Những ngày đầu sang Dresden, Tâm rơi vào cảm giác lạc lõng tột cùng trước cảnh ‘bắt chuyện với người ta bằng tiếng Anh, được đáp lại bằng tiếng Đức’.
Đầu tháng 9, Nguyễn Thị Thanh Tâm, 26 tuổi, người Mường, tới Dresden (Đức) học chương trình thạc sĩ về Lâm nghiệp nhiệt đới tại Technische Universität Dresden, sau khi giành được một học bổng toàn phần.
Sau hai chặng bay kéo dài 24 tiếng, Tâm “đáp xuống” căn phòng ký túc xá 11m2, khác hẳn không gian khu bảo tồn thiên nhiên Hang Kia – Pà Cò ở Mai Châu, Hòa Bình – nơi Tâm từng làm việc. Suốt 5 ngày liền, Tâm thu mình trong phòng, nhìn ra bên ngoài qua ô cửa hình vuông, không chuyện trò, không bầu bạn, chỉ có một chiếc điện thoại chưa nối mạng. 5 ngày này Tâm phải tự cách ly do chưa tiêm mũi vaccine Covid-19 nào.
“Những ngày đầu ở xứ người thực sự tồi tệ”, Tâm nói. Nhưng đó là khi cô chưa biết điều tiếp theo đang chờ đợi mình – cảm giác lạc lõng do bất đồng ngôn ngữ.
Hết thời gian cách ly với thông báo xét nghiệm âm tính, Tâm bắt đầu làm các thủ tục dành cho sinh viên quốc tế, từ đăng ký cư trú, mua sim điện thoại hay mở tài khoản ngân hàng.
Tại Dresden, hầu hết người dân sử dụng tiếng Đức và không thích nói tiếng Anh. Dù hiểu hết những gì Tâm nói, các nhân viên đón tiếp thường đáp lại bằng tiếng Đức. Ở một số thủ tục, Tâm nhờ được một du học sinh Việt Nam khóa trên giúp đỡ. Nhưng khi một mình đi mở tài khoản, Tâm phải đến ngân hàng tới lần thứ ba mới gặp được người trực quầy nói tiếng Anh. Gửi một gói bưu kiện nhỏ, cô cũng phải đi lại 2 -3 vòng mới được tiếp nhận, vì phải lên mạng mày mò cách thức điền thông tin, do không có ai hướng dẫn.
Niềm vui duy nhất mỗi ngày của cô là tới siêu thị “Go Asia” mua đồ rồi đi về. Suốt quãng đường chừng 500 m, Tâm cũng không thể giao tiếp vì không ai nói tiếng Anh. Có lần, thấy hiệu sách lớn trên đường đi, Tâm tạt vào tìm một cuốn truyện bằng tiếng Anh để đọc cho đỡ chán nhưng tìm mòn mắt cũng chỉ thấy toàn sách tiếng Đức. Đứng giữa hiệu sách với hàng nghìn cuốn, Tâm chỉ biết cười, rồi quay đầu đi ra và lại lặng lẽ về nhà như mọi hôm.
Hơn một tuần nay, trường đại học của Tâm tổ chức chào đón sinh viên với rất nhiều hoạt động như đi hái nấm, đi bộ, chơi bowling, thậm chí đi bar cùng nhau. Đã tiêm một mũi vaccine, Tâm yên tâm hơn khi ra ngoài gặp gỡ mọi người. Cô cũng đã có thể giao tiếp với những bạn học cùng chương trình bằng tiếng Anh. Thế nhưng, Tâm dự đoán, cảm giác lạc lõng sẽ vẫn đeo bám mình, ít nhất là cho đến khi cô chính thức đi học ở trường vào tuần tới.
Trần Phan, 24 tuổi, du học sinh tại Tây Ban Nha theo học bổng thạc sĩ Erasmus Mundus, cũng trải qua những ngày đánh vật do bất đồng ngôn ngữ. Rời Việt Nam rạng sáng 1/10 và đặt chân tới Tây Ban Nha một ngày sau đó trong sự mệt mỏi, Phan thậm chí muốn chửi thề khi gặp đủ chuyện khó khăn, ngay từ khi ở sân bay về nhà trọ (hostel).
Tại Tây Ban Nha, rất ít người nói tiếng Anh; hệ thống ga tàu, bến bãi lại rộng nên anh loay hoay khá lâu mới lên được đúng tàu. Đến khi về nhà trọ, Phan mệt lả. Sau nửa ngày nghỉ ngơi, anh tìm mua sim điện thoại để truy cập Internet, coi đây là “nhiệm vụ” đầu tiên để liên lạc với gia đình và trường học.
Theo quy định, Tây Ban Nha chỉ cấp visa có thời hạn 90 ngày cho du học sinh. Trong thời gian đó, sinh viên phải hoàn thành các thủ tục cư trú, từ đó mới có thể đăng ký thẻ ngân hàng và các dịch vụ khác. Tuy nhiên, việc gặp cảnh sát để làm thẻ cư trú không dễ dàng.
Ngoài giao tiếp khó khăn, Phan được biết những công ty trung gian đã mua hết suất đặt hẹn nên các khung giờ có thể gặp cảnh sát gần như lúc nào cũng đầy. Do đó, du học sinh cần mua lại “slot” từ các công ty này với giá 60-150 euro. “Nếu không hoàn thành thẻ trong 90 ngày, du học sinh bị coi là cư trú bất hợp pháp. Nên dù việc này khá vô lý, đa số vẫn chấp nhận mua lại lịch hẹn để hoàn thành thủ tục”, Phan kể.
Hiện tại, Phan vẫn cố gắng đăng ký lịch hẹn theo cách “chính thống” nhưng cả anh và gần 20 du học sinh cùng chương trình đều chưa đặt được. Anh thừa nhận việc không có thẻ cư trú gây ra nhiều bất an. Nó cũng khiến anh không thể nào hoàn thành các đăng ký tiện ích.
Vướng mắc khi làm thẻ cư trú khiến Phan muốn “điên đầu” nhưng cũng chưa là gì so với việc đi tìm chỗ ở. Hầu hết người dân dùng tiếng Tây Ban Nha và Catalan, chỉ một số ít nói tiếng Anh. Mỗi lần gọi điện đến công ty hoặc chủ nhà theo địa chỉ trên mạng, câu đầu tiên Phan hỏi là “Can you speak English?” (Anh, chị có nói được tiếng Anh không?). Thông thường, câu trả lời là “không” khiến anh đành cảm ơn rồi cúp máy. Chỉ cần đầu dây bên kia nói “a little” (một chút) hoặc gọi người khác nghe điện thoại, Phan sẽ ngập tràn hy vọng.
Trong một lần đến tận nơi xem phòng, ông chủ chỉ nói được tiếng Tây Ban Nha, anh phải mở sẵn Google Translate để hai bên có thể giao tiếp với nhau. Chưa kể hôm đó, đi cùng Phan còn có hai người bạn cùng lớp mang quốc tịch khác. Cuộc hội thoại diễn ra với 4-5 ngôn ngữ một lúc, dẫn đến chỗ không được việc gì vì khó hiểu hết ý nhau.
Bây giờ, Phan vẫn chưa tìm được chỗ ở ưng ý.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến năm 2020, Việt Nam có gần 200.000 du học sinh đang học tập, nghiên cứu ở nước ngoài, trong đó có hơn 40.000 du học sinh đang học tập tại châu Âu. Trong số này, ngoài khoảng 12.000 du học sinh ở Anh, số còn lại học tập ở các nước mà tiếng Anh không phải ngôn ngữ mẹ đẻ. Điều này phần nào gây ra khó khăn trong cuộc sống sinh hoạt, ít nhất là trong thời gian đầu, cho các sinh viên Việt chỉ thông thạo tiếng Anh.
Vừa trải qua cú sốc ngôn ngữ trong những ngày đầu du học, cả Tâm và Phan đều cho rằng du học sinh Việt khi sang các nước không nói tiếng Anh cần chuẩn bị cho mình những mối quan hệ với anh chị đi trước để nhờ trợ giúp khi cần thiết. “Nếu có điều kiện, các bạn hãy học thêm một chút ngôn ngữ ở đất nước sẽ theo học. Dù chỉ là những câu chào hỏi đơn giản, nó có thể giúp ích cho bạn khá nhiều”, Phan chia sẻ.
Dương Tâm – Thanh Hằng