GS.TS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia, chia sẻ bên lề Hội nghị Công tác chỉ đạo tuyến và cập nhật tiến bộ mới trong chẩn đoán, điều trị bệnh lý tim mạch, do Bệnh viện 19-8 (Bộ Công an) tổ chức ngày 10/9.
Điểm chung của các bệnh nhân trẻ bị nhồi máu cơ tim
Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm có hơn 200.000 người Việt tử vong vì bệnh lý tim mạch, cao hơn nguyên nhân do bệnh lý ung thư (khoảng 120.000 người/năm).
“Trong 30 năm qua, theo điều tra, mỗi năm huyết áp của người Việt tăng thêm 1mmHg, tức là 1%, rất đáng sợ”, Giáo sư Phạm Mạnh Hùng thông tin với VietNamNet. Tỷ lệ người lớn mắc tăng huyết áp tăng gấp 3 sau 20 năm (từ 10% năm 2000 lên 30% năm 2020).
Viện Tim mạch Quốc gia mỗi năm điều trị trên 20.000 bệnh nhân. Nếu trước đây các bệnh lý tim mạch do nhiễm trùng như thấp tim, van tim do thấp hay tim bẩm sinh chiếm tỷ lệ lớn thì nay các bệnh lý tim mạch do yếu tố nguy cơ như mạch vành, nhồi máu cơ tim… tăng lên rất nhanh.
“30 năm trước, bệnh lý mạch vành chỉ chiếm 10-15% bệnh nhân điều trị nội trú tại Viện Tim mạch thì năm 2023, trong 4.000 ca can thiệp động mạch vành có hơn một nửa là nhồi máu cơ tim cấp”, Giáo sư Hùng cho hay, trong đó có nhiều người trẻ, cá biệt có những ca 24-26 tuổi.
Điều đáng chú ý, các bệnh nhân trẻ bị nhồi máu cơ tim có điểm chung về các yếu tố nguy cơ cao như nam giới, béo phì, hút thuốc lá và tiền sử gia đình có người mắc bệnh lý tim mạch sớm.
Tại Bệnh viện 19-8, mỗi ngày khoa Nội tim mạch tiếp nhận khám tới 300 bệnh nhân. Các bác sĩ cũng thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân hội chứng mạch vành cấp (nhồi máu cơ tim), trong đó có nhiều người trẻ tuổi, được cứu sống nhờ áp dụng kỹ thuật cao.
Bên cạnh các nguy cơ truyền thống gây ra bệnh không lây nhiễm như lười vận động, hút thuốc lá, uống rượu, chế độ ăn uống, theo Giáo sư Hùng, sự gia tăng và trẻ hoá bệnh lý tim mạch còn do các yếu tố nguy cơ mới nổi liên quan đến môi trường, stress. Theo đó, stress làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch sớm hoặc tăng biến chứng trên người đã mắc bệnh lý tim mạch.
Người mắc bệnh lý tim mạch ở Việt Nam không còn phải ra nước ngoài điều trị
Đánh giá về những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý tim mạch tại Việt Nam hiện nay, GS Phạm Mạnh Hùng cho biết hiện cả nước có 142 trung tâm thực hiện can thiệp tim mạch. Năng lực của thầy thuốc dù đã được nâng cao dù khoảng cách trình độ giữa tuyến trên – tuyến dưới vẫn là điều cần cố gắng. Tuy nhiên, ông khẳng định người mắc bệnh lý tim mạch ở Việt Nam không phải ra nước ngoài điều trị.
PGS.TS Hoàng Thanh Tuyền, Giám đốc Bệnh viện 19-8, cho hay khoa Nội tim mạch của đơn vị này hiện cơ bản thực hiện được các kỹ thuật cao trong chuyên ngành, cứu sống nhiều bệnh nhân nguy kịch. Bệnh viện cập nhật các kỹ thuật cao hàng đầu từ các trung tâm y khoa lớn tại Việt Nam và thế giới như đốt RS điều trị rối loạn nhịp tim, lập bản đồ 3D điều trị rối loạn nhịp phức tạp… Năm 2024, bệnh viện triển khai kỹ thuật đặt stent graff động mạch chủ cấp, đây là bệnh lý rất nguy hiểm.
PGS Tuyền thông tin mới đây bệnh viện cấp cứu thành công nam bệnh nhân nhồi máu cơ tim, vào viện với tình trạng ngừng tim. Các bác sĩ trực cấp cứu lập tức bật báo động đỏ, tiến hành hồi sức tim mạch, khi bệnh nhân có nhịp tim trở lại liền được đẩy vào phòng can thiệp đặt 2 stent. Sau 5 ngày điều trị, bệnh nhân ra viện, tiếp tục tái khám theo hẹn.
Theo PGS Tuyền, bên cạnh việc tuyển dụng, đào tạo, bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao, đề xuất các trang thiết bị hiện đại, sự hỗ trợ chuyên môn của các chuyên gia rất quan trọng với các tuyến y tế trong lực lượng CAND. Giám đốc Bệnh viện 19-8 đánh giá buổi hội thảo có ý nghĩa không chỉ đối với đơn vị này mà còn là dịp y tế CAND được cập nhật kiến thức, kỹ thuật mới, được trao đổi học hỏi từ các chuyên gia đầu ngành, từ đó ứng dụng trong thực hành điều trị cho cán bộ chiến sĩ và phục vụ nhân dân.
Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022-2025 đặt mục tiêu tăng cường kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh, đẩy mạnh các biện pháp dự phòng, phát hiện sớm và quản lý điều trị để hạn chế sự gia tăng tỷ lệ người tiền bệnh, mắc bệnh, tàn tật và tử vong sớm do các bệnh không lây nhiễm (trong đó có tim mạch) và các rối loạn sức khỏe tâm thần khác, nhằm góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe của nhân dân.