Chia sẻ với VietNamNet, bác sĩ chuyên khoa II Hà Hải Nam, Phó trưởng khoa Ngoại bụng 1, Bệnh viện K (Hà Nội), cho biết các bác sĩ đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị ung thư vào cấp cứu trong tình trạng suy kiệt, hết cơ hội điều trị vì bỏ bệnh viện về tự uống thuốc.
Gần đây nhất là một nam bệnh nhân (65 tuổi, trú tại Thanh Hóa) được phát hiện ung thư đại tràng từ 3 tháng trước. Thời điểm đó, bác sĩ tư vấn người bệnh phẫu thuật cắt bỏ và nối đại tràng. Tuy nhiên, người đàn ông này không đồng ý và xin ra viện.
“Ngày hôm đó, tôi giải thích khối u chưa di căn, phẫu thuật, hóa, xạ trị giúp khỏi bệnh lên trên 90%. Con cháu khuyên ngăn nên ở viện mổ nhưng ông vẫn bỏ về trước sự bất lực của mọi người”, bác sĩ Nam chia sẻ.
Ngày bệnh nhân quay lại viện, cơ thể của ông suy kiệt nặng, gầy rộc. Bác sĩ Nam cho biết trường hợp này không còn cơ hội chữa trị, khối u to sắp vỡ, di căn phúc mạc, đại tràng nhiều hạch. Bệnh nhân phải mổ cấp cứu để ngăn chặn khối u vỡ nhưng việc điều trị tiếp theo bác sĩ không thể làm gì thêm.
Theo người thân, nam bệnh nhân được mách uống rễ xáo tam phân và hoa đu đủ đực để chữa bệnh nên kiên quyết không đến viện.
Một trường hợp khác là nam bệnh nhân N.V.Đ. (57 tuổi, quê Hải Dương) vào viện khám vì nuốt nghẹn. Bác sĩ chẩn đoán ông bị ung thư thực quản và phải phẫu thuật mở thông dạ dày, ăn qua xông. Người đàn ông này khẳng định chỉ phẫu thuật cắt thực quản, không mở dạ dày vì bản thân vẫn ăn được cơm, cháo và ra viện.
Về nhà, ông tự uống nước sắc từ xạ đen, hoa đu đủ đực, lá đu đủ. Hai tháng sau, ông vào viện với thể trạng suy kiệt chưa tới 45kg, không ăn, uống được do khối u bít tắc thực quản. Bác sĩ phải mở thông dạ dày để xông thức ăn và xạ trị thu nhỏ u. Tuy nhiên, việc điều trị chỉ mang tính chất tạm thời, cơ hội triệt tiêu bệnh rất khó.
Tương tự, bác sĩ Nam cũng từng tiếp nhận một bệnh nhân bị ung thư gan trên nền xơ gan, hai khối u gan phải kích thức lớn 6-8cm. Bác sĩ tư vấn ông cần điều trị phì đại gan trái trước khi phẫu thuật. Dù bác sĩ đã giải thích, bệnh nhân này vẫn đòi phẫu thuật ngay.
Sau đó, người bệnh xin về nhà suy nghĩ. Trong giai đoạn này, ông lên các hội nhóm người bệnh và được chia sẻ uống thảo dược hỗ trợ ung thư. Ông đã mua hoa đu đủ khô về pha trà, uống lá xạ đen và rất nhiều loại khác mà gia đình không nhớ tên. Hai tháng sau, bệnh nhân đến viện khi u lan tràn toàn bộ gan, di căn lên phổi. Lúc này, bác sĩ “lắc đầu” vì cơ hội điều trị không còn.
Theo bác sĩ Nam, các bài thuốc được chia sẻ trên mạng, hội nhóm chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. Một số loại như hoa đu đủ đực, xáo tam phân có tác dụng điều tiết tăng miễn dịch khi dùng kết hợp các vị thuốc với nhau và phải theo hướng dẫn của bác sĩ Đông y. Đối với tác dụng tiêu diệt tế bào ung thư của hoa đu đủ đực, bác sĩ khẳng định chưa có tài liệu nào nghiên cứu về tác dụng này.
Bác sĩ Trần Đức Cảnh, Khoa Nội soi và Thăm dò chức năng, Bệnh viện K (Hà Nội), cũng cho biết thêm hoa đu đủ được làm thuốc theo kinh nghiệm dân gian. Tuy nhiên, tác dụng chống ung thư của dịch chiết lá đu đủ mới được ghi nhận trong ống nghiệm và trên chuột, còn hoa đu đủ đực thì chưa có nghiên cứu.
Do đó, các chuyên gia khuyến cáo bệnh ung thư nếu được phát hiện sớm khả năng trị khỏi cao. Do đó, người dân không nên nghe theo các phương pháp dân gian để đánh mất thời điểm vàng chữa bệnh.
Cách dùng hoa đu đủ đực tốt cho sức khỏe
Hoa đu đủ đực là một dược liệu có nhiều tác dụng đối với sức khỏe như tăng cường sức đề kháng, chữa ho.
Những người cần tránh xa hoa đu đủ đực
Hoa đu đủ đực là một vị thuốc trong Đông y nhưng loại hoa này vẫn tiềm ẩn tác dụng phụ có thể gây ngộ độc nếu sử dụng sai cách.