TP HCMKể từ khi con trai Danh Đạt mắc ung thư vòm hầu, cuộc sống của chị Nguyễn Thị Thanh Hậu, 42 tuổi, chỉ quanh quẩn trong phòng bệnh.
Chị Thanh Hậu quê huyện Châu Thành, Kiên Giang kể từng có cuộc sống bình lặng, hạnh phúc dù thu nhập từ nghề làm thuê của chị và đặt lợp đánh cá của chồng “không được bao nhiêu”. Nhưng từ cuối năm 2021, giữa đợt Covid-19 căng thẳng, cậu con trai 13 tuổi phát hiện vài u hạch ở cổ, sưng tấy và đau nhức. Thuốc thang ở quê không hết, hàng xóm khuyên chị nên đưa con đến TP HCM khám bệnh.
Lúc đó dịch vụ vận tải chưa hoạt động lại, người mẹ bán đôi bông tai duy nhất để thuê ôtô đưa con đến Bệnh viện Nhi đồng 2 TP HCM.
Đạt trải qua cuộc phẫu thuật đầu tiên ở bệnh viện. Một buổi chiều cận Tết Nguyên đán 2022, chị Hậu gục xuống trước cửa phòng xét nghiệm bởi kết quả sinh thiết là ung thư vòm hầu.
Khi đó, Đạt chưa biết ung thư là bệnh gì. Cậu bé cảm thấy vui khi được cùng mẹ lên Sài Gòn, được chơi cầu trượt ở khuôn viên bệnh viện và ăn cơm tấm. Mẹ con họ hòa lẫn vào dòng người về quê nhưng chị Hậu thẫn thờ như người mất hồn.
“Con càng hồn nhiên, tôi càng đau lòng”, chị Hậu nói. “Đó là cái Tết nặng nề nhất đời”.
Về đến nhà, chị bàn với chồng chuyện chữa bệnh cho con. Cha ruột Đạt (chồng trước của chị Hậu) cũng mắc ung thư, cuộc sống khó khăn nên không thể giúp đỡ. Họ nhờ họ hàng hai bên, vay mượn thêm bạn bè và bán mảnh vườn sau nhà.
Mùng 9 Tết năm đó, Đạt nhập viện và bắt đầu đợt hóa trị đầu tiên. Tóc rụng, tay teo tóp, chân khẳng khiu, cân nặng chỉ còn 28 kg. Có lần, cậu bé ngất xỉu trong nhà vệ sinh, sau phải chuyển sang dùng xe lăn.
Đạt kể em bắt đầu cảm nhận được sự nguy hiểm của căn bệnh khi những người bạn cùng phòng ra đi và không trở về nữa. Cậu không hỏi mẹ, tự tìm hiểu về bệnh tình. Chị Hậu quan sát con từ đứa trẻ hiếu động, nói nhiều chuyển sang trầm lặng, thi thoảng rấm rứt khóc.
Ba tuần một lần, Đạt phải có mặt ở bệnh viện để vào thuốc. Chị Hậu ở nhờ mái ấm ở quận Bình Thạnh, TP HCM để có chỗ nghỉ ngơi và nấu cơm cho con. Vào đợt xạ trị, họ ở hẳn trong bệnh viện. Ở quê, gia đình phải nốt bán công đất cuối cùng sau nhà gửi lên viện cho hai mẹ con.
Chị Hậu nhớ Tết 2023, Đạt ngồi cạnh khung cửa sổ bệnh viện, ước mình không bị bệnh để có thể lội ao đặt lợp, phụ mẹ phơi mứt. Chị đau đớn nhưng không khóc trước mặt con. “Thằng bé chỉ có mình tôi, nếu tôi ngã quỵ nữa nó biết dựa vào ai”, chị Hậu nói. Cũng vì lý do này, chị không cho phép mình mệt mỏi hay đổ bệnh dù túc trực 24/24 bên giường bệnh.
Ba tháng trước, bệnh viện mở lớp học dành cho trẻ ung thư điều trị nội trú. Đạt thích nhưng đôi chân em đã mất khả năng đi lại, không thể tham gia. Cậu bé ngồi trên giường bệnh và nghịch điện thoại của mẹ.
Chị Hậu nhìn hình ảnh ấy, nói “thương con đứt ruột” nên không bao giờ bỏ cuộc dù gia đình đã hết tài sản để bán.
Sau những cái Tết trong bệnh viện, cậu bé không còn đòi quần áo mới hoặc món bánh tét yêu thích nữa. Đạt chỉ mong được hết bệnh và trở về nhà. Cậu được trèo cây hái trái, tát ao và đá bóng như thời còn khỏe mạnh.
Buổi trưa ngày cận Tết Giáp Thìn, chị Hậu nấu xong món cá kho và rau muống luộc ở mái ấm, cho vào hộp mang lên bệnh viện. Chị nói ngỡ ngàng khi nhận ra dòng người quanh mình đang ngược xuôi sắm Tết. Nhưng người mẹ gạt đi tất cả những bồi hồi. Chị chỉ biết ở bệnh viện có con trai đang chờ.
“Cuộc sống của tôi ngày nào cũng như nhau”, Hậu nói. “Những ngày còn thấy con là còn bình an, hạnh phúc”.
Với mục tiêu thắp lên niềm tin cho bệnh nhi ung thư, Quỹ Hy vọng kết hợp với chương trình Ông Mặt trời triển khai chương trình Mặt trời Hy vọng. Thêm một sự chung tay của cộng đồng là thêm một tia sáng gửi tới thế hệ tương lai của đất nước.
Độc giả có thể xem thông tin về chương trình tại đây.
Ngọc Ngân