Ngoài điểm số và bài luận, để trúng tuyển những đại học hàng đầu, học sinh còn cần nền tảng học tập tốt, kỹ năng mềm và trải nghiệm phong phú.
TS Đại học Stanford Nguyễn Chí Hiếu chia sẻ quan điểm trên tại hội thảo về du học do trường Phổ thông Liên cấp Olympia tổ chức cuối tuần trước.
Ông cho rằng những kỹ năng nền tảng gồm nghiên cứu tài liệu, đọc chuyên sâu, viết luận, tư duy phản biện, giúp học sinh phát triển năng lực học thuật.
Kỹ năng mềm gồm khả năng làm việc nhóm, thuyết trình, quản lý dự án, giải quyết vấn đề thực tế…
Cuối cùng là trải nghiệm thực tế của ứng viên. TS Hiếu cho biết sau gần 20 năm tư vấn cho các gia đình, ông nhận thấy việc tạo điều kiện cho học sinh trải nghiệm đa dạng hoạt động, lĩnh vực từ đầu cấp THCS rất quan trọng.
Trải nghiệm nhiều giúp các em tìm được lĩnh vực yêu thích, muốn gắn bó trong 4 năm đại học. Các em cũng phát triển được kỹ năng mềm, có cái nhìn thực tế để xây dựng quan điểm cá nhân về các vấn đề trong cuộc sống. Những điều này sẽ trở thành điểm mạnh trong hồ sơ, tăng cơ hội vào đại học top đầu ở nước ngoài.
Ông Hiếu dẫn chứng bằng hồ sơ của một học sinh hệ cận chuyên ở TP HCM cách đây hai năm. Em này có IELTS 7.0, không có điểm SAT hay giải học sinh giỏi, thành tích cao nhất là một giải võ thuật cấp quận.
Tuy nhiên, em có trải nghiệm sống rất đặc biệt. Trong bài luận, học sinh này kể về việc mình lớn lên ở xứ đạo, suốt 10 năm làm việc thắp nến trong nhà thờ khi Cha xứ làm lễ. Những lúc đó, em suy nghĩ về những lời Cha đọc, liên hệ tới các vấn đề trong cuộc sống đời thường, từ học hành tới tôn giáo, bản dạng giới…
“Đây là bài luận hay nhất tôi được đọc trong gần 20 năm hỗ trợ học sinh làm hồ sơ. Tôi chỉ giúp em sửa một vài lỗi ngữ pháp”, ông Hiếu kể. “Trải nghiệm độc đáo kèm chất riêng đã giúp em nộp đâu trúng đó, gồm những trường trong top 20 của Mỹ”.
Nguyễn Đức Minh Sơn, học sinh trường Olympia, trúng tuyển hàng loạt đại học top đầu Mỹ, theo US News, trong đó có Florida (top 28), Purdue (43)… Nam sinh cho biết trước khi xác định học về Khoa học máy tính và Trí tuệ nhân tạo, em từng trải nghiệm rất nhiều thứ, từ văn học, âm nhạc tới mỹ thuật.
“Em thấy mình thích rất nhiều, nhưng để chọn một thứ để học sâu, em nghĩ phải thích cả quá trình tạo ra thứ đó”, Sơn nói. “Cuối cùng, em nhận ra mình say mê với trí tuệ nhân tạo”.
Hồ sơ có nhiều trải nghiệm cũng là điều mà Nguyễn Tú Nhi, bạn của Sơn, tâm đắc. Nữ sinh trúng tuyển ngành Kinh doanh và Thương mại ở nhiều đại học Australia và Singapore. Nhưng hồ sơ của em không chỉ có trải nghiệm xoay quanh lĩnh vực này. Nhi cho biết từng tham gia hoạt động ngoại khóa, thực tập ở các ngành liên quan Vật lý, Hóa học.
“Em tự tin nói rằng hồ sơ của mình có nhiều thứ, cho thấy bản thân có khả năng thích nghi, làm cả những việc mình không giỏi”, Nhi nói.
Do đó TS Nguyễn Chí Hiếu nhìn nhận GPA (điểm học trên trường), một số hoạt động ngoại khóa, thư giới thiệu, bài luận chính chỉ là những điều kiện cơ bản. Các trải nghiệm và kỹ năng sẽ là những thứ giúp học sinh trở nên khác biệt, bản lĩnh hơn, giúp hồ sơ có sức nặng với hội đồng tuyển sinh.
“Xuất sắc không phải lúc nào cũng là về thành tích ở trường lớp, học hành, mà là sự bản lĩnh, thể hiện ở việc các em có những kỹ năng gì, thích ứng và vượt qua khó khăn ra sao để tìm cho mình sự khác biệt”, ông nói.
Thanh Hằng