Những người mắc bệnh buồn ngủ thường gặp tình trạng căng cứng cơ khi nghỉ ngơi và suy hô hấp dẫn tới tử vong.
Viêm não Lethargica, hay “bệnh buồn ngủ”, là dịch bệnh trong giai đoạn từ năm 1916 đến 1940 tại châu Âu, khiến khoảng nửa triệu người thiệt mạng. Điều kỳ lạ là đến tận ngày nay, nhân loại vẫn chưa nắm rõ nguyên nhân cũng như có rất ít thông tin liên quan về căn bệnh kỳ lạ này.
Những triệu chứng đầu tiên của căn bệnh là đau đầu, khó ở, cảm thấy lờ đờ, buồn ngủ. Căn bệnh tấn công não bộ, khiến bệnh nhân ngủ lịm đi giống như hôn mê, các cơ trở nên căng cứng. Nhưng không phải tất cả những người mắc bệnh đều xuất hiện các triệu chứng trên. Ngoài ra, mức độ nghiêm trọng cũng khác nhau.
Dù vậy, đây là căn bệnh rất nguy hiểm. Theo y văn thời đó, khoảng 1/3 số bệnh nhân tử vong do suy hô hấp, bắt nguồn từ tình trạng rối loạn chức năng thần kinh của cơ thể.
Những người khỏi bệnh vẫn thường xuyên bị cứng cơ trong lúc nghỉ ngơi. Tình trạng này kéo dài trong nhiều năm sau đó. Dựa trên thông tin từ bệnh nhân và nghiên cứu, các bác sĩ đã thử nghiệm một loại thuốc có tên L-dopa vốn được phát triển cho bệnh Parkinson. Kết quả thu về khá tích cực.
Lúc bấy giờ, một đợt bùng phát bệnh cúm đã xảy ra cùng lúc với dịch bệnh buồn ngủ. Vì thế, một số nhà nghiên cứu thậm chí còn kết luận bệnh buồn ngủ liên quan đến việc hình thành dịch cúm. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu khác tin rằng việc hai dịch bệnh bùng phát cùng lúc chỉ là trùng hợp.
Ngày 17/4/1917, tại cuộc họp của Hiệp hội Thần kinh học và Tâm thần học Vienna, bác sĩ Constantin von Economo lần đầu tiên chia sẻ hiểu biết về viêm não Lethargica. Sau khi thảo luận căn bệnh này với những chuyên gia khác, ông đăng bài báo đầu tiên về nó.
Trong bài báo, ông cho biết trạng thái ngủ do bệnh gây ra có thể dẫn tới tử vong cho nhiều bệnh nhân. Nếu không tử vong, tình trạng này cũng diễn ra rất lâu hoặc dẫn đến hôn mê. Một số triệu chứng nổi bật khác bao gồm tê liệt các dây thần kinh sọ não, đặc biệt là dây thần kinh thị giác. Bác sĩ Economo kết luận bệnh buồn ngủ là mối đe dọa nguy hiểm đối với loài người.
Hơn một triệu người được cho là đã nhiễm bệnh buồn ngủ. Số ca nhiễm ở mức cao nhất trong khoảng thời gian từ năm 1920 đến 1924 với khoảng 10.000 trường hợp. Số ca nhiễm giảm sau năm 1924 nhưng căn bệnh vẫn kéo dài trên toàn cầu đến năm 1940.
Năm 1929, một báo cáo liệt kê khoảng 80 phương pháp điều trị có thể áp dụng đối với bệnh buồn ngủ. Tuy nhiên, các ca bệnh cấp tính không đáp ứng tích cực với những phương pháp này. 1/3 số bệnh nhân tử vong khi bước vào giai đoạn cấp tính. 1/3 số bệnh nhân sống sót mà không phải chịu các triệu chứng dai dẳng và 1/3 còn lại gặp các tác dụng phụ liên quan đến thần kinh.
Đã hơn 100 năm trôi qua kể từ khi ca nhiễm bệnh buồn ngủ đầu tiên được ghi nhận. Nhưng đến nay vẫn còn hàng loạt câu hỏi chưa được làm sáng tỏ, cơ sở vật chất khi xưa không đủ để các bác sĩ và chuyên gia tìm ra nguyên nhân thực sự. Hiện cũng chưa có khám phá tích cực nào về bệnh buồn ngủ song các nghiên cứu vẫn tiếp tục được thực hiện nhằm xác định xem liệu nó có thể quay trở lại hay không.
Vũ Hoàng (Theo Historic Mysteries)