Tốt nghiệp Đại học Ngoại thương, Nguyễn Thị Kim Chi không ngờ có thể giành học bổng toàn phần ngành STEM bậc thạc sĩ ở trường top 10 Vương quốc Anh.
Đến Scotland (Vương quốc Anh) vào giữa tuần trước, Kim Chi (24 tuổi, quê Nghệ An) thở phào. Gần 5 tháng kể từ khi biết tin trúng học bổng và hơn nửa tháng học online từ Việt Nam do không thể xin được visa trong thời gian giãn cách xã hội, cuối cùng Chi cũng có mặt ở châu Âu.
Tối muộn một ngày tháng 5, nhận email từ Hội đồng Anh về kết quả học bổng toàn phần dành cho nữ giới trong lĩnh vực STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học), Chi hồi hộp mở. Đọc dòng đầu tiên “Chúng tôi nhận được rất nhiều đơn đăng ký cho học bổng này và hầu như ứng viên nào cũng xuất sắc”, Chi đã nghĩ đây là email từ chối. Em cũng không ngạc nhiên bởi rất khó để một nữ sinh tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Quốc tế có thể giành học bổng khối ngành STEM. Thế rồi, cô vỡ oà khi câu tiếp theo là “Chúc mừng bạn đã nhận được học bổng này”.
“Cảm xúc lúc đó rất khó tả. Dù đã giành nhiều học bổng dạng trao đổi, du học ngắn hạn, mình vẫn rất hạnh phúc. Mình còn vui hơn khi biết chỉ 5 ứng viên nhận được học bổng này từ Đại học Glasgow, trong số 4.000 người đăng ký”, Chi nói. Ngôi trường Chi theo học được xếp hạng 10 Vương quốc Anh và 86 thế giới, theo bảng xếp hạng mới nhất của Times Higher Education (THE).
Khoảng tháng 3 năm nay, Chi đang làm việc cho một tổ chức phi chính phủ của Australia nhằm hỗ trợ trẻ em đường phố và nạn nhân mua bán người ở Việt Nam, đồng thời điều phối các dự án của Vietnam Youth for Peace and Development – Y4PD (Thanh niên với Hoà bình và Phát triển bền vững) do mình sáng lập. Có một số kinh nghiệm nhất định nhưng Chi vẫn cần một khóa học để tìm hiểu thêm về phát triển bền vững – lĩnh vực cô đang theo đuổi.
Chi lên mạng tìm kiếm rất nhiều học bổng, từ Chevening của Anh đến Fulbright của Mỹ nhưng đều thấy mình chưa đủ năm kinh nghiệm để apply thời điểm đó. Tình cờ, cô đọc được học bổng thạc sĩ toàn phần dành cho nữ giới khối ngành STEM do Hội đồng Anh khởi xướng. Biết STEM không phải ngành thế mạnh, cô vẫn click vào xem do ấn tượng về việc “dành cho nữ giới”.
Đọc thông tin về 19 trường sẽ trao học bổng này, Chi thấy ngành MSc Earth Futures: Environments, Communities, Relationships (Thạc sĩ Tương lai Trái đất: Môi trường, Cộng đồng và Các mối quan hệ tương quan) tại Đại học Glasgow rất đúng với những gì cô đang tìm kiếm. Đi vào tìm hiểu sâu hơn, Chi thấy mình có đủ tiêu chí để ứng tuyển, từ lĩnh vực đang làm, kinh nghiệm đến định hướng nghề nghiệp. Cô quyết định làm hồ sơ khi chỉ còn hai tuần là tới hạn chót.
Việc apply không gây nhiều khó khăn cho Chi bởi cô có kinh nghiệm với những học bổng du học ngắn hạn như học bổng trao đổi tại Đại học Nebraska ở Omaha (Mỹ). Những gì cần chuẩn bị chỉ bao gồm thông tin cá nhân, bài luận và thư giới thiệu.
Với thư giới thiệu, Chi chỉ cần xin từ quản lý của mình nên rất nhanh gọn. Còn bài luận, Chi xác định được ngay những gì mình cần thể hiện. “Thay vì chỉ tập trung vào thành tích, mình phải chia sẻ kinh nghiệm và nói lên được những thứ đang thiếu; đồng thời cho biết nếu được học chương trình này thì mình sẽ phát triển, đóng góp được ra sao”, Chi nói.
Chi chỉ ra ba yếu tố để chứng minh mình xứng đáng. Một là cho thấy bản thân đã tìm hiểu kỹ về chương trình, học bổng và khẳng định mình phù hợp với nó. Hai là chia sẻ những kinh nghiệm liên quan đến ngành học sẽ theo đuổi. Ba là lý do mình cần học bổng này.
Với yếu tố thứ hai, Chi dụng công chia sẻ những dự án đang làm để thuyết phục trường rằng cô học đại học về Kinh tế nhưng vẫn có thể học thạc sĩ một ngành liên quan đến STEM. Tổ chức Y4PD của Chi đã chạy được nhiều dự án, giúp các bạn trẻ nâng cao khả năng lãnh đạo, tư duy phản biện, đóng góp cho mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Chưa kể, cô cũng đang chạy một dự án đề cao đóng góp của nữ giới trong mục tiêu này, rất phù hợp với học bổng ứng tuyển.
Với lý do cần học bổng, Chi cho rằng các loại học bổng đều muốn tìm người phù hợp nhất chứ không hẳn người xuất sắc nhất. “Mình đã khẳng định rằng mình rất phù hợp, có thể học hỏi được nhiều điều, từ đó phát triển bản thân cả về kỹ năng, nghề nghiệp và đóng góp xã hội”, Chi kể lại những gì viết trong bài luận.
Giành học bổng toàn phần bậc thạc sĩ một cách suôn sẻ khiến Chi mãn nguyện. Dù quá trình apply thuận lợi, những gì có được để thể hiện trong hồ sơ là cả hành trình dài với cô.
Chương trình học thạc sĩ của Chi đã bắt đầu vào giữa tháng 9. Nội dung nặng về các môn STEM nên Chi gặp khó khăn trong những tuần phải học online. Cách học thiên về tự nghiên cứu cũng làm khó cô nàng vốn dành nhiều thời gian cho các dự án và chỉ tập trung tiếp thu bài trên lớp ở thời đại học. Dù vậy, với sự giúp đỡ của thầy cô, bạn bè, Chi tin bản thân sẽ hoàn thành tốt khoá học kéo dài một năm này.
Sắp hết 10 ngày tự cách ly, Chi dự định chăm lên thư viện nghiên cứu hơn để phục vụ việc học. Sau khi lấy bằng thạc sĩ, cô sẽ trở về Việt Nam, ứng dụng những gì đã học được để phát triển tổ chức do mình sáng lập, hướng nó thành doanh nghiệp xã hội, vừa đóng góp cho cộng đồng, vừa có thể cung cấp các khoá học nâng cao năng lực cho các bạn thanh niên, thủ lĩnh trẻ.
Năm 2021, Hội đồng Anh lần đầu công bố học bổng toàn phần khối ngành STEM cho nữ giới, với sự tham gia của 19 trường đại học tại Vương quốc Anh, nhằm hỗ trợ những phụ nữ đến từ các quốc gia châu Mỹ, Nam Á và Đông Nam Á, mong muốn có sự hỗ trợ tài chính để theo đuổi chương trình học thạc sĩ tại các trường đại học của Vương quốc Anh trong lĩnh vực liên quan đến STEM.