Trưa ngày 7/4, rất nhiều người thân, bạn bè đến chia buồn, thăm hỏi gia đình phi công, Đại tá Chu Quang Minh (ở Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội) sau vụ tai nạn rơi máy bay trực thăng trên biển giáp ranh Quảng Ninh và Hải Phòng.
Nhiều người đã nghẹn lòng, không cầm được nước mắt khi biết tin phi công Minh về với “bầu trời xanh” mãi mãi.
Ngồi bần thần trước ban thờ của chồng, bà Nguyễn Thị Ngân (55 tuổi, vợ phi công Chu Quang Minh) chia sẻ, chồng mình từng có 4 năm học phi công tại Nga, sau khi về Việt Nam lấy vợ sinh được 2 người con (1 trai, 1 gái). Hiện nay con gái đã lập gia đình, con trai đang học đại học năm thứ nhất.
Vì đặc thù của công việc nên Đại tá Chu Quang Minh rất ít khi ở nhà, có những chuyến bay dịch vụ kéo dài nhiều tháng.
“Kết hôn được khoảng 30 năm nhưng vợ chồng tôi rất ít khi được ở cùng nhau. Tôi ở nhà chăm lo con cái cho chồng yên tâm công tác, thế mà nay anh đã mãi ra đi, bỏ lại mấy mẹ con”, bà Ngân buồn rầu nói.
Theo bà, công việc của chồng rất vất vả, gần như không có ngày nghỉ.
“Ban đầu chồng tôi làm tại sân bay Cát Bi ở Hải Phòng, tới năm 1990 chuyển vào trong Đà Nẵng, đến năm 2000 chuyển ra Hà Nội.
Hiện giờ cuộc sống bắt đầu ổn định, cuối năm nay anh ấy được nghỉ hưu, chúng tôi dự định sẽ đi du lịch cùng nhau đó đây, nhưng chưa kịp thực hiện đã xảy ra sự việc đau lòng”, bà Ngân bật khóc.
Nhớ lại hôm chồng mình gặp nạn, bà Ngân cho biết, khi đó đang đi thể dục, con gái gọi về thông báo máy bay của bố bị mất tín hiệu, lúc đó bà đã lường trước được sự việc.
“Tôi với chồng cũng chia sẻ với nhau rất nhiều về công việc, anh nói việc mất tín hiệu ở máy bay là rất hiếm, nên khi con gái báo chuyện tôi đã hình dung ra sự việc”, bà Ngân cho hay.
Bà Ngân cố giữ bình tĩnh, thắp hương gia tiên phù hộ và dọn dẹp nhà cửa. Bà vẫn cố nuôi một chút hy vọng về kỳ tích. Cả đêm bà thức trắng lên mạng đọc từng dòng tin tức vụ máy bay rơi.
“2h sáng, facebook của con gái chuyển ảnh đại diện màu đen, lúc này tôi hiểu không còn chút hy vọng nào nữa rồi”, bà Ngân nghẹn lời.
Tin nhắn cuối cùng bà nhận từ chồng là dòng thông báo “mai anh bay dưới Hạ Long 1 tuần”.
Trong trí nhớ của bà, chồng mình chưa từng có ngày phép, nên sự việc xảy ra bà cũng tự an ủi mình và các con “đây là chuyến công tác dài ngày” của ông.
Theo bà, phi công Minh rất yêu nghề, chính vì thế trong nhà có nhiều máy bay mô hình. Dù công việc rất bận, nhưng ông luôn lo toan được mọi việc trong gia đình.
“Anh ấy là một người chồng, người cha mẫu mực trong gia đình. Tự bản thân anh luôn khẳng định rằng mình là ‘người thuyền trưởng’ cho mẹ con tôi học theo”, bà Ngân chia sẻ.
Như đã đưa tin, vào lúc 17h6 ngày 5/4, máy bay trực thăng Bell-505 (số hiệu VN-8650) của Công ty trực thăng miền Bắc, Binh đoàn 18, gặp tai nạn ở khu vực biển giáp ranh xã Gia Luận, huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng.
Trên máy bay lúc này có 5 người, gồm Đại tá phi công Chu Quang Minh (SN 1964) và 4 du khách người Đà Nẵng: Ông Hồ Tá Lực (SN 1964), bà Nguyễn Thị Hội (SN 1963), bà Hồ Thị Oanh (SN 1962) và bà Phạm Thị Bê (SN 1958).
Đến nay, lực lượng chức năng đã tìm được thi thể của 5 nạn nhân này.