Thứ Năm, ngày 07/10/2021 11:30 AM (GMT+7)
Nhiều khối tài sản đảm bảo được các ngân hàng “đại hạ giá” nhưng vẫn không dễ dàng thanh lý.
Cùng với việc giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn bởi tác động tiêu cực của dịch Covid-19, thời gian gần đây nhiều ngân hàng cũng đẩy nhanh quá trình thanh lý tài sản đảm bảo để xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, có một thực tế là nhiều khoản nợ, tài sản dù đã được rao bán nhiều lần, hạ giá từ vài chục cho tới vài trăm tỷ đồng so với ban đầu nhưng đến nay ngân hàng vẫn đang “bế tắc” trong việc xử lý.
Trong thông báo mới đây, ngân hàng BIDV một lần nữa mang khoản nợ 1.035 tỷ đồng (bao gồm 409 tỷ nợ gốc và 626 tỷ nợ lãi) của Công ty CP Tập Đoàn Khải Vy ra bán đấu giá. Đây là lần thứ 5 ngân hàng rao bán khoản nợ của doanh nghiệp này từ đầu năm 2021 đến nay.
Đáng chú ý, khoản nợ của Tập đoàn Khải Vy có rất nhiều tài sản đảm bảo giá trị đi kèm, như Trung tâm hội nghị tiệc cưới, khách sạn Crystal Palace (số 13 Nguyễn Lương Bằng, quận 7, TP.HCM). BIDV từng rao bán riêng Crystal Palace vào năm 2019 với giá khởi điểm 535 tỷ đồng rồi giảm xuống 356 tỷ đồng nhưng không thành công.
Bên cạnh đó, khoản nợ còn được bảo đảm bằng 367 ha rừng tại lâm trường Đắk Hà (huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) và 7 tài sản khác, bao gồm 6 xe ôtô các loại; hơn 8,7 triệu cổ phần của Công ty CP Hòn Tằm biển Nha Trang (chủ đầu tư dự án resort Hòn Tằm 114 ha); 51 tỷ đồng phải thu (tại ngày 4/7/2014) của Tập đoàn Khải Vy tại Hòn Tằm biển Nha Trang; 2 nhà máy sản xuất đồ gỗ và máy móc đi kèm của Tập đoàn Khải Vy tại Khu công nghiệp Long Mỹ (thành phố Quy Nhơn).
Trung tâm hội nghị tiệc cưới Crystal Palace được ngân hàng BIDV rao bán suốt từ năm 2019 nhưng vẫn chưa tìm được chủ mới.
Trong 4 lần rao bán trước đó, dù đã giảm giá hàng trăm tỷ đồng nhưng vẫn không có nhà đầu tư nào quan tâm. Lần này, BIDV đưa ra giá khởi điểm giảm chỉ 693 tỷ đồng, tương đương chưa tới 70% giá trị khoản nợ.
So với lần rao bán gần nhất hồi cuối tháng 7, giá khởi điểm đã giảm thêm 62 tỷ đồng. Trong khi nếu so với giá rao bán lần đầu vào tháng 5, giá khởi điểm kể trên thậm chí đã giảm tới 342 tỷ, tương đương 33%.
Không riêng khoản nợ của Tập đoàn Khải Vy, ngân hàng BIDV cũng đang phải chật vật thanh lý hàng loạt khoản nợ, tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu khác.
Theo đó, ngân hàng này cũng đang rao bán tài sản bảo đảm cho khoản nợ của Công ty CP Thuý Đạt. Tài sản bao gồm dây chuyền in và nhiều máy móc thiết bị đi kèm, giá khởi điểm là 6,3 tỷ đồng.
Đáng chú ý, đây đã là lần thứ 42 ngân hàng rao bán số tài sản kể trên. BIDV đã rao bán khối tài sản đảm bảo này liên tục từ năm 2019 đến nay.
Tương tự, BIDV cũng lần thứ 6 rao bán tài sản của Công ty TNHH May Thêu Hoàng Long thế chấp tại ngân hàng.
Giá khởi điểm cho toàn bộ tài sản trong lần rao bán gần nhất là 16,7 tỷ đồng, thấp hơn gần một nửa so với giá rao bán lần đầu (trên 32 tỷ).
Ngoài BIDV, nhiều ngân hàng lớn khác cũng không ít lần hạ giá các khoản nợ, tài sản để thanh lý nhưng không thành.
Ngân hàng VietinBank đang mang khoản nợ của Công ty TNHH Kinh doanh Thương mại và Xuất nhập khẩu Cát Tường ra thanh lý lần thứ 6.
Số dư nợ đến tháng 6/2021 là hơn 50,8 tỷ đồng, nhưng ngân hàng chỉ rao bán với giá 30,7 tỷ, tương đương 60% giá trị dư nợ. Nếu so với giá lần rao bán đầu tiên, khoản nợ này đã được VietinBank hạ giá hơn 20 tỷ đồng.
VietinBank cũng đang rao bán tài sản của Công ty TNHH Du lịch – Thương mại Hồng Nhung với tài sản đảm bảo là khối khách sạn 4 tầng và 6 tầng tại tỉnh Yên Bái với giá khởi điểm hơn 16,6 tỷ đồng.
VietinBank Hoàng Mai rao bán đấu giá khoản nợ của Công ty Cổ phần Cửu Long, trong đó dư nợ gốc là hơn 49 tỷ đồng, lãi quá hạn là gần 25 tỷ đồng và lãi phạt hơn 8,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong lần đấu giá này VietinBank Hoàng Mai đưa ra giá khởi điểm chỉ 45 tỷ đồng, tương đương với hơn 50% tổng nợ của khách hàng.
Tương tự, Vietcombank trước đó cũng 4 lần rao bán lô đất 443m2 tại số 91 Hồ Xuân Hương (quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng) và 77 máy điều hòa nhiệt độ với giá khởi điểm 74,3 tỷ đồng, giảm gần 30% so với giá rao bán lần đầu.
Cùng với việc liên tục rao bán tài sản thanh lý để xử lý nợ xấu, thời gian qua cả BIDV, VietinBank và Vietcombank cũng đã tích cực tham gia vào việc giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Theo đó, từ tháng 7/2021, BIDV đã thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu bình quân 1%/năm. Theo Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 31/8, tổng số tiền lãi BIDV đã giảm cho khách hàng là 1.032 tỷ đồng; với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là trên 910.556 tỷ đồng cho gần 304.765 khách hàng.
Tổng số tiền lãi VietinBank đã giảm cho khách hàng là 857 tỷ đồng; với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là 701.322 tỷ đồng cho 302.977 khách hàng.
Trong đó, tổng số tiền lãi Vietcombank đã giảm cho khách hàng là 943 tỷ đồng; với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là 725.167 tỷ đồng cho 238.865 khách hàng.
Nguồn: http://danviet.vn/dai-ha-gia-tai-san-dam-bao-ngan-hang-van-chat-vat-thanh-ly-50202171011282219.h…
Với đà tăng ấn tượng của cổ phiếu thép, Tập đoàn Hoa Sen (HSG) của đại gia đi tu Lê Phước Vũ đã trở thành doanh nghiệp…