạn bè, thiếu các mối quan hệ cá nhân.
“Mọi người không muốn trông như thể họ không có mối quan hệ thân thiết với bạn bè. Ngoài ra, cô dâu/chú rể tìm kiếm khách giả để cân bằng số lượng khách của hai bên gia đình. Vì số lượng khách thể hiện quyền lực, địa vị của gia đình nên không ai muốn yếu thế so với người kia”.
Cô dâu Hàn Quốc trong một đám cưới tập thể vào đầu năm 2020. Ảnh: Reuters. |
Trong dịch, ngành dịch vụ này khá ảm đạm vì các cuộc tụ họp, đám cưới đông đúc bị cấm. Nhưng việc kinh doanh đang dần khởi sắc khi Hàn Quốc bước vào giai đoạn “bình thường mới”.
Giới hạn về số lượng khách dự đám cưới đã được nới lỏng kể từ giữa tháng 10. Theo quy định cũ, số khách tối đa dự đám cưới là 49 người hoặc 99 người nếu không tổ chức tiệc ăn uống. Hiện, một đám cưới ở Hàn được phép mời 250 khách.
Người điều hành một công ty tổ chức tiệc cưới ở Seoul cho biết: “Số cuộc gọi đề nghị tìm kiếm khách dự đám cưới chúng tôi nhận được đã tăng gấp 2 lần kể từ khi Chính phủ thông báo nới lỏng các quy định phòng dịch vào ngày 15/10”.
“Trước đây, mỗi đám cưới chỉ yêu cầu khoảng 5-9 khách giả, nhưng bây giờ mọi người tìm kiếm hơn 20 người”, người này nói thêm.
Các khách mời giả phải đảm bảo tiêm phòng đầy đủ vì đám cưới vẫn bị giới hạn dưới 50 người nếu khách chưa tiêm chủng.
“Hầu như không có yêu cầu bổ sung nào kể từ tháng 4 năm ngoái, nhưng chúng tôi đã bị quá tải bởi các cuộc gọi từ cuối tuần trước. Có vẻ như tình hình kinh doanh đã được khôi phục về mức trước đại dịch”, nhân viên của một đơn vị tổ chức sự kiện khác cho hay.
Theo Zing
Bố mẹ ly hôn, cậu bé 9 tuổi không ai nuôi, đêm ngủ trên nóc ô tô
Khi được hỏi, cậu bé 9 tuổi khóc và nói rằng, cậu đã sống lang thang ngoài đường nửa tháng nay.