Trăn trở với các sản phẩm từ tự nhiên, chị Phạm Thị Hậu (36 tuổi, Hà Nội) phát động dự án hướng dẫn và nhận dầu mỡ thừa để trả lại xà phòng cho cộng đồng.
Là người nấu ăn, rửa bát hằng ngày, Hậu nhận thấy số dầu thừa thải ra từ các món chiên, rán khá nhiều. Nếu đổ nó xuống cống thì dễ gây ra tắc cống, lâu ngày gây hại cho môi trường. Là một người lâu nay thực hành theo lối sống thuận tự nhiên, Hậu nghĩ ngay đến việc tái chế dầu thừa.
Tự bỏ tiền theo học các khóa học nâng cao về xà phòng cộng với tự mày mò học hỏi, chị cho ra đời những sản phẩm đầu tiên phục vụ nhu cầu của chính gia đình mình. Chị nhận thấy những sản phẩm xà phòng mình làm ra vừa an toàn cho người sử dụng, vừa thân thiện với môi trường, nên nếu chỉ một mình mình biết thì rất phí.
Nghĩ là làm, bà mẹ hai con nảy ra ý tưởng lan tỏa thói quen này tới cộng đồng, đặc biệt là ở quy mô nhỏ trong gia đình. Một vài người làm có thể không nhìn thấy sự thay đổi, nhưng nhiều người cùng làm thì rất có thể sẽ có những tác động đáng kể tới môi trường. Dự án Tái chế dầu thừa được ra đời từ suy nghĩ đó.
Hậu và con gái với các sản phẩm xà phòng làm từ dầu mỡ thừa |
Dự án đưa ra 2 phương án để mỗi gia đình đều có thể tái chế số dầu thừa sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày. Phương án thứ nhất là tự thao tác tại nhà theo hướng dẫn để có được thành phẩm. Phương án thứ hai, mọi người có thể gửi dầu thừa đến cho dự án, sau đó lấy về thành phẩm với một chút chi phí gửi lại cho người làm. Hoặc người gửi có thể nhận về số thành phẩm ít hơn số thành phẩm làm ra từ dầu thừa gửi đến mà không phải trả thêm bất cứ chi phí nào.
Hậu cho biết, đa số mọi người lựa chọn cách này, bởi vì không ai muốn chi thêm tiền. Tuy nhiên, cách thức mà Hậu mong muốn và khuyến khích mọi người làm theo nhất là phương án 1. Bởi vì cách thức này sẽ giúp giảm bớt chi phí đi lại, vận chuyển và ai cũng có thể chủ động làm.
“Thời gian đầu, rất nhiều người tỏ ra hào hứng và quan tâm tới dự án, thích hoạt động tái chế này. Tuy nhiên, có thể do ngại hoặc chưa tự tin nên mọi người thường thích gửi dầu đến cho dự án hơn. Vì thế, để dự án có thể hoạt động được lâu dài, chúng tôi xin phép giữ lại một phần dầu các bạn gửi đến hoặc thu một chút chi phí”.
Hậu cho biết, phần dầu giữ lại cũng sẽ được tái chế thành các sản phẩm xà phòng để bán nhằm có khoản thu, dùng để mua nguyên vật liệu, đảm bảo duy trì các hoạt động của dự án. Tuy nhiên, hiện tại, toàn bộ công sức, chi phí của dự án đều là do tiền túi của cô bỏ ra.
Cô cũng cho biết, sản phẩm xà phòng hiện cô đang hướng dẫn mọi người làm mới chỉ là xà phòng để giặt tẩy cơ bản. Sau này, khi dự án mở rộng hơn và học hỏi được nhiều kiến thức hơn, có thể cô sẽ hướng dẫn mọi người làm các sản phẩm nâng cao hơn như xà phòng dùng để tắm, gội đầu, dưỡng da…
Một phần quan trọng khác để dự án có thể lan tỏa là xây dựng mạng lưới vệ tinh. Bởi vì, không chỉ ở Hà Nội, có nhiều người ở các tỉnh thành khác cũng mong muốn tái chế dầu thừa trong gia đình thành xà phòng để sử dụng. Nhưng nếu phải gửi dầu thừa ra tận Hà Nội thì quá tốn kém và bất tiện. Vì thế, Hậu mong muốn có thể xây dựng một mạng lưới vệ tinh ở khắp các tỉnh thành để lan tỏa thói quen này.
Các đầu mối này sẽ là những người yêu thích và quan tâm tới tái chế, tới bảo vệ môi trường. Hậu cho biết, cô sẵn sàng chia sẻ lại kiến thức và hỗ trợ các đầu mối để các bạn có thể đứng lên hướng dẫn lại cho mọi người và tiếp nhận dầu thừa mang về tái chế để cho ra thành phẩm. Có như thế, dự án mới được lan tỏa rộng khắp tới từng gia đình, tạo thành một phong trào lâu dài và bền vững.
Hậu mong muốn phát triển các mạng lưới khắp các tỉnh thành để cùng nhau xây dựng một cộng đồng tái chế dầu mỡ thừa thành xà phòng. |
Cũng là một người yêu thích các sản phẩm chiết xuất từ nguyên liệu tự nhiên, chị Đặng Thị Việt Hà (28 tuổi, Đà Nẵng) bắt đầu làm xà phòng từ dầu thừa khoảng 1 tháng nay. Những sản phẩm của chị khi đăng lên trang cá nhân và hội nhóm tái chế nhận được nhiều lời khen ngợi của mọi người.
Là giáo viên Hóa học, chị Hà cho biết chị làm xà phòng chỉ xuất phát từ nhu cầu cá nhân. Bởi vì luôn khuyến khích học sinh của mình ứng dụng kiến thức vào cuộc sống nên đây cũng là một cách để chị chứng minh rằng kiến thức học thuật luôn có ích trong thực tiễn.
Sản phẩm xà phòng làm từ dầu mỡ thừa của chị Việt Hà. |
Tuy nhiên, khi nhận được nhiều ủng hộ cùng với sự khuyến khích từ Hậu, chị Hà cũng mong muốn lan tỏa hoạt động này tới nhiều người hơn. “Hiện tại, mình cũng mới chỉ chia sẻ trên các hội nhóm, kêu gọi mọi người tham gia cùng. Còn nếu để làm lâu dài, có lẽ mình sẽ cần người hỗ trợ. Nếu mọi người có hứng thú với hoạt động này, có thể mình sẽ tổ chức thu nhận và làm xà phòng định kỳ vào một ngày nào đó. Đó cũng là cách để tránh tích trữ nhiều dầu thừa trong nhà, dễ gây mất an toàn” – chị Hà chia sẻ.
Còn với Hậu, cô cho biết, nếu dự án phát triển thành công, đây sẽ là một niềm vui lớn với cô khi được đóng góp kiến thức của mình cho cộng đồng. “Tình trạng nước thải nhiễm dầu mỡ đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ. Tại các thành phố lớn, tình trạng này càng nghiêm trọng hơn, đặc biệt trong giai đoạn này, khi các gia đình ở nhà và có nhiều thời gian nấu nướng. Tái chế dầu thừa vừa giảm ô nhiễm, giảm thiểu tác hại của hoá chất tẩy rửa độc hại ra môi trường, vừa tiết kiệm chi phí sinh hoạt cho gia đình”.
Đăng Dương
Ông lão Hà Nội 14 năm nhặt rác, tái chế thành vật hữu ích
Qua bàn tay của ông Lĩnh (74 tuổi, Nam Từ Liêm, Hà Nội), rác thải trở thành món đồ hữu ích.