Mất 10 ngày ròng rã đi bộ rạc chân mới tìm được chỗ ở, Phan Nghĩa vẫn được bạn bè khen “may mắn” khi sớm an cư trong thời gian ngắn ở một nơi đắt đỏ như Barcelona.
Phan Quang Nghĩa, 24 tuổi, giành được học bổng toàn phần Erasmus Mundus, chương trình European Politics and Society (Chính trị và Xã hội châu Âu) trị giá 47.000 euro (khoảng 1,2 tỷ đồng) năm 2020.
Đầu tháng 10/2021, Nghĩa đến Đại học Pompeu Fabra, Tây Ban Nha, du học. Trải qua khó khăn trong việc thuê nhà, anh muốn chia sẻ kinh nghiệm để phần nào hỗ trợ những du học sinh rơi vào tình cảnh tương tự.
Chương trình học thạc sĩ của tôi kéo dài hai năm tại ba quốc gia Cộng hòa Czech, Ba Lan và Tây Ban Nha. Do Covid-19 và gặp trục trặc visa, tôi đã học online tại Việt Nam trong năm đầu tiên.
Vì không biết khi nào được duyệt visa sang Tây Ban Nha, tôi không tìm nhà và đặt cọc sớm, lo ngại rằng giấy tờ có thể tiếp tục trục trặc và không sang được đúng hẹn. Tôi quyết định sang đến nơi mới bắt đầu tìm chỗ ở.
Chiều tối ngày 1/10, tôi đến Barcelona, đi tàu đến một nhà trọ (hostel) ở gần trường mà tôi đã đặt trước khi bay. Giá thuê của nhà trọ này là 25 euro một ngày (khoảng 660.000 đồng), không gồm chi phí ăn uống. Giá một bữa ăn loại rẻ khoảng 7-10 euro, vì vậy, sau một tuần, tôi đã tiêu 300-400 euro.
Mức hỗ trợ học bổng của tôi khoảng 1.000 euro mỗi tháng cho cả tiền nhà và phí sinh hoạt. Chi phí ở nhà trọ và đi ăn ngoài đắt đỏ thúc giục tôi cần tìm được nơi ở ổn định càng sớm càng tốt. Hơn nữa với tôi, không có chỗ ở đàng hoàng sẽ rất khó để học và làm việc hiệu quả.
Barcelona là thành phố lớn của Tây Ban Nha, giá thuê nhà rất đắt. Ở khu trung tâm, một phòng ngủ ổn (sử dụng chung bếp và nhà vệ sinh với các phòng khác) thường có giá 500 euro một tháng, còn căn hộ khép kín với diện tích nhỏ (studio) khoảng 1.000 euro. Những chỗ ở dạng ký túc xá khép kín cho học sinh, sinh viên (student housing) cũng có giá trung bình 700 euro, nhiều nơi giảm rồi mới được mức này. Tôi loại ngay ý tưởng về căn hộ studio và student housing vì giá thuê của nó ngang ngửa mức hỗ trợ học bổng cả tháng của tôi.
Tại Barcelona, các chủ nhà thường muốn tìm người thuê dài hạn, còn du học sinh, đặc biệt những người học ở nhiều quốc gia theo chương trình Erasmus Mundus, lại thường chỉ thuê 6-12 tháng, tài chính cũng không vững.
Chưa kể, nếu “chốt” thuê nhà, bạn cần đặt cọc 2-5 tháng, đóng tiền tháng đầu tiên và có thể phải trả thêm phí môi giới, tổng cộng lên tới vài nghìn euro. Du học sinh được lĩnh học bổng hàng tháng chứ không được nhận luôn cả gói nên “bài toán” tiền cọc đã khiến tôi rất đau đầu. Để giải quyết, tôi hướng đến việc rủ bạn cùng lớp thuê một căn nhà với 3-4 phòng ngủ; vừa chia sẻ chi phí vừa giúp tôi tránh được nỗi lo phải ở chung với người lạ.
Sau khi xác định được điều đó, cứ ngoài giờ học là tôi lại tìm nhà, có những ngày đi bộ hàng chục cây số. Vài ngày đầu, tôi khủng hoảng do vừa phải giải quyết khối lượng bài tập lớn vừa phải lo ổn định cuộc sống.
Đến ngày thứ 10, khi đang tiếp tục hành trình tìm nhà trong vô vọng thì tôi tình cờ thấy thông báo của một công ty môi giới nhà đất, dành riêng cho du học sinh trong lúc đi ngang trên phố. Căn nhà cho thuê có bốn phòng ngủ, giá 1.600 euro và 200 euro phí dịch vụ. Nhẩm tính nếu chia bốn, mỗi tháng mất 450 euro trả tiền nhà, lại được ở ngay trung tâm và gần trường học, tôi ưng ý.
Sau khi trao đổi, họ cho biết tuần sau tôi và bạn cùng lớp có thể chuyển đến ở. Nhiều du học sinh khi nghe tin tôi thuê được nhà tại Barcelona trong 10 ngày đã nhận xét “chuyện thật như đùa” khiến tôi cũng thấy mình may mắn.
Trải qua những ngày chật vật mới thuê được nhà, tôi cho rằng, nếu biết trước thời điểm bay, du học sinh cần ưu tiên việc tìm chỗ ở. Với khối lượng hành lý lên tới vài chục kg, bạn sẽ rất vất vả để chuyển đồ nhiều lần nếu không sớm ổn định, phải thay đổi chỗ ở. Một khi đã tìm được nơi vừa ý, bạn cũng nên đặt cọc luôn, nếu không sẽ mất cơ hội. Bởi dù giá nhà ở Barcelona rất đắt đỏ, nhu cầu thuê lúc nào cũng lớn.
Một điều quan trọng khác là, tương tự khi đến những thành phố du lịch lớn ở châu Âu, bạn đặc biệt phải cảnh giác với tình trạng móc túi ở Barcelona trong quá trình đi lại tìm nhà. Tôi được một số người dân bản địa cảnh báo, với những ai mới gặp mà họ đã chủ động ôm mình (dù đây là văn hóa giao tiếp phổ biến), thì nên cẩn thận vì khả năng cao đó là những kẻ móc túi.
Tôi may mắn chưa có trải nghiệm về việc này nhưng nhiều du học sinh từng bị trộm theo cách tương tự. Một người bạn của tôi thậm chí còn bị trộm bánh xe và yên xe đạp dù đã khóa cẩn thận trong lúc đi xem nhà.
Ngoài các yếu tố kể trên, người dân Barcelona thường chỉ nói tiếng Tây Ban Nha và Catalan nên việc giao tiếp càng khó khăn gấp bội. Mỗi lần đi hỏi thuê, nếu chủ nhà không nói được tiếng Anh, tôi phải mở sẵn Google translate để trao đổi.
Bên cạnh đó, đừng quên kết nối và hỏi xin kinh nghiệm từ những du học sinh đi trước. Để chủ động ứng phó với các tình huống phát sinh tại một đất nước xa lạ, bạn cần trang bị trước những thông tin cơ bản về thủ tục, giấy tờ, đặc điểm văn hóa ở nơi đến.
Thanh Hằng ghi