Đối với Huỳnh Thiện Bảo, xe đạp không chỉ là phương tiện di chuyển mà còn là người bạn đồng hành trong hành trình tham gia tình nguyện.
Hơn 1 tháng qua, hình ảnh nam sinh ngày ngày đạp xe trên cầu Sài Gòn để tham gia hỗ trợ người dân phòng chống dịch đã trở nên quen thuộc. Chàng trai ấy là Huỳnh Thiện Bảo (17 tuổi), học sinh của một trường cấp III tại TP.HCM.
Chiếc xe đạp là “người bạn” đồng hành cùng Bảo trong quá trình tham gia chống dịch. |
Khi nhận thấy sự vất vả của lực lượng tuyến đầu cũng như mong muốn có thêm trải nghiệm trước khi bước vào năm học cuối cấp, ngay sau khi kết thúc chương trình học lớp 11, Huỳnh Thiện Bảo đã đăng ký tham gia hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19.
Vì chưa có bằng lái xe máy, Bảo quyết định lựa chọn chiếc xe đạp đã mua từ 3 năm trước làm phương tiện để tham gia hành trình tình nguyện. “Em nghĩ mình sắp 18 tuổi rồi, cái gì tự làm được thì mình làm chứ nhờ má hoài thì ngại lắm, em tự đi xe đạp cho nhanh”.
Bảo đạp xe tham gia hỗ trợ người dân chống dịch. |
Sau hơn 1 tháng tham gia chống dịch, cậu học trò đã quen với những khó khăn và áp lực trong công việc này: “Em quen rồi, quen với việc mồ hôi ướt đẫm, quần áo sũng nước như mới giặt xong. Em cũng quen với môi trường áp lực cao”.
Nhớ lại thời gian đầu tham gia tình nguyện, điều khó khăn nhất với cậu là những hôm đạp xe ngược gió băng qua cầu Sài Gòn hay những ngày mưa nắng thất thường. Nhưng sau tất cả, cậu đã vượt qua để góp sức mình vào công cuộc chống dịch.
Nhờ tham gia chống dịch, Bảo đã có những người bạn mới. Họ đã cùng nhau tạo nên nhiều kỷ niệm đáng nhớ, cùng nhau đón Tết Trung thu trên những nẻo đường vắng bóng người của TP.HCM, cùng nhau ca hát để quên đi mọi mệt mỏi, vất vả vừa trải qua.
Bảo đã có thêm nhiều bạn mới trong thời gian công tác tình nguyện. |
Kể về kỷ niệm đáng nhớ nhất trong hơn 1 tháng vừa qua, Bảo chia sẻ: “Em nhớ nhất là lần đầu tiên được tham gia lấy mẫu ở quận Bình Thạnh. Hôm đó, em mặc bộ đồ bảo hộ cấp 4, trùm kín mít từ chân lên tới đầu và đeo 2 lớp khẩu trang. Ban đầu em nghĩ bộ đồ nóng, cùng lắm là ướt người thôi, ai ngờ nó còn khó thở nữa.
Lúc chưa quen em đi đứng loạng choạng rồi ngất ra đường. Cũng hên bữa đó người dân đã giúp đỡ em, họ lấy nước đá cho em uống, lấy quạt quạt cho em nên em và đồng đội mới có thể tiếp tục hoàn thành công việc.
Hôm đó em đuối quá, không ngờ lấy mẫu lại lâu vậy. 20h mới xong việc nên em nhờ mọi người dùng xe trật tự của phường chở cả em với xe đạp về chứ em cũng không còn sức tự về nữa”.
Tham gia tình nguyện vất vả là thế nhưng Bảo vẫn luôn cân bằng giữa việc học và làm tình nguyện. Vì công việc tình nguyện được chia theo ca nên hôm nào người phụ trách cho nghỉ cậu lại tranh thủ mang sách vở ra ôn lại bài tập. Còn hôm nào đi lấy mẫu cả ngày, Bảo sẽ tận dụng thời gian nghỉ trưa để xem lại bài vở chuẩn bị cho năm học cuối cấp.
Về phía gia đình, Bảo chỉ chia sẻ quyết định đi làm tình nguyện cho mẹ của mình. Cậu biết rằng nếu những người khác trong gia đình biết tin thì sẽ không ủng hộ và thậm chí giữ cậu ở nhà.
May mắn rằng, mẹ của Bảo đã ủng hộ quyết định của con mình vì cô luôn khuyến khích Bảo tham gia các hoạt động tình nguyện. “Khi có ai hỏi em đi đâu thì má sẽ bảo đi đâu đó chứ không phải đi tình nguyện. Mỗi khi em về nhà, má sẽ nấu cho em vài phần cơm nếu em về sớm hoặc không ăn ở chỗ làm”. Chính sự quan tâm ân cần ấy đã giúp Bảo cảm thấy bớt cô đơn, lẻ loi trên hành trình tình nguyện.
Bảo cùng mẹ trong chuyến đi làm từ thiện. |
Bảo chia sẻ rằng cậu cảm thấy rất vui vì có thể đóng góp chút công sức nhỏ bé trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Ngay cả khi bị người dân mắng khi đi lấy mẫu, Bảo vẫn thông cảm cho cảm giác của họ. Cậu không để bụng vì sợ rằng nếu để ý quá nhiều thì bản thân sẽ mất đi động lực để tiếp tục tham gia hành trình.
Chia sẻ về tương lai, Bảo cho biết cậu đã chọn được trường đại học mong muốn và sẽ dành nhiều thời gian hơn cho việc học. Tuy nhiên, cậu vẫn sẽ cố gắng tham gia làm tình nguyện để giúp đỡ cộng đồng.
Thu Trang
Nghìn suất cơm được chuẩn bị sẵn ở Quảng Trị, bà con về quê đói cứ vào lấy
Ở TP Đông Hà, có một nhóm người nấu hàng nghìn suất cơm phát cho người đi xe máy từ miền Nam về quê. Họ nấu rồi lặng lẽ đưa đến các điểm cấp phát bên đường, bà con ai cần thì tới lấy.