Hà NộiLee Nguyễn Sae Hae trườn trên sàn, nhoay nhoáy vẽ và tô để hoàn thiện bức tranh thứ 5, chỉ sau 2 hôm nghe tới cuộc thi Vì một Việt Nam tất thắng.
Mẹ em, chị Anh Vân nhìn con mãn nguyện. Những điều này có vẻ bình thường với một đứa trẻ, nhưng thực sự là kỳ tích với cậu bé mắc chứng tự kỷ, học lớp 5 Trường tiểu học Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm.
Sae Hae được phát hiện có sự khác lạ từ lúc 20 tháng tuổi. Con thờ ơ với mọi thứ và gần như không biết gì ngoài nghịch nhãn mác ở chăn gối, đóng mở các ngăn kéo hay xếp chai lọ thẳng tắp. Bố của bé, anh Lee Dong Chan bận công việc nên gần như chỉ có một mình chị Anh Vân đồng hành cùng con.
Ban đầu chị Vân gửi con vào trung tâm can thiệp chuyên biệt nhưng ở đâu cậu bé cũng khóc từ sáng đến trưa. Khi mẹ đến con nín khóc. Chị nhận ra con cần được vui chơi ở nơi sáng sủa chứ không phải suốt ngày ở trong phòng kín và bị đối xử một cách khác thường.
Anh Vân xin cho con vào trường mầm non bình thường. Sáng, Sae Hae học hòa nhập ở trường mầm non thường, chiều can thiệp theo giờ ở trung tâm chuyên biệt, tối lại đến nhà cô dạy cá nhân. Nhà ở Nam Từ Liêm nhưng Sae Hae liên tục phải đi học ở Đống Đa, Hoàn Kiếm. Bữa tối của hai mẹ con thường ở trên xe trong lúc di chuyển các nơi.
Sau gần một năm, chị Vân cảm thấy công sức của mình vô ích bởi con không một chút thay đổi. Cho đến lần tham dự một khóa học với các chuyên gia Philipines và nghe câu chuyện của những bậc phụ huynh khác, chị mới vỡ lẽ “cần phải học cách chấp nhận”. Về nhà, chị cố gắng điều chỉnh để không gây áp lực lên mình, lên con nữa. Không ngờ, Sae Hae đã bật ra từ đầu tiên “Tivi” ở mốc 32 tháng, chỉ một tuần sau khi mẹ thay đổi. “Lúc đó tôi vui sướng khóc như mưa”, người mẹ hồi tưởng.
Nhưng hành trình của mẹ con chị Vân chưa dừng lại ở đó. Để con nói được từ “mở”, mẹ kéo con đến trước cửa tủ lạnh mở ra và đóng lại nhiều lần. Để con hiểu nghĩa của từ, mẹ lấy các loại hộp mở ra đóng vào, đôi khi bày vào trong những món đồ chơi để thu hút con.
Dạy từ đơn đã kỳ công, giúp con hiểu các tình huống giao tiếp càng nan giải. Để dạy “chưa đến” và “đến rồi”, mẹ vẽ ra giấy hai địa điểm và di chuyển một vật từ điểm xuất phát đến kết thúc. Mỗi lần đưa em đi học, mẹ cũng dạy “xe đang đi trên đường chưa dừng lại là chưa đến”. Phải mất tới nửa năm dạy khái niệm, cậu bé mới nói và hiểu được tình huống này.
Năm Sae Hae 4 tuổi, chị Vân phát hiện các hình vẽ của con sinh động hơn hẳn hai anh chị của bé. Chị đi tìm trung tâm dạy vẽ cho con, tuy nhiên đều bị từ chối vì cậu bé không thể ngồi yên. Có nơi nhận nhưng chỉ sau 1-2 buổi cậu bé lại bị đuổi.
Khi được giới thiệu đến cô Đỗ Thị Thanh Hương, giáo viên mỹ thuật Trường tiểu học Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Sae Hae mới có thêm người thầy thứ hai. “Khi con cầm bút vẽ, tôi nhận ra con có khả năng vượt trội các bạn cùng tuổi ở năng lực mỹ thuật. Con có thể vẽ hình nhanh, nét vẽ đẹp, hình sinh động, màu sắc tốt”, cô kể.
Nhưng cô Hương chưa từng có kinh nghiệm dạy trẻ tự kỷ, phải học từ chị Vân và các tài liệu trên mạng để tiếp cận, dỗ dành, tạo hứng thú và truyền đạt kiến thức sao cho Sae Hae dễ tiếp nhận. Vì là bạn nhỏ đặc biệt nên luôn xảy ra các tình huống bất ngờ trong giờ học. Có lúc hưng phấn do chưa làm được như suy nghĩ, Sae Hae la hét, vứt đồ, nằm lăn ra khóc một mực đòi gặp mẹ. Cô Hương không để một mình mẹ dỗ dành mà ở bên cùng mẹ bé làm việc này, đến khi con bình tĩnh sẽ tiếp tục quay lại bài học.
Sau 6 năm, hội họa trở thành một phương thức giao tiếp của Sae Hae với thế giới. Cậu bé thường vẽ theo chủ đề mình thích và nghiên cứu sâu về sâu lĩnh vực nào đó. Có thời kỳ thích hoa lá, cây cỏ, Sae Hae tìm hiểu và vẽ hàng chục loài hoa. Có đợt lại thích các dụng cụ âm nhạc nên vẽ các loại đàn, kèn, sáo. Một dạo, con vẽ cờ của hơn 50 quốc gia trên thế giới. Hiện tại, Sae Hae đang quan tâm đến một số địa điểm trên bản đồ, nên sẽ tra địa điểm đó nằm ở đường, quận, tỉnh/thành phố nào, rồi vẽ ra biển chỉ đường.
“Có lúc con vẽ biển tên hàng loạt đường phố ở thành phố Cần Thơ hoặc đường một tỉnh Tây Nguyên mà tôi không hề biết”, chị Vân chia sẻ.
Tranh của “họa sĩ nhí” này hiện được in trên các sản phẩm khăn, váy, sổ, túi… của doanh nghiệp xã hội Tò he. Con cũng giành được giải nhất vẽ tranh ở trường mới đây, giải ba của quận và một số giải trong các cuộc thi dành cho trẻ tự kỷ.
Những năm trước cậu bé không quan tâm tranh mình có giải hay không. Giờ khi mẹ nói “tranh này sẽ gửi dự thi”, em sẽ vẽ cẩn thận hơn. Cũng từ một cậu bé không biết cầm nắm, thậm chí không biết nhai, hiện em đã có thể đi xe đạp, đánh cầu lông, bóng rổ… “Nhận thức, giao tiếp và hành vi của con vẫn chưa phù hợp ngữ cảnh, nhưng tôi tin con sẽ ngày càng tiệm cận với các bạn bình thường”, người mẹ nói.
Có lẽ đến ngày đó, cậu bé lai Việt – Hàn này sẽ nói được một câu cảm ơn tròn vành rõ chữ với mẹ và cô. Còn hiện tại, cả chị Vân và cô Hương đều cảm thấy cần phải nói lời này với Sae Hae, bởi nhờ có em, họ trở nên kiên nhẫn hơn và trái tim rộng mở hơn.
Xem tranh của “họa sĩ nhí” Sae Hae.
Phan Dương
Vì một Việt Nam tất thắngdo Chương trình Mặt trời Hy Vọng (tiền thân là Ông Mặt Trời), Quỹ Hy vọng cùng trường Đại học Ngoại thương, Trang tin tức giới trẻ iOne.net đồng tổ chức.
Độc giả VnExpress có thể bình chọn cho các tác phẩm tham gia cuộc thi tại đây. Điểm bình chọn sẽ chiếm 30% tổng điểm của bài thi. Lễ công bố giải thưởng và triển lãm các tác phẩm sẽ được tổ chức vào cuối tháng 10.