Cổ phiếu VinFast lập đỉnh mới
Trong phiên giao dịch ngày 23/8 (giờ Mỹ), cổ phiếu VinFast (VFS) tiếp tục gây bất ngờ với việc đóng cửa ở mức giá cao kỷ lục mới: 37,03 USD/cp. Trước đó, cổ phiếu VFS từng đóng cửa phiên chào sàn Nasdaq đầu tiên hôm 15/8 ở mức 37,02 USD/cp.
Như vậy, hãng xe ô tô điện VinFast đã lập kỷ lục vốn hóa mới: hơn 85 tỷ USD.
Đây là một con số rất lớn, bởi nó còn cao hơn so với tổng vốn hóa của 10 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất trên Sàn Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE). Tổng mức vốn hóa của 10 ông lớn nhất này chỉ đạt 84 tỷ USD, trong đó Vietcombank tính tới hết ngày 23/8 chỉ đạt hơn 408 nghìn tỷ đồng (tương đương gần 16,9 tỷ USD).
Vietcombank là tổ chức có vốn hóa lớn nhất niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Nhưng ngân hàng có lịch sử hàng chục năm phát triển này có vốn hóa cũng chỉ bằng chưa tới 20% so với VinFast – một doanh nghiệp do Vingroup của Chủ tịch Phạm Nhật Vượng thành lập hồi tháng 6/2017.
Vốn hóa của VinFast thậm chí còn cao hơn khá nhiều so với tổng vốn hóa của 2 sàn chứng khoán HNX và Upcom của Việt Nam.
Trong phiên giao dịch 23/8 trên sàn chứng khoán Nasdaq của Mỹ, cổ phiếu VinFast có lúc thậm chí còn lên tới 45 USD/cp, tương đương vốn hóa gần 104 tỷ USD, bằng khoảng 1/7 so với vốn hóa của Tập đoàn Berkshire Hathaway của tỷ phú Warren Buffett (Mỹ).
Trong phiên 23/8, VinFast ghi nhận 8,26 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng, cao hơn so với mức 4,5 triệu cổ phiếu đang lưu hành tự do (free float). Trong phiên liền trước (22/8), Nasdaq ghi nhận 19,41 triệu cổ phiếu VFS được giao dịch.
Với mức vốn hóa này, VinFast tiếp tục là hãng xe điện lớn thứ 2 thế giới, xếp sau hãng xe điện Mỹ Tesla của tỷ phú Elon Musk (752 tỷ USD). Các start-up xe điện khác như Li Auto, NiO, Rivian, Xpeng… đều có vốn hóa thấp hơn khá nhiều, tương ứng lần lượt ở các mức: 38,8 tỷ USD, 20,3 tỷ USD, 19,3 tỷ USD và 14,5 tỷ USD.
Vốn hóa của VinFast thậm chí còn vượt các hãng xe ô tô lâu đời như Mercedes – Benz (78,4 tỷ USD), BMW (70 tỷ USD), Volswagen (68 tỷ USD), Ferrari (56,7 tỷ USD), Honda (51,8 tỷ USD), Ford (48,3 tỷ USD),…
Cổ phiếu VinFast tiếp đà tăng sau khi nữ CEO VinFast Lê Thị Thu Thủy hôm 22/8 đã có cuộc trả lời trực tiếp trên sóng truyền hình CNN với khá nhiều thông tin cung cấp cho các nhà đầu tư.
Bà Thủy đã chia sẻ hàng loạt kế hoạch của VinFast sau niêm yết, trong đó có việc đẩy mạnh xây dựng nhà máy tại Bắc Carolina, tập trung vào sản xuất, bàn giao xe và đang mở rộng ra các thị trường khác, bao gồm Bắc Mỹ, Việt Nam, sắp tới là châu Âu, Đông Nam Á và Trung Đông.
CEO VinFast cũng nói về cam kết công ty mẹ Vingroup và Chủ tịch Phạm Nhật Vượng tài trợ 2,5 tỷ USD để VinFast có thể hoạt động đến thời điểm hòa vốn và có lợi nhuận.
Bà Thủy cũng cho biết, VinFast đã tiếp cận 73.000 cổng sạc tại Mỹ, trong tổng khoảng 166.000 cổng sạc trên đất nước này.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng bất ngờ rớt 18 bậc
Mặc dù cổ phiếu VinFast tăng lên đỉnh lịch sử trong phiên giao dịch 23/8 trên sàn chứng khoán Nasdaq nhưng sau phiên giao dịch, Forbes xếp tỷ phú Phạm Nhật Vượng tụt 18 bậc, xuống vị trí giàu thứ 45 trên thế giới.
Cụ thể, trong phiên giao dịch trước đó, ngày 22/8, cổ phiếu VinFast tăng vọt trở lại, tăng gần gấp đôi so với phiên liền trước, lên 36,72 USD/cp và sát với đỉnh thiết lập trong phiên giao dịch chào sàn hôm 15/8.
Cú tăng giá mạnh của VFS giúp tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tăng thêm 20,3 tỷ USD lên 43,7 tỷ USD. Với khối tài sản này, tỷ phú Phạm Nhật Vượng xếp thứ 27 trong danh sách những người giàu nhất hành tinh của Forbes.
Với mức giá 37,03 USD/cp hôm 23/8, cổ phiếu VinFast đã tăng nhẹ so với mức 36,72 USD/cp trong phiên 22/8. Tuy nhiên, thứ hạng đã từ 27 tụt xuống 45 trong danh sách những người giàu nhất hành tinh của Forbes.
Đây là lần điều chỉnh thứ 2 của Forbes đối với ông Phạm Nhật Vượng, kể từ khi cổ phiếu VinFast lên sàn chứng khoán Nasdaq của Mỹ.
Trước đó, trong phiên ngày 16/8, Forbes có thời điểm đánh giá tỷ phú Vượng có 84 tỷ USD và xếp thứ hạng 16 trên thế giới. Tuy nhiên, tạp chí này sau đó vài giờ đã điều chỉnh xuống mức khá tương đồng với đánh giá của Bloomberg, ở mức hơn 44 tỷ USD (tương đương ông Vượng lọt top 30).
Cho tới thời điểm này, Forbes chưa có giải thích nào cho những xếp hạng của mình và đây cũng chỉ là những tính toán theo thời gian thực theo biến động giá cổ phiếu của các doanh nhân giàu nhất thế giới.
Tuy nhiên, những sự điều chỉnh của Forbes có thể đến từ những biến động chưa chính xác trong thời kỳ mới lên sàn của các cổ phiếu xe điện hay cổ phiếu công nghệ.
Trong vài năm qua, thị trường chứng khoán thế giới (chủ yếu ở Mỹ) chứng kiến những biến động tăng sốc, giảm sâu của rất nhiều cổ phiếu hãng xe điện thế giới, trong đó có cả Tesla của tỷ phú Elon Musk.
Thị trường xe điện vẫn ở thời kỳ đầu phát triển. Kỳ vọng về các hãng xe là rất lớn nhưng khó khăn còn nhiều. Sự cạnh tranh là khốc liệt và không phải startup nào cũng thành công. Đây có thể là lý do dẫn tới những biến động mạnh.
Có thể, Forbes có những điều chỉnh theo hướng hợp lý hơn và hướng tới các xếp hạng chính xác hơn trong dài hạn, thay vì biến động khó lường trong ngắn hạn.
Còn tại VinFast, doanh nghiệp này chỉ có khoảng 4,5 triệu cổ phiếu lưu hành tự do trên tổng số hơn 2,3 tỷ cổ phiếu niêm yết. Nhóm các công ty liên quan tới Vingroup và Chủ tịch Phạm Nhật Vượng nắm giữ hơn 99% tổng lượng cổ phiếu phát hành.
Dù tụt xuống vị trí 45 trong bảng xếp hạng Forbes, tỷ phú Phạm Nhật Vượng vẫn giàu nhất Đông Nam Á, khi ở trên 3 tỷ phú giàu nhất Indonesia, gồm 2 anh em người Indonesia Budi Hartono và Michael Hartono, những người đang sở hữu 25-26 tỷ USD.
Hiện cả Đông Nam Á có 11 người sở hữu khối tài sản từ 10 tỷ USD trở lên. Người giàu nhất Thái Lan và Singapore đều sở hữu khoảng 14 tỷ USD còn người giàu nhất Malaysia có 11 tỷ USD.
Ông Phạm Nhật Vượng vẫn giàu hơn người giàu nhất Hàn Quốc là chủ tịch Samsung Jay Y. Lee (8,4 tỷ USD) và hơn Jack Ma – Alibaba (24,4 tỷ USD). Tuy nhiên, ông Vượng đã xếp sau người giàu nhất Nhật Bản là ông chủ Uniqlo Tadashi Yanai (34,8 tỷ USD).
Tại Việt Nam, ông Vượng bỏ xa các tỷ phú khác. Tính tới 23/8, tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo hiện sở hữu khối tài sản 2,2 tỷ USD. Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương và gia đình sở hữu khối tài sản 1,5 tỷ USD. Ông Trần Đình Long có khối tài sản 2,3 tỷ USD. Ông Hồ Hùng Anh có 1,6 tỷ USD và ông Nguyễn Đăng Quang 1,2 tỷ USD.