Tập đoàn Rostec cho biết có thể phát triển phiên bản không người lái của tiêm kích Checkmate (Chiếu tướng) theo yêu cầu của Bộ Quốc phòng Nga.
Sergey Chemezov, giám đốc tập đoàn quốc phòng Nga Rostec, hôm qua xác nhận Bộ Quốc phòng Nga đã ra yêu cầu cho hãng này nghiên cứu hoán cải tiêm kích Checkmate (Chiếu tướng) thành máy bay không người lái (UAV).
“Tiêm kích không người lái đang rất được quan tâm. Bộ Quốc phòng Nga có thể chọn phiên bản UAV của dòng tiêm kích Checkmate”, Chemezov nói với các phóng viên tại triển lãm hàng không Dubai.
Chemezov cho biết Bộ Quốc phòng Nga đang thảo luận khả năng ký hợp đồng mua tiêm kích Checkmate có người lái của Rostec. Video do Rostec trình chiếu tại triển lãm Dubai cho thấy phiên bản có người lái và không người lái của Checkmate phối hợp tác chiến.
Video quảng cáo tính năng của dòng Checkmate được công bố tại triển lãm hàng không Dubai. Video: Rostec.
Giám đốc Tập đoàn Máy bay Thống nhất Nga Yuri Slyusar trước đó thông báo nhà máy ở thành phố Komsomolsk-on-Amur thuộc vùng Viễn Đông đang chế tạo các nguyên mẫu của Checkmate. “Dòng máy bay này dự kiến được cung cấp cho khách hàng từ năm 2026, nhưng chúng tôi đang tìm cách đẩy nhanh tiến độ để bắt đầu từ năm 2025”, ông nói.
Tiêm kích tàng hình Checkmate được ra mắt trong khuôn khổ triển lãm hàng không MAKS 2021 hồi tháng 7. Phó thủ tướng Nga Yuri Borisov lúc đó cho biết mẫu chiến đấu cơ này hướng tới những khách hàng tiềm năng như Ấn Độ, Việt Nam và các nước châu Phi, với nhu cầu ước tính ít nhất 300 chiếc trong những năm tới.
Tài liệu của Rostec cho thấy Checkmate được trang bị “trí tuệ nhân tạo (AI) để hỗ trợ nhiệm vụ cho phi công”, nhưng không tiết lộ ứng dụng cụ thể của nó. Đã có một số đề xuất về khả năng vận hành Checkmate theo phương án kết hợp giữa tiêm kích có người lái và phi cơ không người lái (UAV) như mô hình Su-57 và Okhotnik.
Phó thủ tướng Nga cho hay thành công của dòng chiến đấu cơ này sẽ phụ thuộc vào tốc độ phát triển và chào bán ra thị trường quốc tế. Mức giá của tiêm kích Checkmate vào khoảng 30 triệu USD, nhưng dường như đây là chi phí cho riêng máy bay, chưa tính tới vũ khí và những dịch vụ hậu mãi đi kèm.
Tập đoàn Rostec cho biết Checkmate có khả năng thu hút nhiều khách hàng nhờ chi phí vận hành rẻ, cũng như hỗ trợ hậu mãi và bảo đảm chuỗi cung ứng trong điều kiện cơ sở hạ tầng thiếu thốn ở nhiều nước. Đây là điểm khác biệt với những dòng tiêm kích tàng hình hiện nay, vốn đòi hỏi quy trình bảo dưỡng và cơ sở hạ tầng kỹ thuật phức tạp.
Vũ Anh (Theo TASS)