Đau lưng rất thường gặp, ảnh hưởng đến các phần khác nhau của lưng và kéo dài vài ngày đến nhiều năm.
Lưng bao gồm nhiều cấu trúc phối hợp với nhau để hỗ trợ cơ thể như đốt sống, tủy sống, đĩa đệm, dây chằng, cơ bắp, gân. Một hay nhiều cấu trúc này gặp vấn đề chẳng hạn chấn thương, viêm cột sống dính khớp, nhiễm trùng, khối u và ung thư đều có thể gây đau lưng.
Triệu chứng
Đau lưng có thể biểu hiện dưới dạng đau cơ, cứng khớp buổi sáng, đau do hoạt động, cảm giác bị cứng ở lưng. Đặc điểm của cơn đau gồm:
- Tỏa ra từ lưng vào chân, hông hoặc bụng.
- Tăng khi nâng đồ vật, uốn hoặc vặn xoắn lưng.
- Giảm khi nghỉ ngơi, ngồi hoặc đứng.
Đau lưng có thể cấp tính (kéo dài vài ngày đến vài tuần), bán cấp (4-12 tuần) hoặc mạn tính (hơn 12 tuần). Thời gian đau lưng tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra.
Đau lưng do nhiễm trùng có thể khỏi sau một đợt điều trị bằng kháng sinh, trong khi tình trạng đau do thoái hóa cột sống có thể kéo dài suốt đời. Phụ nữ bị đau lưng khi mang thai hầu như thường hết sau khi sinh.
Nguyên nhân
Vấn đề về cơ học hoặc cấu trúc ở lưng
- Bong gân, căng cơ hoặc dây chằng.
- Đĩa đệm bị thoát vị hoặc vỡ.
- Thoái hóa đĩa đệm do lão hóa.
- Trượt đốt sống lưng.
- Hẹp cột sống.
- Đau thần kinh tọa.
- Gãy đốt sống.
- Chấn thương.
Các tình trạng bệnh lý
- Viêm cột sống dính khớp.
- Gãy xương liên quan đến loãng xương.
- Đau cơ xơ hóa.
- Khối u cột sống hoặc ung thư đã lan rộng (di căn) đến lưng, cột sống.
- Nhiễm trùng xương, bụng, xương chậu.
- Nhiễm trùng thận hoặc sỏi thận.
- Lạc nội mạc tử cung.
Các yếu tố nguy cơ khác
- Mang thai.
- Tuổi tác.
- Ít tập thể dục.
- Tư thế xấu.
- Thừa cân, béo phì.
- Hút thuốc.
- Nâng đồ vật không đúng cách.
- Ngồi nhiều một chỗ.
- Di truyền học.
Chẩn đoán
Ngoài xem xét bệnh sử cá nhân, gia đình, kiểm tra cột sống và tư thế của người bệnh, bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm để loại trừ hoặc xác định nguyên nhân gây đau lưng.
- X-quang giúp kiểm tra tình trạng gãy xương, những thay đổi liên quan đến tuổi tác đối với xương cũng như những thay đổi về độ thẳng hàng của cột sống.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI) giúp bác sĩ chẩn đoán tổn thương hoặc bệnh tật ở các mô mềm của lưng, bao gồm đĩa đệm, dây chằng và rễ thần kinh.
- Chụp cắt lớp trục vi tính (CAT) tạo ra các góc nhìn ba chiều của mặt sau bằng cách sử dụng hình ảnh X-quang được chụp ở các góc khác nhau. Nhờ đó, bác sĩ có thể chẩn đoán các vấn đề với cột sống cùng các mô xung quanh.
- Điện cơ (EMG) hoặc các xét nghiệm điện sinh lý khác để phát hiện các vấn đề về cơ hoặc thần kinh.
- Xét nghiệm máu xác định một số rối loạn viêm hoặc bệnh lý gây đau lưng từ các dấu hiệu trong máu.
Điều trị
Phương pháp điều trị khác nhau tùy theo nguyên nhân gây ra, mục đích là giảm đau và cải thiện khả năng hoạt động.
Các biện pháp tự nhiên
- Chườm nóng hoặc lạnh.
- Thực hành bài tập giãn cơ lưng.
- Tránh các hoạt động làm tăng cơn đau.
- Thư giãn để giảm căng thẳng và căng cơ.
Dùng thuốc
Bác sĩ có thể kê thuốc giảm đau, thuốc chống viêm không steroid (NSAID) cho người bệnh. Thuốc giảm đau tại chỗ được bôi dưới dạng kem, thuốc mỡ hoặc miếng dán cũng có thể hữu ích.
Vật lý trị liệu
Thực hành các bài tập chuyên biệt nhằm tăng cường cơ bắp hỗ trợ lưng, tăng tính linh hoạt và cải thiện tư thế. Thực hiện thường xuyên những bài tập này có thể giảm đau và phòng ngừa tốt hơn.
Phẫu thuật
Phẫu thuật điều trị đau lưng được bác sĩ chỉ định cho người bệnh khi các phương pháp điều trị trên không hiệu quả.
Biến chứng
Đau lưng không được điều trị có thể dẫn đến nhiều biến chứng khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân.
- Tổn thương thần kinh vĩnh viễn cùng các khiếm khuyết liên quan đến vận động.
- Bệnh tim mạch, tiểu đường, viêm khớp, ngưng thở khi ngủ và các vấn đề sức khỏe khác do tăng cân.
- Khuyết tật.
- Biến dạng lưng.
- Ảnh hưởng khả năng sinh sản.
Bảo Bảo (Theo Everyday Health)