Nghệ AnTrước nguy cơ cạn kiệt cá mát do đánh bắt tận diệt, xã Diên Lãm, huyện Quỳ Châu lập mô hình bảo tồn, lắp camera dọc sông suối kiểm soát.
Chiều cuối tháng 1, ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch xã Diên Lãm, dẫn đoàn khách từ huyện khác tới tham quan mô hình nông thôn mới trên địa bàn. Đứng trên cầu treo bản Cướm, ông Dũng tự hào chỉ tay về phía dòng suối Nặm Cướm, nơi có nhiều đàn cá mát bơi lội, khoe “chúng tôi đã hồi sinh loài cá đặc sản”.
Suối Nặm Cướm dài hàng chục km, bắt nguồn từ dòng chảy nằm sâu trong vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống. Đoạn suối chảy qua bản Cướm, bản Chao, bản Hốc và bản Na Lạnh của xã Diên Lãm dài khoảng một km, nguồn nước sạch và trong xanh, là nơi trú ngụ của nhiều loài cá, trong đó có cá mát (còn gọi là cá niên) rất quý hiếm, được xem là đặc sản, giá trị kinh tế cao.
Diên Lãm là xã miền núi đặc biệt khó khăn, đường sá bị chia cắt bởi khe suối, đồi núi cao, mức sống và thu nhập của người dân tộc thiểu số ở đây còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao. Họ chủ yếu làm nông nghiệp, đi rừng hái lâm sản và khai thác thủy sản để phục vụ đời sống hàng ngày. Dòng Nặm Cướm chính là nơi cung cấp thực phẩm phong phú, ngoài cá mát còn có cá còm, láu, chạch suối… Người dân chỉ cần thả lưới 20-40 phút có thể bắt được 0,5-1 kg cá.
Ông Lương Văn Long, Trưởng bản Cướm, cho biết sau thời gian “thịnh”, đến những năm 2007 nguồn thủy sản tại suối Nặm Cướm bắt đầu ít, nhiều hôm thả lưới cả ngày không bắt được con nào. Ngoài dân bản địa cũng có nhiều người ở vùng khác đến đánh bắt kiểu tận diệt, dùng kích điện, nổ mìn khiến cho cá mát cùng nhiều loài thủy sản gần như cạn kiệt.
“Cá mát thường bơi lượn tại các mỏm đá bám đầy rêu dưới suối, thỉnh thoảng ngửa bụng trắng phau, lấp lánh ánh bạc, tuy nhiên từ sau năm 2007 thì biệt tăm. Thỉnh thoảng mới có một vài người trong bản khoe thả lưới bắt được cá mát, nhưng rất ít, chỉ vài con còi cọc, thịt cứng không ngon”, ông Long kể.
Thấy loài cá đặc sản dần biến mất, nhiều người dân tiếc nuối. Lãnh đạo xã Diên Lãm cũng rất trăn trở, đau đáu tìm cách hồi sinh đàn cá mát để tạo nguồn lợi thủy sản, tìm cơ hội phát triển du lịch sinh thái cộng đồng trên địa bàn, tăng thu nhập cho người dân. Cuối năm 2022, khi HĐND xã Diên Lãm thông qua đề án “bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản cá mát Nặm Cướm”, Chủ tịch xã Nguyễn Văn Dũng vui mừng, nhắn nhủ các trưởng bản “cố làm cho bằng được”.
Theo đề án, suối Nặm Cướm cùng 4 khúc sông chảy qua địa bàn được khoanh vùng bảo vệ. Xã thành lập 4 tổ tuần tra kiểm soát, thành viên là cán bộ xã và thôn bản, có trách nhiệm rà soát tại các con sông, con suối để nhắc nhở, ngăn người lạ xâm nhập, đánh bắt cá theo kiểu tận diệt. Biển báo được cắm dọc suối, nhiều vị trí xung yếu sẽ lắp camera an ninh để theo dõi di biến động.
Ban đầu lãnh đạo xã cũng lo lắng vì sợ người dân tại các bản không phản đối, bởi sông suối là nơi mưu sinh hàng ngày, nếu cấm khai thác thủy sản thì cũng mất đi nguồn thu nhập. Tuy nhiên, khi đến vận động, cán bộ bất ngờ vì tất cả đồng thuận, nói “chúng tôi sẽ giám sát hộ, tất cả vì lợi ích chung”.
Việc bảo vệ cá mát được đưa vào hương ước của mỗi bản. Theo quy định được chính quyền phê duyệt, người ngoài nếu vào xã Diễn Lãm đánh bắt cá sẽ bị trục xuất ra khỏi địa bàn. Ai dùng kích điện, thuốc nổ, mìn để khai thác thủy sản thì bị tịch thu dụng cụ, xử phạt hành chính, nêu tên lên loa phát thanh để cảnh cáo.
Ông Lộc Văn Cảnh, trú bản Cướm, cho hay ngoài đồng hành cùng tổ tuần tra ngăn người lạ, người dân có kinh nghiệm đánh bắt lâu năm còn tư vấn cho các cán bộ về tập tính, chu kỳ sinh nở của cá mát để có phương án bảo tồn phù hợp.
Trứng cá mát nhỏ như hạt kê, với hai thỏi hai bên lườn. Một năm cá đẻ một lứa vào tháng 2-3 âm lịch, mỗi lần nở hàng nghìn con. Loài này lớn nhanh, 6 tháng bằng ngón tay cái. Nếu được bảo vệ tốt, có con hơn 0,5 kg. Vào giai đoạn cá đẻ trứng, cần ngăn tình trạng đánh bắt trái phép, nếu không sẽ bị mất nguồn giống.
Vì thế, hàng năm vào thời điểm này Trưởng bản Cướm luôn cùng 4-5 thành viên trong tổ tuần tra đi tuần dọc theo các con suối để kiểm soát cả ngày lẫn đêm. Đến nay nhà chức trách đã xử phạt hành chính 4 người bắt cá bằng kích điện, 30-50 vụ thả lưới bị tịch thu hiện vật.
“Loài này chỉ ăn rêu rong, rất sạch. Vì thế dòng suối cũng cần đảm bảo vệ sinh, không được để mọi người vứt rác thải bừa bãi xuống dưới, nếu thấy suối bẩn phải huy động nhân lực gom ngay”, Trưởng bản Cướm nói.
Sau ba năm thực hiện đề án, Chủ tịch xã Nguyễn Văn Dũng đánh giá nguồn cá mát trên địa bàn đã “hồi sinh”. Nhiều loài khác như chạch suối, láu, còm… sinh sôi nảy nở rất tốt. Nếu 3-4 năm trước, thả lưới xuống suối cả buổi chỉ bắt được vài con, giờ đứng trên cầu hoặc bờ suối, chỉ cần rải ít cám gạo, hàng nghìn con bơi về, quẫy nước tý tách.
Thay vì khai thác tự nhiên như trước, từ năm 2024, xã Diên Lãm tổ chức “ngày hội bắt cá mát”, cho phép tất cả người dân trên địa bàn dùng ngư cụ bắt. Cá thu được tùy họ xử lý, có thể đem bán hoặc đưa về cất trữ làm thực phẩm.
“Tại ngày hội gần nhất hồi giữa năm 2024, mỗi người tham gia bắt được 1-1,5 kg cá mát. Đây là tín hiệu rất tốt, cho thấy loài cá đặc sản đã ở lại với vùng đất Diên Lãm”, ông Dũng nói. Kế hoạch của xã là tiếp tục bảo tồn cá, xem đây là một điểm nhấn để liên kết, phát triển các mô hình du lịch sinh thái trên địa bàn.
Cá mát hay là còn gọi là cá niên hay cá sỉnh cao, tên khoa học Onychostoma gerlachi. Ở Việt Nam, loài này sinh trưởng tự nhiên trên khắp các sông suối thuộc vùng núi. Bề ngoài cá mát trông giống cá chép nhưng thân mình thon hơn, phần vảy màu ánh bạc, vây pha chút màu vàng nhạt, óng ánh dưới nắng.
Cá mát thường sống theo bầy đàn, tập trung ở những vùng nước sâu dọc sông, suối đầu nguồn; ăn rêu bám trên đá ở các gềnh, thác. Thịt cá có nhiều chất dinh dưỡng, có thể chế biến thành nhiều món ăn từ kho đến nấu canh rau răm, nướng hoặc chiên giòn; ruột cá có thể nấu với rau rừng, ăn có vị đắng nhưng được nhiều người ưa thích.
Tại vùng cao Nghệ An, cá mát được bán 350.000-400.000 đồng/kg, song không phải lúc nào cũng có.