Nếu ông Trump và bà Harris đều giành được 269 phiếu đại cử tri trong bầu cử năm nay, Hạ viện Mỹ sẽ quyết định ai là tân tổng thống.
Tại Mỹ, cử tri không trực tiếp bầu tổng thống theo phổ thông đầu phiếu, mà thông qua đại cử tri đoàn, gồm 538 đại cử tri. Các bang được phân bổ số lượng đại cử tri theo quy mô dân số và hầu hết áp dụng cơ chế “người thắng lấy hết”, nghĩa là ứng viên thắng phiếu phổ thông ở bang nào sẽ được trao toàn bộ phiếu đại cử tri của bang đó.
Để đắc cử, ứng viên cần nhận tối thiểu 270 phiếu. Hai ứng viên trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay là ông Donald Trump và bà Kamala Harris đang bám đuổi nhau sít sao trong các khảo sát toàn quốc và tại 7 bang chiến trường, khiến kết quả trở nên khó đoán, thậm chí có thể dẫn đến kịch bản chưa từng thấy là cả hai hòa nhau về số phiếu đại cử tri.
Lịch sử hiện đại Mỹ chưa từng ghi nhận trường hợp hai ứng viên có số phiếu đại cử tri ngang nhau, nhưng giới chuyên gia cho rằng việc ông Trump và bà Harris năm nay cùng đạt 269 phiếu không phải bất khả thi. Trang thăm dò 538/ABC News sử dụng mô hình máy tính để thực hiện 1.000 cuộc bầu cử giả định, trong đó ông Trump và bà Harris hòa phiếu trong 4 kịch bản.
Trang này nhận định bà Harris gần như chắc chắn nắm 225 phiếu đại cử tri ở các bang thành trì/nghiêng về Dân chủ, còn số phiếu này của ông Trump là 219. Trong kịch bản thứ nhất, ông Trump có thêm 50 phiếu từ các bang chiến trường Pennsylvania, Bắc Carolina và Michigan, còn bà Harris có thêm 44 phiếu từ các bang Georgia, Arizona, Wisconsin, Nevada và khu vực bầu cử số 2 (Nebraska-2) của bang Nebraska.
Kịch bản thứ hai cũng tương tự, chỉ khác là bà Harris thắng ở Bắc Carolina, còn ông Trump thắng ở Georgia. Trong kịch bản thứ ba, bà Harris thắng ở Pennsylvania, Michigan và Wisconsin, có thêm 44 phiếu. Ông Trump thắng 4 bang chiến trường còn lại và Nebraska-2, cũng đạt 269 phiếu.
Trong kịch bản thứ tư, ông Trump thắng ở Pennsylvania, Michigan, Wisconsin và Nevada, còn bà Harris thắng ở Bắc Carolina, Georgia, Arizona và Nebraska-2, khiến hai ứng viên đều đạt 269 phiếu.
Trong những tình huống này, Tu chính án thứ 12 trong Hiến pháp Mỹ được kích hoạt, trong đó quy định Hạ viện lựa chọn tổng thống, còn Thượng viện chọn phó tổng thống.
Trong cuộc bỏ phiếu năm nay, cử tri Mỹ không chỉ bầu tổng thống, mà còn bầu lại 100 ghế Thượng viện và 435 ghế Hạ viện. Lưỡng viện khóa mới sẽ bắt đầu làm việc từ ngày 3/1/2025.
Hạ viện Mỹ khóa mới sẽ họp ngày 6/1/2025 để kiểm đếm và xác nhận phiếu đại cử tri. Nếu ông Trump và bà Harris đều cùng đạt 269 phiếu đại cử tri, cơ quan này sẽ tuyên bố “bầu cử theo nghị sĩ đoàn” để quyết định ai là người đắc cử. Các ứng viên trong cuộc bầu cử đặc biệt này là ba người có nhiều phiếu phổ thông nhất.
Thay vì bỏ phiếu với tư cách là 435 nghị sĩ riêng lẻ, nghị sĩ đoàn của một bang chỉ có một phiếu, đồng nghĩa Hạ viện có tổng cộng 50 phiếu bầu tổng thống. Các nghị sĩ trong đoàn đại biểu quốc hội của một bang sẽ phải tự nhất trí về lá phiếu của mình.
Ứng viên nhận quá bán 26 phiếu nghị sĩ đoàn sẽ đắc cử. Hạ viện Mỹ sẽ liên tục bỏ phiếu cho đến khi một ứng viên nhận đa số phiếu và chiến thắng.
Cục diện Hạ viện đang có lợi cho đảng Cộng hòa, do phe này nắm thế kiểm soát tại 26 bang, đảng Dân chủ nắm 22 bang, còn Minnesota và Bắc Carolina có số nghị sĩ lưỡng đảng bằng nhau.
Cơ cấu này có thể thay đổi sau cuộc bầu cử ngày 5/11. Dự báo của 538/ABC News cho thấy đảng Cộng hòa có thể kiểm soát 28 bang, đảng Dân chủ nắm 18 bang, còn 4 bang có số nghị sĩ lưỡng đảng ngang ngửa. Điều này đồng nghĩa ông Trump có cơ hội thắng cao hơn nếu “bầu cử theo nghị sĩ đoàn” diễn ra.
Thượng viện sẽ quyết định phó tổng thống từ hai ứng viên nhận nhiều phiếu nhất. Mỗi thượng nghị sĩ bỏ một phiếu, ứng viên cần nhận 51 phiếu trong tổng số 100 phiếu để chiến thắng. Hai ứng viên phó tổng thống của đảng Cộng hòa và Dân chủ lần lượt là JD Vance và Tim Walz.
Nếu Hạ viện không quyết định được Tổng thống trước trưa ngày tuyên thệ nhậm chức 20/1/2025, Phó tổng thống đắc cử sẽ giữ vai trò quyền tổng thống cho đến khi phá thế bế tắc.
Trong trường hợp Thượng viện cũng không quyết định được tân phó tổng thống trước 20/1/2025, Đạo luật Tổng thống Kế nhiệm quy định chủ tịch Hạ viện sẽ đảm nhận vai trò điều hành đất nước cho đến khi chọn được tổng thống và cấp phó.
“Bầu cử theo nghị sĩ đoàn” từng xảy ra hai lần trong lịch sử Mỹ. Năm 1800, cuộc bầu cử tổng thống diễn ra giữa Thomas Jefferson, Aaron Burr đều thuộc đảng Dân chủ – Cộng hòa và John Adams, Charles Cotesworth Pinckney thuộc đảng Liên bang (Federalist).
Mỗi đại cử tri bỏ hai phiếu, một cho tổng thống, một cho phó tổng thống. Người nhận nhiều phiếu nhất đắc cử tổng thống, ứng viên về nhì là phó tổng thống. Phe Dân chủ – Cộng hòa đánh bại phe Liên bang, nhưng Jefferson và Burr đều nhận 73 phiếu đại cử tri, buộc Hạ viện Mỹ phải tổ chức bầu cử theo nghị sĩ đoàn để chọn tổng thống. Ông Jefferson hội đủ đa số phiếu trong lần bỏ phiếu thứ 36 của Hạ viện và đắc cử, ông Burr làm phó tổng thống.
“Đó là một trong những dấu hiệu đầu tiên cho thấy cơ chế đại cử tri đoàn do những người lập quốc Mỹ tạo ra không hoạt động như mong muốn”, Robert Alexander, giáo sư khoa học chính trị Đại học Ohio Northern, nói.
Tu chính án thứ 12 sau đó ra đời, tách riêng phiếu bầu tổng thống và phó tổng thống. Trong trường hợp hòa phiếu, tổng thống sẽ do Hạ viện quyết định, phó tổng thống do Thượng viện lựa chọn. Tu chính án thứ 12 được áp dụng từ năm 1804.
“Bầu cử theo nghị sĩ đoàn” được tổ chức lần thứ hai trong lịch sử Mỹ khi không ứng viên nào nhận được quá bán phiếu đại cử tri vào năm 1824. Hai ứng viên nhận được nhiều phiếu đại cử tri nhất là John Quincy Adams, 84 phiếu, và Andrew Jackson, 99 phiếu, đều của đảng Dân chủ – Cộng hòa.
Trong vòng bầu cử theo nghị sĩ đoàn sau đó, Hạ viện Mỹ đã chọn ông Adams làm ông chủ Nhà Trắng.
Như Tâm (Theo CNN, ABC News)