Cuộc tấn công chớp nhoáng năm 2010 cùng tin đồn “không bắt tù nhân” khiến cướp biển châu Phi luôn tháo chạy khi thoáng thấy bóng chiến hạm Nga.
Hải quân Nga hôm 25/10 triển khai một trực thăng vũ trang từ tàu khu trục tên lửa Phó đô đốc Kulakov tới ứng cứu tàu hàng MSC Lucia bị cướp biển tấn công ngoài khơi Nigeria. Tuy nhiên, khi mới thoáng thấy trực thăng Nga, nhóm cướp biển đã vội vàng rút xuống xuồng cao tốc, chạy hết tốc lực về phía bờ biển thoát thân.
Đây không phải lần đầu cướp biển châu Phi cuống cuồng rút chạy khi thấy hải quân Nga xuất hiện, điều dường như bắt đầu từ sau cuộc giải cứu tàu dầu Moscow University hồi năm 2010.
Ngày 5/5/2010, tàu hàng MV Moscow University chở theo 86.000 tấn dầu thô bị cướp biển tấn công cách bờ biển Somalia khoảng 800 km khi đang thực hiện hành trình đến Trung Quốc. Thủy thủ đoàn dùng vòi rồng và pháo hiệu để xua đuổi nhóm cướp biển, đồng thời liên tục cơ động để ngăn xuồng cao tốc tiếp cận. Tuy nhiên, các nỗ lực này không thành công và nhóm cướp biển vẫn có thể cập mạn, đổ bộ lên tàu sau khoảng một giờ.
Trước khi các tay súng tràn lên tàu Moscow University, thuyền trưởng ra lệnh giấu toàn bộ lương thực và nước uống, kích hoạt bộ phát tín hiệu khẩn cấp, sau đó cùng thủy thủ đoàn cố thủ trong khoang động cơ. Nhóm cướp biển hai lần tìm cách xâm nhập nơi trú ẩn của thủy thủ đoàn nhưng đều bị đẩy lùi.
Sau khi nhận được tín hiệu cầu cứu của Moscow University, không quân Australia điều máy bay tuần thám AP-3C tới nơi và phát hiện con tàu đang trôi dạt với ba xuồng nhỏ bên mạn, dấu hiệu cho thấy đây là một vụ cướp biển. Thuyền trưởng tàu Moscow University bắt liên lạc được với tổ bay Australia, thông tin được chuyển cho tàu khu trục Nguyên soái Shaposhnikov đang được Nga triển khai ở vịnh Aden.
Chiến hạm Nguyên soái Shaposhnikov điều trực thăng tới vị trí tàu Moscow University để trinh sát và mất nửa ngày để cơ động tới khu vực. Dù thấy tàu chiến Nga xuất hiện, nhóm cướp biển quyết định không chạy trốn, dù chúng không có con tin để thương lượng hoặc ngăn một cuộc tấn công giải cứu.
Nhóm cướp nổ súng về phía trực thăng trinh sát Nga, buộc tổ bay bắn trả và tiêu diệt một tên. Sau khi được thuyền trưởng xác nhận thủy thủ đoàn an toàn trong khoang máy, hải quân Nga bắt đầu tấn công giành lại quyền kiểm soát tàu Moscow University vào rạng sáng.
Hai phát đạn cảnh cáo được bắn ra, trước khi trực thăng vũ trang khai hỏa về phía tàu hàng để chế áp nhóm cướp. Hải quân đánh bộ Nga được triển khai bằng xuồng cao tốc từ tàu khu trục Nguyên soái Shaposhnikov và đổ bộ lên Moscow University. Hai bên đấu súng trong thời gian ngắn, trước khi 10 tên cướp biển đầu hàng và bị khống chế.
Quan chức Nga ban đầu tuyên bố nhóm cướp sẽ được đưa về Nga xét xử, nhưng Bộ Quốc phòng nước này sau đó cho biết cả 10 tay súng đều được thả tự do trên biển vì “những bất cập trong luật pháp quốc tế”.
Nhóm cướp được thủy thủ trên tàu chiến Nga cấp một ít thực phẩm và nước uống, nhưng không có thiết bị định vị, sau đó thả trôi trên xuồng bơm hơi ở khu vực cách bờ biển Somalia khoảng 560 km. Tuy nhiên, quyết định trả tự do này không khác gì “án tử” với nhóm cướp biển.
“Xuồng chở nhóm cướp biển biến mất khỏi radar tàu chiến Nga khoảng một giờ sau. Chúng nhiều khả năng không thể tới bờ biển và đã thiệt mạng”, quan chức Nga giấu tên cho biết. Bộ Quốc phòng Nga khi đó từ chối bình luận về số phận của nhóm cướp biển.
Moskva từng tỏ ý lưỡng lự khi phải trao trả cướp biển Somalia cho một nước thứ ba để xét xử, bởi quy trình tố tụng kéo dài và những kẽ hở luật pháp ở nước thứ ba có thể khiến chúng thoát tội và tiếp tục trở lại hoạt động tấn công tàu hàng. Điều này dẫn tới đồn đoán rằng lính Nga đã xử tử 10 tên cướp biển, cũng như thông tin hải quân Nga áp dụng chính sách “không bắt tù nhân” khi đối phó với các vụ cướp biển tấn công tàu hàng.
Cuộc giải cứu tàu hàng Moscow University là lần thứ tư hải quân Nga thành công trong chiến dịch chống cướp biển ở khu vực Sừng châu Phi giai đoạn 2009-2010.
Tháng 2/2009, tàu tuần dương hạt nhân Pyotr Đại đế bắt được 10 tên cướp biển Somalia cùng 3 xuồng cao tốc, nhiều vũ khí và ma túy. Nhóm cướp sau đó được chuyển giao cho Yemen xét xử. Hai tháng sau, tàu khu trục Đô đốc Panteleyev bắt được 29 tên cướp biển và chuyển cho một nước khác.
Tháng 5/2009, tàu khu trục Đô đốc Panteleyev truy đuổi cướp biển tấn công tàu hàng NS Spirit nhưng không bắt được ai, do nhóm cướp đã bỏ chạy trước đó.
Vũ Anh (Theo Business Insider)