Trao đổi tại tọa đàm ‘Hoạt động phối hợp giữa cơ quan nhà nước, tổ chức và doanh nghiệp trong bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng’ diễn ra mới đây, bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em nhận xét: Với nhiều nỗ lực của các bên, đến nay người dân và trẻ em khi gặp các vấn đề về bảo vệ trẻ em trên mạng, đều đã có những địa chỉ tin cậy để phản ánh, được hỗ trợ.
Năm 2024 đã có những bước tiến so với giai đoạn trước, tiêu biểu là sự phối hợp giữa 3 lực lượng chính gồm A05 (Bộ Công an), Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) và Cục trẻ em (Bộ LĐTB&XH) trong việc kết nối các cơ quan, đơn vị khác để tổ chức tập huấn toàn quốc cho hơn 24.000 người về công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
“Chúng ta cũng đã có Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, Câu lạc bộ bảo vệ trẻ em Việt Nam trên không gian mạng. Tuy vậy, giai đoạn tới, việc quan trọng là phải làm sao để có thể kết nối, phối hợp chặt chẽ hơn thông qua các cuộc họp giao ban được duy trì thường xuyên hơn”, bà Nguyễn Thị Nga chia sẻ.
Theo bà Trần Vân Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững – MSD, quyền tham gia của trẻ em đã được quan tâm thúc đẩy trong nhiều môi trường, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả tham gia của trẻ em và đảm bảo quyền trẻ em ở Việt Nam. Tuy nhiên, sự tham gia của trẻ em trong gia đình, nhà trường, cộng đồng và môi trường mạng vẫn chưa đồng đều và còn nhiều hạn chế.
Minh chứng cho nhận định của mình, bà Trần Vân Anh điểm ra một số kết quả nổi bật trong khảo sát ‘Tiếng nói trẻ em Việt Nam’ mới được MSD thực hiện.
Nghiên cứu của MSD cho thấy, bên cạnh các môi trường gia đình, trường học, cộng đồng, môi trường mạng đang ngày càng có vai trò quan trọng trong đời sống của trẻ em.
Cụ thể, theo kết quả khảo sát, có tới 83,9% trẻ em được khảo sát có sử dụng điện thoại, và tỷ lệ trẻ có sử dụng mạng xã hội là 86,1%.
97% trẻ em được khảo sát sử dụng điện thoại từ 1 giờ/ngày, trong đó gần 27% sử dụng điện thoại từ 5 giờ/ngày. Mục đích sử dụng lớn nhất là giải trí, chiếm tới 86%; trong khi tỷ lệ sử dụng cho các mục đích học tập, tìm kiếm thông tin, giao lưu kết bạn lần lượt là hơn 75%, trên 66% và hơn 57%.
Phó Viện trưởng MSD Trần Vân Anh cho hay, một điểm đáng mừng qua ghi nhận từ kết quả khảo sát là tỷ lệ trẻ em Việt Nam đã được học những nội dung, kĩ năng để bảo vệ bản thân trên môi trường mạng là khá cao.
Các nội dung quan trọng như cách phòng ngừa và bảo vệ bản thân trên mạng xã hội, các nguy cơ và rủi ro từ mạng xã hội, phòng ngừa lạm dụng và xâm hại tình dục qua mạng xã hội… đều có tỷ lệ trên 70%. Nội dung về phòng ngừa bắt nạt qua mạng xã hội có tỷ lệ thấp nhất, cũng đạt 63,4%.
Tuy nhiên, tỷ lệ trẻ em hoàn toàn tự tin về kiến thức và kỹ năng ứng phó với các rủi ro từ mạng xã hội hiện chưa cao. Điều này tiềm tàng những nguy cơ với việc sử dụng Internet an toàn của trẻ em.
Khảo sát của MSD cũng chỉ ra rằng, tỷ lệ trẻ em tự học các kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ bản thân trên môi trường số qua mạng xã hội lại có tỷ lệ cao nhất trong các kênh thông tin.
“Đây là một điều tích cực, song cũng hàm chứa nhiều rủi ro xuất phát từ việc nhận thức của trẻ em còn chưa đầy đủ, cũng như những thông tin, kiến thức trên mạng xã hội luôn luôn cần kiểm chứng về độ chính xác”, chuyên gia MSD nhận xét.
Vì thế, chuyên gia MSD khuyến nghị, cần tăng cường các kênh thông tin khác, nhất là các thông tin từ trường học, bởi hiện nay tỷ lệ trẻ em học các kỹ năng bảo vệ bản thân trên mạng qua kênh này còn khá thấp, chỉ đạt 56%.
Song song đó, cha mẹ cũng cần nâng cao kĩ năng về an toàn, an ninh mạng để có thể đồng hành và hỗ trợ con mình trong khi tham gia môi trường trực tuyến, vì hơn một nửa trẻ em tham gia khảo sát cho biết các em tìm hiểu kiến thức, kiến thức qua cha mẹ.