Hà TĩnhKhi nước lũ dâng, ông Nguyễn Tiến, 54 tuổi, trú xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Xuyên, cùng hàng chục người ra đồng thả lưới bắt cá.
Hai hôm nay, mang áo mưa, đội mũ cối, ông Tiến lội dọc bờ ruộng và các ngả đường liên thôn, liên xã bị ngập 30-50 cm ở thôn Đồng Bàu, xã Cẩm Thành tìm vị trí thuận lời để thả lưới bắt cá rô đồng, rô phi, cá lóc, cá diếc… Lưới cao hơn một m, dài 100 m, được kết ba lớp từ nhiều dây cước nhỏ, mắt lưới 1,5-3 cm.
“Mưa lớn khiến nhiều loài cá bơi theo dòng nước từ các sông hồ, kênh thủy lợi về những điểm ngập bị lụt địa bàn. Cá đồng mùa này nhiều trứng, được xem là đặc sản, nấu lên mùi thơm, thịt rất mềm, vị béo ngậy”, ông Tiến nói.
Để cá “dính bẫy”, người dân thường chọn vùng đầu nguồn nước lũ để thả lưới xuống theo đường thẳng dài típ tắp, hoặc đôi lúc uốn theo hình vòng cung giữa cánh đồng. Lưới khi thả phải để chùng, nếu căng cá sẽ ít mắc.
Sau hai tiếng, “thợ săn” sẽ đi kiểm tra một lần, nâng lưới lên xem cá bị mắc hay chưa. Cá mắc lưới lâu quá sẽ chết, dẫn đến bị ươn, ăn không ngon.
“Cá đồng thường xuất hiện nhiều vào ban đêm. Nếu thả lưới từ đầu giờ tối đến sáng hôm sau dễ trúng đậm hơn buổi ban ngày. Tuy nhiên, khi thả cần đánh dấu vị trí cho dễ tìm”, ông Tiến cho hay.
Thả lưới bắt cá đồng là nghề làm thêm của người dân xã Cẩm Thành mỗi dịp mưa lũ về. Công việc này đa số đàn ông trung niên tham gia, chỉ làm trong khoảng 2-4 ngày khi nước dâng ở mức xấp xỉ 50 cm. Khi lũ rút, cá sẽ theo dòng nước bơi ra các kênh, mương thủy lợi, sông hồ để sinh trưởng.
Từ 16/10 đến nay, mỗi ngày ông Tiến bắt được khoảng 5 kg với nhiều loại cá như rô đồng, rô phi, cá lóc, cá diếc, cá chép… mỗi con nặng 1-3 lạng. Nhiều khi may mắn có người bắt được những con cá chép nặng 1-2 kg. Lúc gỡ cá mắc lưới cần nắm chặt thân không co giãy giụa, sau đó từ từ tháo các mắt lưới mắc ở vảy và mang cá ra. Nếu vội vàng gỡ mạnh, lưới dễ bị rách, dẫn đến đứt tay.
Cá đồng gỡ từ lưới lên được đem bỏ vào vợt hoặc xô nhựa. Khi lên khỏi bờ ruộng có thể bán ngay nếu gặp khách, giá 20.000-60.000 đồng một kg tùy loại. Một số người khác đốt rơm rạ nướng sơ qua, sau đó đưa ra chợ ở xã Cẩm Thành bán với giá cao hơn 5.000-10.000 đồng so với cá chưa sơ chế.
“Tranh thủ làm, trong một đợt lũ lụt mỗi ngày cũng kiếm được thêm khoảng 200.000 đồng, có thêm kinh phí để trang trải một số khoản”, ông Tiến nói.
Theo ông Trần Văn Công, 49 tuổi, trú xã Cẩm Thành, ngoài những lúc lũ lụt người hàng tháng thường đi thả lưới tại một số ao hồ trên địa bàn. Lưới để bắt cá đồng được gọi là lưới bén, giá khoảng 300.000 đồng một cuộn, có thể dùng trong một năm rồi thay mới, giữ gìn cẩn thận có thể dùng hai năm.
Vào mùa lũ, việc đi bắt cá đồng cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, khi nhiều lúc gặp sóng lớn đánh lật thuyền, hoặc sơ ý sảy chân vào vũng nước sâu. Nhà chức trách khuyến cáo người dân nên thả lưới ở những vùng cạn và gần khu dân cư, hạn chế chèo thuyền ra những khu vực sâu hơn 1,5 m để tránh xảy ra sự cố.
Tại các chợ quê Hà Tĩnh, cá đồng được người dân mua về làm sạch, chế biến nhiều món. Cá rô có thể chiên giòn chấm nước mắm, xì dầu; cá lóc, cá diếc đem kho nghệ, kho khế; rô phi sơ chế sạch vảy rồi xay làm chả viên…
Rạng sáng 16 đến trưa 17/10, mưa lớn khiến nhiều xã ở huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh ngập lụt, chia cắt cục bộ; người dân phải dùng thuyền đi lại.
Đài Khí tượng Thủy văn Hà Tĩnh dự báo, tổng lượng mưa trong ngày 17-18/10 khu vực phía Bắc của tỉnh phổ biến 100-200 mm, phía Nam 150-250 mm. Riêng huyện Kỳ Anh khả năng trên 250 mm. Nhà chức trách cảnh báo nguy cơ rất cao xảy ra lũ, lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và ngập úng ở các vùng trũng thấp, ven sông và khu vực đô thị.