Eva Braun, người kết hôn với Hitler trước khi cả hai cùng tự sát, được trùm phát xít mô tả là người “đến vào lúc tất cả rời bỏ tôi”.
Năm 1929, trùm phát xít Đức Adolf Hitler bước vào studio chụp ảnh của Heinrich Hoffman, nhiếp ảnh gia riêng của ông. Eva Braun, trợ lý của Hoffman, đã ra ngoài mua bia và bánh mì thịt kiểu Bavaria để mời khách. Khi trở lại, cô gái tóc vàng 17 tuổi chúc Hitler ăn ngon miệng và thu hút sự chú ý của Quốc trưởng tương lai.
Braun sinh ra trong một gia đình Công giáo truyền thống, là con thứ hai trong ba chị em gái, lớn lên ở thành phố Munich. “Eva có mái tóc vàng nhạt cắt ngắn và đôi mắt xanh. Dù theo học tại một tu viện Công giáo, cô ấy vẫn biết cách thu hút người khác”, Henriette, con gái của Hoffman, kể lại. Nhiều người cho rằng Braun là “cô gái xinh đẹp nhất Munich”.
Braun không biết người đàn ông “có bộ ria mép ngộ nghĩnh” là ai khi gặp Hitler lần đầu. Hồi tưởng lại thời điểm đó, Heinrich Hoffman cho rằng vẻ ưa nhìn của Braun, cùng bề ngoài “có vẻ ngốc nghếch” của cô, là kiểu “thư giãn” mà Hitler tìm kiếm. “Giọng nói, ánh mắt và cử chỉ của Hitler đều chưa bao giờ thể hiện bất kỳ sự quan tâm nào sâu sắc hơn dành cho cô ấy”, Hoffman cho hay.
Kể từ khi lên nắm quyền, Hitler luôn được phụ nữ vây quanh và Braun chỉ là một trong nhiều người mà ông ta hẹn hò. “Một người đàn ông thông minh luôn luôn nên chọn người phụ nữ đơn giản và ngu ngốc”, trùm phát xít từng nói.
Tuy nhiên, Braun muốn nhiều hơn thế. Theo nhà sử học Alan Bullock, Braun rốt cuộc trở thành người định hướng mối quan hệ với Hitler. “Cô ấy nói với bạn bè rằng Hitler đem lòng yêu mình, và cô sẽ khiến ông ta kết hôn với cô”, Bullock cho biết.
Năm 1935, Braun đau đớn khi hay tin Hitler có tình nhân mới, nhưng cô biết mình không thể trông chờ vào sự chung thủy từ ông. “Tôi sẽ không bao giờ ngăn cản nếu anh ấy tìm được mối quan hệ lãng mạn khác. Cớ gì anh ấy phải lo lắng về tôi?”, Braun viết trong nhật ký.
Tuy nhiên, Braun dường như vẫn thất vọng do cảm thấy bị Hitler phớt lờ. Cô phàn nàn khi Hitler không tặng quà sinh nhật tuổi 23 cho mình. “Vì thế, tôi tự mua cho mình vài món trang sức. Một chiếc vòng cổ, bông tai và nhẫn. Tôi hy vọng anh ấy thích. Nếu không, anh ấy có thể sẽ mua thứ gì đó cho tôi”, Braun viết.
Hitler vô cùng kín tiếng về các mối quan hệ lãng mạn của mình. Ông ta được cho là đã hủy mọi bức thư từ Braun và tất cả những người tình khác vì lo sợ ảnh hưởng tới hình ảnh quốc trưởng “như thần như thánh” của mình, nhà sử học Đức Heike Gortemaker giải thích.
Do đó, suốt những năm 1930, Hitler luôn duy trì khoảng cách với Braun. Trong một chuyến thăm vào tháng 2/1935, Hitler đột nhiên gợi ý mua nhà cho cô. “Tôi không dám nghĩ đến chuyện đó. Thật tuyệt vời. Xin Chúa hãy biến điều đó thành hiện thực”, Braun viết trong nhật ký.
Nhưng chỉ vài tuần sau, Braun lại trở nên chán nản. “Tôi ước mình chưa từng gặp anh ấy. Thật tuyệt vọng. Bây giờ tôi sẽ mua thêm thuốc ngủ. Ít nhất chúng sẽ khiến tôi mụ mị và không nghĩ quá nhiều đến anh ấy nữa. Khi nói yêu tôi, anh ấy cũng tỏ ra nghiêm túc như những lời hứa mà anh ấy chưa bao giờ thực hiện. Tại sao anh ấy lại hành hạ tôi nhiều như vậy, thay vì chấm dứt tất cả”, cô tự hỏi.
Ngày 28/5/1935, trong lúc chờ Hitler hồi âm bức thư mới nhất, Braun quyết định sẽ uống hàng chục viên thuốc ngủ để tự sát nếu không nhận được thư trước 22h.
Đây không phải lần đầu tiên Braun có ý định tự sát kể từ khi quen Hitler. Tuy nhiên, trùm phát xít lúc đó đang rơi vào cuộc chiến chính trị có thể khiến ông ta mất chức thủ tướng. Vài năm trước đó, có thông tin rằng một người tình của Hitler đã tự sát bằng súng trong căn hộ của ông ta. Nếu vướng thêm bê bối, sự nghiệp chính trị của Hitler có nguy cơ chấm dứt.
Sau nỗ lực tự sát bất thành, Hitler và Braun ngày càng gần gũi. Cô chuyển đến sống trong phòng khách tại một căn nhà của Hitler, sau đó tới dinh thự Berghof trên dãy Alps ở bang Bavaria khi Thế chiến II diễn ra.
Dù là người tình của Hitler hơn 10 năm, Braun chưa từng gia nhập đảng Quốc xã. Tuy nhiên, cô vẫn ủng hộ các chính sách của Hitler và dần trở thành một trong những người quan trọng nhất trong vòng tròn thân cận của trùm phát xít. Cuối những năm 1930 và trong thập niên 1940, các lãnh đạo Đức Quốc xã như Albert Speer và Joseph Goebbels đã tìm đến Braun nhằm vun đắp quan hệ với Hitler.
Trong giai đoạn sống tại dinh thự Berghof, giữa lúc Hitler tập trung vào các cuộc chiến, Braun dành thời gian để đi bơi, trượt tuyết, đọc tiểu thuyết và chăm chút bản thân. Theo lời kể, đôi khi cô thay đồ 7 lần một ngày.
Tuy nhiên, Braun cũng đóng vai trò trung tâm trong những nỗ lực tuyên truyền của Đức Quốc xã. Cô quay phim về cuộc sống của Hitler tại Berghof, dựng lên hình ảnh một lãnh đạo chu đáo, yêu trẻ em, đồng thời chụp nhiều ảnh của trùm phát xít để bán cho Heinrich Hoffman và trở nên giàu có.
Bất chấp những nỗ lực của Braun, Hitler vẫn từ chối cưới cô và giữ bí mật quan hệ giữa hai người với công chúng. Speer, một trong các lãnh đạo của Đức Quốc xã, mô tả Braun là “người phụ nữ bất hạnh gắn bó vô cùng sâu sắc với Hitler”.
Tuy nhiên, Hitler và Braun cuối cùng cũng kết hôn vào ngày 29/4/1945, khi quân Liên Xô tiến vào Berlin. Đám cưới diễn ra trong một boongke dưới lòng đất, với sự góp mặt của một số người trung thành với Đức quốc xã. Hitler sau đó dành thời gian dùng bữa sáng sau đám cưới để viết di chúc.
Thế chiến II kết thúc với thất bại thuộc về phe phát xít. Để tránh bẽ mặt nếu bị bắt, Hitler quyết định tự sát. Braun đồng ý chết cùng ông ta. Trong khi Hitler dùng súng, Braun chọn thuốc độc.
Tối 30/4/1945, cặp vợ chồng mới cưới dùng bữa với mì spaghetti sốt cà chua, nhưng Braun hầu như không ăn. Cô đi thay “chiếc váy yêu thích của Quốc trưởng”, bộ đồ màu đen với hoa hồng ở cổ áo, sau đó hai người tự khóa mình trong phòng riêng.
Một tiếng súng vang lên. Rochus Misch, vệ sĩ của Hitler, mở cửa và nhìn thấy trùm phát xít đã chết. “Rồi tôi thấy Eva nằm cạnh ông ấy trên sofa”, Misch hồi tưởng.
Theo các nhà sử học, Braun tôn thờ Hitler và dường như không quan tâm đến cách hành động của ông ta. Ẩn mình tại dinh thự Berghof, Braun đóng vai trò như vợ của Hitler, không mảy may nghĩ tới cuộc diệt chủng thảm khốc của trùm phát xít.
“Tình yêu và lòng trung thành mù quáng mà Braun dành cho Hitler là tuyệt đối, được duy trì đến phút cuối cùng”, Speer đánh giá.
Ánh Ngọc (Theo ATI)